Quy định mới về dạy thêm: Chỉ giải quyết phần ngọn
Chỉ đến khi nào chúng ta có một nền giáo dục thực sự hạnh phúc cho người học, khi đó, dạy thêm, học thêm nếu có mới thực sự là nhu cầu chính đáng của xã hội.
Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực thi hành từ 14/2 đang tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau. Dù không hoàn toàn cấm dạy thêm trong trường nhưng điều kiện dạy “miễn phí” đối với 3 đối tượng: học sinh chưa đạt, bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh cuối cấp tự nguyện xem như hoạt động học thêm, dạy thêm trong nhà trường… đóng cửa.
Đối với hoạt động dạy thêm ngoài trường, thầy cô phải đăng ký kinh doanh, phải đảm bảo các điều kiện hành nghề, cơ sở vật chất… Giáo viên trực tiếp dạy trên lớp không được dạy thêm học sinh của mình tại các trung tâm giáo dục bên ngoài.
Phải thừa nhận một thực tế, việc ban hành thông tư quy định dạy thêm, học thêm là cần thiết, thậm chí cấp bách. Bởi nhiều năm qua, học thêm, dạy thêm đã gây ra nhiều bức xúc đối với xã hội. Dạy thêm, học thêm có chỗ, có nơi bị biến tướng thành “dạy chính, học chính”.
Dư luận từng đặt ra câu hỏi: tại sao các nghề khác được làm thêm thì không có lý do gì giáo viên không được dạy thêm? Giáo viên cũng là con người, cũng có gia đình, cũng có những nhu cầu về kinh tế như bất kỳ ngành nghề nào khác trong xã hội. Chưa kể việc dạy thêm, học thêm là “nhu cầu”, là tinh thần “tự nguyện” của phụ huynh và học sinh.
Tuy nhiên, vấn đề là nếu thu nhập từ dạy thêm của giáo viên cao hơn gấp nhiều lần thu nhập từ dạy chính khóa tại lớp, ai sẽ là người quản lý, kiểm chứng tinh thần cống hiến của họ đối với sự nghiệp giáo dục? Học sinh nếu không học thêm liệu có bị “đì”, bị chèn ép khi học chính khóa? Có hay không hiện tượng giáo viên dạy chính khóa qua loa, dành thời gian, tâm sức để dạy thêm kiếm thu nhập?
Những câu hỏi ấy vừa dễ nhưng cũng vừa khó trả lời. Dễ là bởi phụ huynh ai cũng biết nhưng khó là bằng chứng đâu?
Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm ra đời vì thế cũng dễ hiểu khi có nhiều ý kiến trái chiều.
Ý kiến ủng hộ cho rằng: nếu cứ để tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay, học sinh sẽ không còn tuổi thơ theo đúng nghĩa. Các em không có thời gian để phát triển toàn diện mà phải chạy đua với thành tích, thi cử.
Ý kiến không ủng hộ cho rằng: nếu không dạy thêm trong trường, cơ sở vât chất sẽ lãng phí, học sinh nghèo, học sinh vùng nông thôn không có điều kiện học ở trung tâm bên ngoài. Bởi lẽ, theo tính toán sơ bộ, học ở trung tâm chi phí sẽ đắt hơn do người đăng ký kinh doanh phải đầu tư cơ sở vật chất, thuê quản lý, thuê giáo viên… Bên cạnh đó, việc đưa đón, quản lý con em đối với phụ huynh chắc chắn sẽ gặp khó khăn…
Một số chuyên gia đã khuyến cáo các nguy cơ “lách” quy định dạy thêm, học thêm khi thực hiện thông tư 29 như giáo viên sẽ thuê người đủ điều kiện đứng lớp làm trợ giảng để đối phó còn thực tế vẫn tìm cách dạy trực tiếp đối với học sinh của mình. Hoặc giáo viên này “phím” cho giáo viên kia trong cùng trường, cùng tổ chuyên môn về “bài tủ”, “đề mẫu” để kéo học sinh về trung tâm của mình thay vì để học sinh, phụ huynh tự nguyện lựa chọn. Bởi nếu không học lớp của thầy X, cô Y thì khi làm bài kiểm tra có thể sẽ lệch tủ, bị điểm kém, thành tích học tập đi xuống…
Một nguy cơ nữa mà nhiều người còn chưa nêu, đó là điều kiện cơ sở vật chất để mở các trung tâm dạy thêm bên ngoài nhà trường. Theo quy định, các trung tâm này phải đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn cháy nổ… Thực tế, nếu áp dụng đúng các tiêu chuẩn, nhất là đối với tổ chức, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh rất khó để các trung tâm đảm bảo các điều kiện về đất đai, quy hoạch, xây dựng, PCCC… Đây tiếp tục là một thách thức khi triển khai quy đinh mới về dạy thêm, học thêm. Việc kiểm tra, giám sát dù được quy định đến tận chính quyền cấp xã nhưng rất khó để có thể thực hiện thường xuyên, liên tục.
Theo dự báo, việc ban hành quy định dạy thêm, học thêm sẽ không khiến cho nhu cầu học thêm giảm. Bởi lẽ gốc rễ đến từ chương trình học quá nặng nề, đề kiểm tra, đề thi quá khó. Trong khi đó, giáo viên khi bị cấm dạy thêm thu tiền tại trường sẽ bị ảnh hưởng đến tinh thần, khó tập trung để dạy chính khóa tốt. Bằng cách nào đó, các thầy cô vẫn phải tìm cách dạy thêm để duy trì thu nhập như trước khi có thông tư 29. Còn học sinh nếu không học thêm, không thể có đủ lượng kiến thức để đáp ứng việc kiểm tra, thi cử. Trong khi áp lực về thành tích vẫn đang đè nặng lên nhà trường, thầy cô, phụ huynh và toàn xã hội.
Cho nên, nói ban hành thông tư quy định dạy thêm, học thêm là cần thiết nhưng không phải là giải pháp căn cở, triệt để. Bởi chỉ đến khi nào chúng ta có một nền giáo dục thực sự hạnh phúc cho người học, khi đó, dạy thêm, học thêm nếu có mới thực sự là nhu cầu chính đáng của xã hội.