Quy định giao dịch tối đa 200 triệu/ngày sẽ làm hạn chế tiềm năng kinh doanh của đại lý thanh toán của các tổ chức tín dụng?

Các doanh nghiệp cho rằng quy định về hạn mức giao dịch tối đa là 20 triệu đồng/khách hàng/ngày, 200 triệu đồng/điểm đại lý/ngày và 5 tỷ đồng/điểm đại lý/tháng là không thực sự phù hợp với thực tế, có thể dẫn đến tình trạng gián đoạn dịch vụ và giới hạn đáng kể tiềm năng kinh doanh của bên đại lý.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về hoạt động đại lý thanh toán của các tổ chức tín dụng (TCTD). Việc luật hóa cụ thể các quy định về hoạt động đại lý ngân hàng được kỳ vọng sẽ giúp các nhà băng mở rộng địa bàn hoạt động và nối dài cánh tay phát triển dịch vụ tài chính.

Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của hoạt động thanh toán tại các địa bàn địa phương đồng thời kiểm soát rủi ro, phòng, chống rửa tiền, Dự thảo Thông tư quy định hạn mức giao dịch tối đa cho mỗi điểm đại lý thanh toán được giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày và tối đa 5 tỷ đồng/tháng. Đối với khách hàng cá nhân, giá trị giao dịch qua các đại lý thanh toán không quá 20 triệu đồng/ngày.

Cần điều chỉnh hạn mức của đại lý thanh toán cho phù hợp.

Cần điều chỉnh hạn mức của đại lý thanh toán cho phù hợp.

Góp ý cho dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng vai trò của các doanh nghiệp trung gian như: trung gian thanh toán hay doanh nghiệp công nghệ lớn có mạng lưới rộng, với vai trò là đối tác hợp tác với ngân hàng, mang lại lợi ích cho các bên liên quan.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các doanh nghiệp, quy định về hạn mức giao dịch tối đa là 20 triệu đồng/khách hàng/ngày, 200 triệu đồng/điểm đại lý/ngày và 5 tỷ đồng/điểm đại lý/tháng là không thực sự phù hợp với thực tế, có thể dẫn đến tình trạng gián đoạn dịch vụ và giới hạn đáng kể tiềm năng kinh doanh của bên đại lý.

Cụ thể là hạn mức này đã được thực hiện từ năm 2012 khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt chương trình thí điểm đại lý. Đến nay, sau 12 năm, hạn mức này cần có sự điều chỉnh, tính đến quy mô phát triển thị trường, nhu cầu thanh toán gia tăng của người dân và mức độ lạm phát của nền kinh tế;

Mặt khác, hạn mức này cần được điều chỉnh phụ thuộc theo nhu cầu giao dịch tại địa bàn hoạt động của đại lý, quy mô hoạt động và mức độ rủi ro của từng đại lý.

Một số đại lý là doanh nghiệp lớn vận hành chuỗi cửa hàng, điểm giao dịch ở các thành thị, quy mô giao dịch thường ở mức cao trong khi mức độ rủi ro của đại lý loại này khá thấp. Ngược lại, đối với các đại lý nhỏ ở khu vực nông thôn, nhu cầu giao dịch thấp hơn, do đó có thể áp dụng hạn mức như quy định.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng chỉ áp dụng hạn mức giao dịch tối đa là 20 triệu đồng/khách hàng/ngày, 200 triệu đồng/điểm đại lý/ngày và 5 tỷ đồng/điểm đại lý/tháng với đại lý mới ký hợp đồng; Sau đó, ngân hàng và đại lý có thể thỏa thuận điều chỉnh hạn mức giao dịch phù hợp.

Theo Ban soạn thảo Thông tư, hạn mức giao dịch này là khá phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay, đồng thời cũng khá tương đồng với các mô hình đại lý tương tự tại các quốc gia có nền tài chính đang phát triển như Malaysia, Brazil, Kenya... Ngoài ra, các nghiệp vụ đối với các đại lý thanh toán được Ngân hàng Nhà nước quy định trong dự thảo Thông tư đều tương đồng với các quy định trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

Ban soạn thảo nhận định, những căn cứ pháp lý và nhu cầu thực tiễn thanh toán hiện nay đều rất thuận lợi để hoàn thiện thông tư về đại lý thanh toán và khuyến khích các TCTD triển khai các hoạt động mở rộng địa bàn, phát triển dịch vụ thông qua các đại lý.

Từ năm 2014 đến cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép thực hiện thí điểm một số mô hình dịch vụ thanh toán của Vietcombank và M- Service; MB và Viettel; PG Bank và Petrolimex để đưa dịch vụ thanh toán đến những địa bàn, những đối tượng người dân mà ngân hàng không thuận lợi trong việc tiếp cận và cung ứng dịch vụ.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, việc triển khai các mô hình thí điểm này đã góp phần thúc đẩy dịch vụ thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng như góp phần phổ cập tài chính nói chung. Tuy nhiên, từ cuối năm 2023, các mô hình này đã dừng triển khai do chưa có hành lang pháp lý.

Đồng thời, sau khi kết thúc thí điểm các mô hình đại lý thanh toán của các ngân hàng Vietcombank, MB, PG Bank và nhiều tổ chức tín dụng và doanh nghiệp công nghệ tài chính bày tỏ mong muốn Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để mô hình ngân hàng đại lý (agent-banking) được nối lại. Từ đó, tạo điều kiện cho các ngân hàng gia tăng lượng khách hàng mà không cần phải mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ.

Ngoài ra, đối với các ngân hàng có mạng lưới hẹp có thể giao đại lý cho các ngân hàng hoặc tổ chức khác có mạng lưới rộng hơn thực hiện một số nghiệp vụ cho khách hàng ở những địa bàn mà các chi nhánh chưa vươn tới. Điều này sẽ giúp hoạt động cung ứng dịch vụ tài chính cơ bản cho khách hàng tại vùng sâu, vùng xa tốt hơn, hỗ trợ các địa phương hoàn thành các mục tiêu phổ cập tài chính.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/quy-dinh-giao-dich-toi-da-200-trieu-ngay-se-lam-han-che-tiem-nang-kinh-doanh-cua-dai-ly-thanh-toan-cua-cac-to-chuc-tin-dung-1100047.html