Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 13/5, sau khi nghe Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15, ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật lần này đã thể hiện rõ hơn nỗ lực cải cách, tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo quản lý hiệu quả vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nhiều quy định mới đã được đề xuất nhằm tăng sự chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh kinh tế mới.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu quan tâm, làm rõ hơn các quy định về phạm vi điều chỉnh, cơ chế giám sát, đảm bảo khả thi, minh bạch, đồng bộ. Một số đại biểu cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thị trường việc xác định đúng vai trò của kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân là yêu cầu then chốt để bảo đảm sự phát triển bền vững, hài hòa, cần có một tư duy rõ ràng, thực tế và linh hoạt hơn về mối quan hệ giữa hai khu vực kinh tế này.
Cần giới hạn rõ: vốn nhà nước là tài sản của nhân dân, không phải là của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Việc đầu tư phải dựa trên các chính sách và mục tiêu phát triển đất nước. Trách nhiệm quản lý vốn Nhà nước thuộc về các cơ quan đại diện chủ sở hữu, và họ phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước nhân dân, đặc biệt là với những doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm phần lớn hoặc chi phối. Doanh nghiệp nhà nước phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ, và đặc biệt phải lấy hiệu quả làm thước đo. Ngược lại, khu vực kinh tế tư nhân cần được tạo điều kiện, không bị cản trở bởi các rào cản hành chính hoặc sự cạnh tranh không công bằng.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung góp ý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà; các hoạt động giám sát, kiểm tra việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; về đánh giá, xếp loại doanh nghiệp hiệu quả hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm 8 chương, 59 điều, giảm 3 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Dự án luật này dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; thảo luận về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.