Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, sáng nay, 4.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận ở Hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết và một số nội dung khác.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ dành một ngày để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp và thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Tại phiên họp, thành viên Chính phủ sẽ tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo báo cáo của Chính phủ, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88% (trong bối cảnh tăng lương với mức cao từ 1.7.2024).
Phát biểu điều hành phiên thảo luận sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các nội dung nêu trên đã được Quốc hội thảo luận tại tổ với 308 lượt ý kiến phát biểu. Các ý kiến thảo luận đã được tổng hợp gửi đến các đại biểu Quốc hội và cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong các Tờ trình của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội và các gợi ý thảo luận của các cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị, tập trung vào các thách thức cần vượt qua, bất cập, khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2024, kế hoạch cho năm 2025.
Các đại biểu cho ý kiến đối với tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả đã đạt được, các vấn đề cần lưu ý, quan tâm và có giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật trong thời gian tới…
Ngay trong các phát biểu đầu tiên, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ đồng tình cao với nội dung báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024.
Mở đầu phiên thảo luận, quan tâm đến công tác quản lý khai thác khoáng sản, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề: Luật Địa chất, khoáng sản dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám này đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm bất cập về quản lý nhà nước nhằm khai thác, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên khoáng sản.
Thực tế ở một số nơi cho thấy, việc quản lý hoạt động khoáng sản còn lỏng lẻo, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở của luật pháp trong quản lý khai thác khoáng sản để lách luật, khai thác trái phép nguồn tài nguyên quý hiếm này; vẫn còn tình trạng mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác theo cơ chế xin - cho, làm thất thu ngân sách nhà nước… Tại những địa phương vùng cao, có một số khoáng sản đi kèm, như đất, đá, xỉ than lẫn lộn với khoáng sản quý chưa được khai thác, bị thải bỏ gây lãng phí, có nơi chất thành đống cao gây ra nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường, đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người dân, trong khi đó đất đá để xây lấp cho các công trình không đủ để sử dụng…
Chỉ rõ thực tế nêu trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp cần thiết để sử dụng đất đá thải ra từ các mỏ khoáng sản, xỉ than, từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện để sử dụng thay thế cho các sông làm vật liệu thông thường. Việc sử dụng cát biển cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động để khi sử dụng không ảnh hưởng đến môi trường; nghiên cứu xây dựng cầu cảng trên vùng đất yếu, vùng trũng, đồng bằng sông Cửu Long cần nhanh chóng thực hiện thí điểm.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội trong 9 tháng năm 2024 và khẳng định, với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đã điều hành linh hoạt, đạt nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng ổn định, khả quan bất chấp thách thức toàn cầu, xuất khẩu mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài tích cực, khẳng định vị thế Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn. Lạm phát trong tầm kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định…
Thống nhất với 11 giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu được Chính phủ đề ra trong báo cáo, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo giải quyết căn cơ xử lý ngăn chặn các vụ lừa đảo và đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng xã hội; có biện pháp giải quyết, xử lý dứt điểm những vụ việc phát sinh tiêu cực tại các trường học, lớp học hiện nay. Trong đó, có hiện tượng khá nhiều trường hợp học sinh hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Cùng với đó, cần quyết liệt hơn trong kiểm tra, giám sát, có chế tài xử phạt thật nặng những trường hợp vi phạm kinh doanh thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Nhấn mạnh thiệt hại, hậu quả do bão số 3 (Yagi) gây ra hết sức nặng nề, ảnh hưởng tới kết quả thực hiện kinh tế - xã hội của nước ta, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) kiến nghị một số giải pháp nhằm góp phần đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có cơ chế đặc cách, đặc thù để bổ sung nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, nhất là những địa phương miền núi; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn để triển khai một số nguồn lực hỗ trợ đến với bà con kịp thời…