Quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Sáng 21-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi), trong đó quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp sáng 21-6. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp sáng 21-6. Ảnh: quochoi.vn

Luật Lưu trữ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 8 chương với 65 điều. Trong đó, Điều 26 quy định quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin trong tài liệu lưu trữ.

Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân có các quyền: Được tiếp cận thông tin trong tài liệu lưu trữ chính xác, đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật; sử dụng thông tin trong tài liệu lưu trữ để phục vụ công tác, nghiên cứu khoa học, lịch sử và nhu cầu hợp pháp khác; khiếu nại, tố cáo theo quy định.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng thông tin trong tài liệu lưu trữ có các nghĩa vụ sau đây: Chỉ dẫn số lưu trữ, độ gốc của tài liệu lưu trữ và cơ quan, tổ chức quản lý tài liệu lưu trữ; tôn trọng tính nguyên bản của thông tin trong tài liệu khi giới thiệu, trích dẫn tài liệu lưu trữ; trả phí sử dụng tài liệu lưu trữ theo quy định của pháp luật; tuân thủ quy định của Luật này, quy chế của cơ quan, tổ chức quản lý tài liệu lưu trữ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về lưu trữ tài liệu điện tử (Mục 3 Chương III, từ Điều 31 đến Điều 37), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định cụ thể về tài liệu điện tử cần lưu trữ của ngành, lĩnh vực; bổ sung quy định xác định chủ thể được tiếp cận tài liệu điện tử.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo. Ảnh: quochoi.vn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo. Ảnh: quochoi.vn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cũng như đối với tài liệu giấy, tài liệu điện tử hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức cần được đánh giá để xác định những tài liệu có giá trị lưu trữ, tài liệu không có giá trị lưu trữ. Nghiệp vụ lưu trữ đối với tài liệu điện tử đã được quy định cụ thể tại Mục 1 và Mục 3 Chương III của dự thảo Luật, gồm các nội dung về xác định giá trị tài liệu; thời hạn lưu trữ; hồ sơ, tài liệu nộp vào lưu trữ; cơ quan, tổ chức nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử; việc quản lý, sử dụng, khai thác thông tin trong tài liệu lưu trữ…

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 6 Điều 15 của dự thảo Luật theo hướng bổ sung nội dung giao người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định cụ thể danh mục hồ sơ, tài liệu lưu trữ của cơ quan, tổ chức (bao gồm tài liệu lưu trữ điện tử).

Về việc tiếp cận tài liệu lưu trữ là tài liệu điện tử, dự thảo Luật đã có quy định về tiếp cận thông tin trong tài liệu lưu trữ (Điều 25), quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, sử dụng thông tin trong tài liệu lưu trữ (Điều 26) áp dụng cả đối với tài liệu lưu trữ giấy và tài liệu lưu trữ điện tử. Việc xác định chủ thể và thông tin được tiếp cận trong các trường hợp cụ thể được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và pháp luật có liên quan, do đó đã bao hàm nội dung đại biểu đề nghị...

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Về hoạt động dịch vụ lưu trữ (Chương VI, từ Điều 53 đến Điều 56), có ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định các hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, vì các hoạt động này không ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hoạt động dịch vụ lưu trữ là hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu, liên quan đến tài liệu lưu trữ có giá trị bảo quản vĩnh viễn là tư liệu lịch sử của quốc gia, chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có những thông tin mà việc tiếp cận có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nên cần có sự quản lý chặt chẽ.

Hơn nữa, đây không phải là quy định mới mà kế thừa Luật Lưu trữ năm 2011 quy định tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đáp ứng các điều kiện nhất định, thực chất là điều kiện đầu tư kinh doanh. Do đó, việc quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là phù hợp.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/quy-dinh-hoat-dong-dich-vu-luu-tru-la-nganh-nghe-kinh-doanh-co-dieu-kien-669896.html