Quy hoạch không gian ngầm cho đô thị Nhơn Trạch
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Nhơn Trạch sẽ đạt tiêu chí đô thị loại II và đến năm 2045 sẽ trở thành một trong 3 đô thị loại I của tỉnh.
Trong bối cảnh đó, việc quy hoạch khai thác không gian ngầm cũng như phát triển mô hình Đô thị TOD (mô hình Phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) là xu thế tất yếu.
Phục vụ phát triển bền vững
Khi tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh tại các đô thị lớn trên địa bàn tỉnh, quỹ đất phát triển cũng sẽ dần bị thu hẹp. Trong bối cảnh đó, việc khai thác không gian ngầm cũng như phát triển mạng lưới giao thông công cộng là giải pháp tất yếu. Đây cũng là xu thế phát triển của các đô thị tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay.
Theo Sở Xây dựng, trong định hướng phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã đưa ra lưu ý đến quy hoạch không gian ngầm theo xu thế của các nước phát triển.
“Phải xác định lựa chọn phát triển không gian ngầm là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài trong phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh” - Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho biết.
Trong khi đó, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, TOD là dạng phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng. Đây là một định hướng rất tốt cho các tỉnh, thành.
Theo Sở Xây dựng, đô thị mới Nhơn Trạch là một trong số ít những đô thị trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có quy hoạch phát triển không gian ngầm.
Theo đánh giá, ưu điểm phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là tối đa hóa giá trị tăng thêm từ đất nhằm bù đắp vốn đầu tư cho đường sắt đô thị. Tối đa hóa lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt đô thị nhằm giúp kinh doanh vận tải hành khách công cộng sinh lời. Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận thuận tiện, thoải mái, an toàn của hành khách từ các không gian đô thị kiểu TOD tới các ga đường sắt đô thị và ngược lại, góp phần cải thiện điều kiện môi trường và xã hội tại địa phương.
Đối với đô thị Nhơn Trạch, trong quy hoạch, bên cạnh tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến đường sắt đô thị Biên Hòa - Nhơn Trạch - Long Thành sẽ là tuyến đường sắt đô thị thứ 2 đi qua địa bàn. Đây là cơ sở để Nhơn Trạch quy hoạch, phát triển đô thị theo mô hình TOD.
Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong cho hay, việc áp dụng mô hình TOD và phát triển không gian ngầm trong quy hoạch Nhơn Trạch không chỉ là giải pháp hiệu quả cho giao thông, mà còn tạo ra một đô thị bền vững, tiện nghi và thân thiện với môi trường.
Đề xuất mô hình cho đô thị Nhơn Trạch
Theo ông Nguyễn Thế Phong, mô hình TOD là định hướng phát triển đô thị tận dụng năng lực của hệ thống vận tải công cộng sức chở lớn (đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị) làm nền tảng cho việc đi lại. Mô hình TOD là mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm. Do vậy, các khu đô thị có mật độ dân cư cao, nhiều tiện ích khi áp dụng mô hình TOD thường phát triển xung quanh hệ thống ga tàu điện ngầm, xe buýt hoặc các phương tiện giao thông công cộng khác nhằm mục đích tối ưu hóa phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, không gian ngầm là phần quan trọng trong đô thị hiện đại, bao gồm các công trình ngầm như: bãi đỗ xe, trung tâm thương mại và đường hầm. Khai thác không gian ngầm sẽ giúp giảm tải không gian trên mặt đất, tăng cường khả năng kết nối và tạo ra các tiện ích mới cho người dân. Sự phát triển kinh tế và thu hút đầu tư sẽ thúc đẩy phát triển không gian ngầm.
“Việc quy hoạch không gian ngầm tại huyện Nhơn Trạch không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại, mà còn phục vụ cho sự phát triển bền vững trong tương lai” - ông Phong cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Phong, Nhơn Trạch là điểm nối quan trọng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, áp dụng mô hình TOD sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông, thúc đẩy việc sử dụng phương tiện công cộng. Hơn thế nữa, phát triển đô thị theo mô hình TOD sẽ tạo điều kiện cho hành khách tiếp cận thuận tiện, an toàn các dịch vụ tới các ga đường sắt đô thị và ngược lại. Từ đó, góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Không gian ngầm kết hợp với TOD giúp cung cấp thêm dịch vụ công cộng, giảm chi phí sinh hoạt nhờ giao thông công cộng thuận lợi.
Trên cơ sở đó, huyện Nhơn Trạch cũng đã đề ra các giải pháp và định hướng phát triển mô hình TOD và không gian ngầm trên địa bàn. Cụ thể, dựa vào các trục chính đô thị phát triển giao thông công cộng với mô hình TOD ở 2 hướng chính là vận tải hành khách nội đô phục vụ cho dân cư đô thị và vận tải hành khách công cộng đối ngoại phục vụ hành khách các đô thị lân cận.
Theo đó, địa phương sẽ mở rộng tuyến xe buýt kết nối Nhơn Trạch với các khu vực lân cận, đặc biệt là các trung tâm kinh tế như: Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa và Long Thành. Bố trí tuyến xe buýt nội đô giúp người dân di chuyển dễ dàng hơn giữa các khu vực trong huyện Nhơn Trạch. Vận tải hành khách công cộng đối nội gồm các tuyến chính của đô thị song song với các tuyến này và các tuyến vành đai của đô thị hướng đến các nút TOD.
Đồng thời, áp dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS), quản lý và điều hành giao thông công cộng bằng cách tích hợp các công nghệ hiện đại như: GPS, cảm biến và phần mềm quản lý.
Huyện Nhơn Trạch cũng sẽ khuyến khích xây dựng không gian ngầm tại khu vực nhà ga đường sắt đô thị, các khu vực có công trình cấp vùng, nơi có mật độ cao. Xây dựng các bãi đỗ xe, tiện ích công cộng khu trung tâm hành chính phục vụ cho nhu cầu sử dụng kết hợp với không gian ngầm dọc các tuyến đường trục chính của huyện.
“Những giải pháp này sẽ góp phần giúp Nhơn Trạch phát triển thành một đô thị hiện đại, bền vững, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực” - ông Nguyễn Thế Phong chia sẻ.