Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ Cục Đường sắt Việt Nam

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Quyết định số 387/QĐ-BGTVT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường sắt Việt Nam. Trong đó, bổ sung thêm một số nhiệm vụ mới....

Cục Đường sắt có trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định và thẩm quyền.

Cục Đường sắt có trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định và thẩm quyền.

Quyết định số 387/QĐ-BGTVT nêu rõ Cục Đường sắt Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật chuyên ngành giao thông vận tải đường sắt trong phạm vi cả nước. Cục Đường sắt Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu, được hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và có trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội.

Quyết định này thay thế Quyết định số 2527/QĐ-BGTVT ngày 30/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường sắt Việt Nam; Quyết định số 1665/QĐ-BGTVT ngày 10/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 2527/QĐ-BGTVT ngày 30/12/2019.

RÀ SOÁT KẾ HOẠCH BẢO TRÌ HÀNG NĂM

Theo Quyết định số 387, Cục Đường sắt Việt Nam có nhiệm vụ chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trung hạn và hàng năm, các chương trình, dự án quốc gia, các đề án phát triển thuộc chuyên ngành giao thông vận tải đường sắt trong phạm vi cả nước.

Cùng với đó, chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy định về giao thông vận tải đường sắt.

Chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành giao thông vận tải đường sắt; tổ chức xây dựng và thẩm định, công bố tiêu chuẩn cơ sở chuyên ngành giao thông vận tải đường sắt.

Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành giao thông vận tải đường sắt được cấp có thẩm quyền ban hành, công bố hoặc phê duyệt; quy định việc áp dụng cụ thể một số tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, nghiệp vụ đối với các tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt phù hợp với pháp luật về đường sắt và thẩm quyền quản lý, điều hành của Cục Đường sắt Việt Nam.

Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông vận tải đường sắt.

Về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, Cục Đường sắt Việt nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định và thẩm quyền; kiểm tra, rà soát kế hoạch và dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hàng năm, trung hạn (hoặc theo kỳ kế hoạch) trình Bộ trưởng phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định.

Cùng với đó, quản lý nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật khi được cấp có thẩm quyền giao; chủ trì thẩm tra, trình Bộ trưởng quyết định việc đưa vào khai thác, dừng khai thác tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt quốc gia và việc kết nối đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị (nếu có) với đường sắt quốc gia.

Chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền việc công bố, phân loại, đặt tên, điều chỉnh, đóng, mở, tháo dỡ, đưa vào khai thác, dừng, tạm dừng khai thác công trình đường sắt theo quy định của pháp luật.

Chủ trì thẩm tra, trình Bộ trưởng công bố cấp kỹ thuật của tuyến, đoạn tuyến, khu đoạn đường sắt và ga đường sắt.

Cùng với đó, cấp, gia hạn, thu hồi, hủy giấy phép xây dựng, cải tạo, nâng cấp, đường ngang trên đường sắt quốc gia; quyết định bãi bỏ đường ngang trên đường sắt quốc gia; cấp, gia hạn, thu hồi, hủy giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt quốc gia; Đề xuất Bộ trưởng quyết định chuyển cầu chung thành cầu đi riêng trên đường sắt quốc gia.

KÊU GỌI ĐẦU TƯ, VẬN ĐỘNG VỐN TƯ NHÂN PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG SẮT

Quyết định của Bộ Giao thông vận tải cũng quy định rõ trách nhiệm của Cục Đường sắt Việt Nam về phương tiện giao thông đường sắt; nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; hoạt động vận tải đường sắt; an toàn giao thông đường sắt; quản lý dự án đầu tư xây dựng; quản lý, theo dõi và thống kê về giá, phí, lệ phí trong hoạt động đường sắt theo quy định của pháp luật.

Cục Đường sắt được phép yêu cầu hoặc đề xuất điều chỉnh phương án giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt khi cần thiết theo quy định; thẩm định phương án giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt, trình Bộ Giao thông vận tải theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đường sắt; xây dựng, triển khai các chương trình, đề án, dự án ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu, dịch vụ thông tin phục vụ công tác quản lý và khai thác trong lĩnh vực đường sắt; bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải đường sắt; hợp tác quốc tế.

Hướng dẫn, tạo điều kiện, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, hội, tổ chức phi Chính phủ tham gia vào hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt.

"Xây dựng, trình Bộ trưởng công bố danh mục các chương trình, dự án kêu gọi đầu tư; tổ chức xúc tiến đầu tư và vận động vốn ngoài ngân sách nhà nước phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và danh mục dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp hoặc ủy quyền của Bộ trưởng", Quyết định số 387 nêu rõ.

Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đường sắt theo quy định của pháp luật; kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền.

Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình cải cách hành chính của Cục Đường sắt Việt Nam theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước của Bộ Giao thông vận tải…

Về cơ cấu tổ chức, Cục Đường sắt gồm các phòng ban như: phòng kế hoạch - tài chính; phòng quản lý xây dựng và kết cấu hạ tầng đường sắt; phòng vận tải - khoa học công nghệ; phòng pháp chế - thanh tra; phòng thanh tra - an toàn I (có các đội thanh tra - an toàn số 1, 2, 3, 4, 5); phòng thanh tra - an toàn II (có các đội thanh tra - an toàn số 6, 7, 8); phòng thanh tra - an toàn III (có các đội thanh tra - an toàn số 9, 10).

Anh Tú

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/quy-dinh-moi-ve-chuc-nang-nhiem-vu-cuc-duong-sat-viet-nam.htm