Quỹ trái phiếu gặp khó khi tìm nguồn hàng

Chia sẻ tại Tọa đàm 'Lực đẩy dòng vốn mới' do Báo Tài chính - Đầu tư tổ chức ngày 23/7, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc PVI AM cho biết, nhu cầu của nhà đầu tư đối với sản phẩm quỹ trái phiếu gia tăng, tuy nhiên các quỹ trái phiếu lại gặp khó khăn trong việc tìm nguồn hàng.

Bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc PVI AM

Bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc PVI AM

Bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc PVI AM

Bà Giao cho biết, PVI AM quản lý chính các nguồn tiền từ định chế tài chính, công ty bảo hiểm, nhà đầu tư nước ngoài, khách hàng cá nhân có tài sản cao, tính chất về sản phẩm tương đối khác so với các sản phẩm quỹ mở, quỹ đại chúng trên thị trường. Hiện tại, sản phẩm đầu tư PVI AM nhiều nhất là trái phiếu.

“Các thành viên thị trường nhắc nhiều tới các yếu tố vĩ mô tích cực, nhưng thực tế chúng tôi lại gặp nhiều khó khăn do đặc thù đầu tư trái phiếu. Kinh tế vĩ mô tốt thì tín dụng tích cực, mức độ tự tin trở lại, nhưng với mặt bằng lãi suất ở mức thấp như hiện nay thì lãi suất trái phiếu cũng thấp so với các kênh đầu tư khác. Lượng phát hành trái phiếu nửa đầu năm nay cũng mới tương đương cùng kỳ năm trước”, bà Giao cho biết.

Bên cạnh đó, có những vướng mắc về khung pháp lý mà vị lãnh đạo PVI AM đề xuất cần sớm được tháo gỡ. Thứ nhất là quy định quản lý tài sản đảm bảo cho trái phiếu.

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) quy định, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật và được ghi trong giấy phép. Các hoạt động khác chỉ được thực hiện khi Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định nghiệp vụ hướng dẫn đối với từng hoạt động kinh doanh cụ thể.

Sau ngày Luật có hiệu lực, chức năng đại lý quản lý tài sản đảm bảo đã không còn trong giấy phép của các ngân hàng, tổ chức tín dụng và đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa ban hành quy định nghiệp vụ hướng dẫn. Như vậy, chức năng quản lý tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng đang bị bỏ trống, trong khi các tổ chức khác trên thị trường không đủ khả năng đảm đương.

Đối với tài sản đảm bảo là cổ phiếu thì công ty chứng khoán có thể đảm nhận vai trò đơn vị quản lý tài sản đảm bảo, nhưng đối với bất động sản và quyền tài sản phát sinh thì chưa có đơn vị nào có đủ chức năng để quản lý.

“Như vậy, trên thị trường trái phiếu sẽ toàn sản phẩm không có tài sản đảm bảo, hoặc chỉ có tài sản đảm bảo cho cổ phiếu. Đó là lý do từ đầu năm tới giờ, chúng tôi không tham gia được đợt phát hành trái phiếu nào. Sáu tháng đầu năm nay, 77% khối lượng trái phiếu phát hành thành công là từ nhóm ngân hàng. Chúng tôi đầu tư trái phiếu ngân hàng, ngân hàng lại cho vay doanh nghiệp thì vẫn là doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng”, bà Giao cho biết.

Thứ hai, sau năm 2022 khi khủng hoảng thanh khoản trái phiếu xảy ra, các quy định về trái phiếu doanh nghiệp ngày càng nghiêm ngặt hơn, dẫn đến việc doanh nghiệp rất khó phát hành trái phiếu. Nhà đầu tư mong muốn đầu tư qua quỹ trái phiếu, thì các quỹ trái phiếu cũng gặp khó trong tìm kiếm nguồn hàng.

“Dù khó khăn, nhưng có tín hiệu sáng từ phía cầu. Thói quen đầu tư và tiết kiệm trong dân chúng đã hình thành. Báo cáo của FiinRatings 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy, dù các quỹ ETF, quỹ ngoại bị rút ròng nhưng dòng vốn vào trái phiếu lại tăng.

Nhu cầu của nhà đầu tư và thị trường về sản phẩm đầu tư ổn định, an toàn gia tăng. Các quỹ đầu tư về trái phiếu cũng cố gắng mang lại hiệu quả cao hơn lãi suất tiết kiệm. Các quỹ đóng như chúng tôi vẫn mang lại lợi suất trung bình cho nhà đầu tư trên 9%/năm. Dù mặt bằng lãi suất thấp, khung pháp lý còn nhiều vướng mắc nhưng quỹ đầu tư đang cố gắng để nâng cao hiệu suất”, bà Giao cho biết.

Lam Phong

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/quy-trai-phieu-gap-kho-khi-tim-nguon-hang-post373582.html