Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030: Cần phân tích rõ hơn vai trò, vị trí của kinh tế biển
Đánh giá cao dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng vẫn cần phân tích rõ hơn vai trò của kinh tế biển.
Những mục tiêu chính của quy hoạch
Trình bày tóm tắt báo cáo Quy hoạch tại Hội thảo tham vấn ý kiến Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào sáng ngày 19/7, ông Trần Hồng Quang - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng: Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ, bao gồm: Đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Phạm vi của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, việc phân bổ và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng, mang tính chiến lược trên lãnh thổ, bao gồm: Đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời.
Cũng theo ông Trần Hồng Quang, Quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm đạt được 4 mục tiêu, bao gồm: Thứ nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh của lãnh thổ; thứ 2, kết nối thông suốt giữa các vùng, địa phương bên trong quốc gia; thứ 3, kết nối thông suốt giữa quốc gia và quốc tế; thứ 4, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thịnh vượng, tạo ra nhiều sinh kế, phù hợp với bối cảnh mới, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa thiên nhiên.
Trong đó, một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là quy mô dân số khoảng 105 triệu người; năm 2050 khoảng 115 triệu người; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030; khoảng 6,5-7%/năm giai đoạn 2031-2050.
GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người; đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD/người. Tỷ lệ dân số đô thị đến năm 2030 đạt trên 50% và đến năm 2050 đạt từ 70-80%...
Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đặt mục tiêu, đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc; đến năm 2050 có trên 9.000 km đường bộ cao tốc; hoàn thành đường sắt cao tốc. Đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị đạt 32m2…
Làm rõ hơn lợi thế, vai trò kinh tế biển
Góp ý bản dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 lần 1, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, dự thảo đã đánh giá toàn diện về các điều kiện phát triển về tài nguyên như: Tài nguyên đất, nước, khí hậu, khoáng sản, tài nguyên về năng lượng, cũng như các tài nguyên về xã hội như dân số, nguồn nhân lực… Đây là các nguồn lực cho sự phát triển của nền kinh tế và toàn xã hội, đó cũng là lợi thế phát triển của mỗi nước. Việc đánh giá đúng nguồn lực và hiện trạng phát triển của quốc gia và những tồn tại sẽ là cơ sở để đề ra các giải pháp phát triển cho giai đoạn tới.
Tuy nhiên, theo PGS, TS Vũ Năng Dũng - Hội Khoa học Đất Việt Nam, đây là bản quy hoạch khó, lần đầu tiên tích hợp, nên không trách khỏi những tồn tại cần tiếp tục được hoàn thiện. Trên cơ sở đó, góp ý hoàn thiện dự thảo, ông Vũ Năng Dũng cho rằng, trong lợi thế và thách thức phát triển cần phân tích kỹ hơn vị trí, vai trò của kinh tế biển đảo, du lịch, môi trường biển như thế nào? Vì hiện môi trường biển đang bị tổn thương rất nhiều và chất lượng môi trường biển cũng đang suy giảm nhiều.
Cũng liên quan đến kinh tế biển, ông Nguyễn Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) - cho rằng: Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nói về kinh tế biển nhưng chưa nhiều, và cũng không nhắc nhiều đến kinh tế rừng. Trong khi đó, kinh tế rừng và kinh tế biển là 2 thế mạnh rất lớn của Việt Nam, nên cần tập trung làm rõ hơn vấn đề này trong những bản dự thảo sau.
Trước những ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, với vai trò Tổ trưởng Tổ chuyên gia tư vấn quy hoạch của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, tháng 10/2022 Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ trình Quốc hội lần, nhưng trước khi trình Quốc hội thì phải trình Hội đồng thẩm định và nhiều cấp thông qua.
“Thời gian rất gấp, nên chúng tôi sẽ rà soát lại ý kiến đóng góp, tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới. Hy vọng, bản dự thảo 2 sẽ hoàn thiện hơn”, TS Cao Viết Sinh thông tin.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở nước ta theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017; đây là nhiệm vụ rất mới, chưa có tiền lệ. Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030, nhằm bố trí không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý dựa trên tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Nguyễn Hòa