Quy hoạch liên kết vùng: Tạo đà đưa Hà Nội phát triển xứng tầm
Hà Nội đã điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (phê duyệt năm 2011). Và hiện nay, việc lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã khiến cấu trúc không gian vùng dần được định hình trên cơ sở kế thừa những đồ án quy hoạch trước đây, đồng thời điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Điều này đã và đang đáp ứng vai trò là trung tâm, động lực phát triển của vùng và cả nước.
Tăng cường mối quan hệ với vùng
Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt năm 2011, Bộ Xây dựng cùng thành phố Hà Nội đã triển khai mở rộng phạm vi nghiên cứu quy hoạch và cụ thể hóa đồ án Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội. Tháng 5-2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 768/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050. Quy hoạch xác định Hà Nội có vị thế là trung tâm đầu não hành chính, chính trị quốc gia, trung tâm văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước...
Theo kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), qua đánh giá hiện trạng và thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, có 6 nhóm tồn tại được chỉ ra, trong đó có vấn đề liên kết. Đồ án quy hoạch chung xây dựng cũng như quy hoạch vùng đặt ra rất nhiều giải pháp liên kết vùng, song thực tế chưa được quan tâm đầu tư.
“Đến giai đoạn vừa qua, chúng ta mới bắt đầu thúc đẩy Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật mang tính chất đầu mối như nghĩa trang, xử lý chất thải rắn trong đồ án quy hoạch vùng đã đặt ra để gánh vác, chia sẻ cho Hà Nội chưa được đầu tư xây dựng…”, kiến trúc sư Lê Hoàng Phương nêu cụ thể.
Còn theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, trong những năm qua, Hà Nội với vai trò là Thủ đô đã có nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt, đạt được những kết quả quan trọng khá toàn diện và có nhiều dấu ấn nổi bật.
Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, Hà Nội chưa phát huy đồng bộ thế mạnh, tiềm năng của Thủ đô. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến 2030, tầm nhìn đến 2045 cũng đã chỉ ra, Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước.
“Luật Thủ đô (năm 2013) cũng đã xác định trách nhiệm của Hà Nội là chủ động phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong trong Vùng Thủ đô và cả nước thông qua việc mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển. Thực tế nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô cũng cho thấy việc liên kết còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, để thực hiện mục tiêu phát triển, Hà Nội không thể không quan tâm đến mối quan hệ với vùng. Việc này trước hết cần xác lập trong quy hoạch với quan hệ tương hỗ hai chiều giữa quy hoạch vùng và quy hoạch Thủ đô.
Chú trọng phát triển các không gian bên ngoài
Theo kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, qua nghiên cứu, các đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô đánh giá có tới 50% những vấn đề của Hà Nội nằm ở liên kết vùng, ở không gian khu vực của Vùng Thủ đô Hà Nội. Do đó, từ những điểm nghẽn trong phát triển đô thị Hà Nội thời gian qua, liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô đã chú trọng hướng ra các không gian bên ngoài. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định các hành lang phát triển kinh tế, các hành lang liên kết vùng. Đây là các nội dung được kế thừa trong các nghiên cứu cho khu vực Thủ đô Hà Nội với các liên kết về mặt giao thông và đặc biệt liên kết về mặt đường sắt kết nối vùng.
Cũng theo kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, trong cấu trúc không gian vùng hiện nay, các đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô định hướng, ngoài 2 hành lang kinh tế Bắc - Nam và hành lang xuyên Á, hệ thống các tuyến đường hướng tâm cũng đóng vai trò là trục không gian đô thị hóa cũng như phát triển kinh tế, như trục phía Tây Bắc liên quan đến quốc lộ 2, phía Bắc liên quan đến quốc lộ 3, đặc biệt đường kết nối Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh… là vùng đang có đô thị hóa lớn.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu thêm gợi ý, liên kết vùng phải được đặt cùng với cơ chế đổi mới để không chỉ Hà Nội, mà các tỉnh cùng phát triển, cùng chia sẻ lợi ích, cùng khai thác hiệu quả dữ liệu.
Khi các quy hoạch vùng được phê duyệt, cơ chế thực hiện và trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương trong vùng cũng phải được xác định rõ. Riêng với Hà Nội rất cần xây dựng cơ chế đặc thù để thực hiện vai trò chủ động trong vùng, nhất là về quản lý dân số, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
Với sự quan tâm của Trung ương, quyết tâm của thành phố, quy hoạch liên kết vùng khi thực hiện được kỳ vọng sẽ tạo đà đưa Hà Nội phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.