Quy định thời gian lái xe: Sao cho an toàn và giảm thiểu tác động kinh tế
Tại Dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT đề xuất quy định thời gian lái xe của tài xế không được vượt quá 8 tiếng và giảm thời gian lái xe liên tục vào ban đêm xuống dưới 3 tiếng.
Điều này sẽ tác động đến các doanh nghiệp vận tải như thế nào? có làm tăng nguồn nhân lực, chi phí đầu vào và chi phí vận tải, làm gia tăng chi phí xã hội?
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Điện Biên, đơn vị chuyên có nhiều năm kinh nghiệm trong dịch vụ vận tải hành khách từ Điện Biên- Hà Nội cho biết, với quãng đường 460km từ Điện Biên đi Hà Nội thông thường, đơn vị bố trí 2 tài xế và một phụ xe.
Với quy định mới được đề xuất trong Dự thảo Luật Đường bộ, không cho phép lái xe lái quá 8 tiếng/ngày và giảm thời gian lái xe liên tục vào ban đêm xuống dưới 3 tiếng, theo ông Mạnh, doanh nghiệp phải tăng thêm 1 lái xe, làm tăng tải trọng, chiếm thêm chỗ ngồi.
Quy định này không chỉ gây phức tạp về vấn đề bố trí lao động mà còn làm tăng chi phí, ông Mạnh cho biết: "Vấn đề thay đổi khung thời gian, thay vì 4 tiếng bây giờ 3 tiếng phải thay lái, cơ cấu sắp xếp rất bất hợp lý trên 1 chặng đường Điện Biên- Hà Nội 460km, thì tương đương thêm một lao động.
Số lượng lao động lại tăng thêm và nó rất phiền toái cho quá trình tổ chức sản xuất, cho nên theo tôi 1 lao động, 1 lái xe chiếm khoảng 18-20% doanh số, tăng chi phí cho giá cước khoảng 20% là ít".
Ông Nguyễn Thái Hùng, một chủ xe container phân tích, hiện nay giá cước vận tải của một chuyến hàng container khá sát với chi phí.
Đơn cử, giá cước một chuyến container từ Hải Phòng- Sài Đồng, Hà Nội là 5,4 triệu đồng, sau khi trừ đi xăng xe, phí đường bộ, chi phí lái xe, chủ xe còn lại khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Nếu siết quy định về thời gian lái xe ban đêm sẽ gây khó cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa.
Bởi đây là lĩnh vực có đặc thù riêng là phụ thuộc vào thời gian, nhu cầu của chủ hàng và đa phần hoạt động vào ban đêm. Các lái xe container, lái xe đường dài cũng có thói quen, chế độ giờ giấc sinh hoạt mang tính đặc thù nên dù có đổi lái xe vào lúc ban đêm theo quy định mới, lái xe cũng rất khó để ngủ lại.
Ông Hùng nhấn mạnh: "Thay đổi về giờ giấc, các doanh nghiệp vận tải hành khách có thể đáp ứng được nhưng các doanh nghiệp vận tải chở hàng hóa không thể đáp ứng được. Bởi vì xe tải chở hàng hóa giờ giấc không cụ thể, không ổn định, nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Mỗi một chuyến hàng cung đường khác dài ngắn khác nhau, cung đường khác nhau, nếu mà đưa ra quy định chặt như thế rất khó. Nếu thay đổi về thời gian lái xe như thế thì rất nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ dừng lại".
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Minh Quang, chủ doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở Hải Phòng cho biết, thời điểm hiện nay, đơn hàng ít, doanh nghiệp đang thực hiện theo kiểu “đảo xe” - Lái xe chạy 1 ngày nghỉ 1 ngày, cho các xe chạy tuyến Hà Nội - Đà Nẵng.
Ông Quang cho rằng, quy định mới sẽ làm doanh nghiệp phát sinh thêm nhiều chi phí: "Doanh nghiệp vận tải đang gặp rất nhiều khó khăn trong năm nay, nhất là giai đoạn từ thời điểm xảy ra COVID-19. Các doanh nghiệp vận tải phải bớt chi phí, các chi phí phải thắt chặt. Việc làm không có, lại phải thuê thêm lái xe để tiếp tục cho phương tiện di chuyển, Người ta phải thêm chi phí cho lương, bảo hiểm xã hội và một loạt các chi phí khác. Mình thấy không hợp lý. Các doanh nghiệp vận tải nếu không tạo điều kiện thì giá thành sẽ độn lên theo vận tải".
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp logistics cho biết, Chi phí logistics so sánh với GDP chiếm khoảng 16%. Tuy nhiên, đối với từng ngành hàng, chi phí logistics chiếm tỷ lệ khác nhau trong giá thành sản phẩm.
Ví dụ như đối với mặt hàng thủy sản, nông nghiệp chiếm khoảng 20-25% giá thành, mặt hàng điện tử chỉ chiếm 5-6%. Do vậy, quy định về giới hạn thời gian lái xe liên tục chắc chắn sẽ làm tăng chi phí logistics của các doanh nghiệp vận tải, từ đó tác động tới các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. Chính vì vậy, Chính phủ, Bộ GTVT cần phải thận trọng, tiến hành khảo sát trước khi ban hành quy định mới.
"Một số địa phương có quy định xe tải không được chạy ban ngày hoặc cấm giờ, họ lại phải chạy ban đêm, đặc biệt là xe đầu kéo, container, Logistic ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, và các doanh nghiệp sản xuất bởi vì nó tham gia trực tiếp vào quá trình lưu thông hàng hóa. Cần phải làm khảo sát, căn cứ thực tế các lái xe, các nước trong khu vực có lao động tương đương, phải có khảo sát trong cộng đồng các doanh nghiệp mới chính xác", ông Lê Duy Hiệp nói.
Một số ý kiến cho rằng, quy định pháp luật hiện hành giới hạn thời gian lái xe không được lái liên tục quá 4 giờ là phù hợp, bên cạnh đó cần có những quy định cụ thể, bổ sung các thiết bị để kiểm soát thời gian của các lái xe.
Đề xuất giảm thời gian lái xe tại Dự thảo Luật đường bộ đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng các doanh nghiệp. Việc ban hành một quy định mới không chỉ tác động đến lĩnh vực giao thông vận tải mà còn có tác động đến cả hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất trong nước và nền kinh tế do vậy cần hết sức thận trọng.