Quy trình thiết kế một số bài học STEM trong môn Toán

Cô Nguyễn Kiều Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa (Phú Thọ) đề xuất quy trình thiết kế bài học STEM trong môn Toán lớp 4, 5.

Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa (Phú Thọ) trong giờ Toán.

Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa (Phú Thọ) trong giờ Toán.

Bài học thiết kế theo hướng mở nhằm phát huy tính sáng tạo cho học sinh theo 5 bước như sau:

Tìm kiếm ý tưởng

Đây là bước đầu tiên và quan trọng để chuẩn bị thiết kế bài học STEM. Thay vì giáo viên lựa chọn vấn đề thực tiễn, các chủ đề, bài học STEM đã có sẵn, mỗi giáo viên nên vừa tham khảo kho học liệu, vừa sáng tạo nên những ý tưởng mới cho bài dạy riêng cho lớp của mình sao cho phù hợp với thực tế học sinh cũng như điều kiện đang có.

Để lên được ý tưởng phù hợp, cô Nguyễn Kiều Hạnh lưu ý cần nghiên cứu kỹ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 các môn học Toán, Khoa học, Công nghệ, Hoạt động trải nghiệm, Mĩ thuật lớp 4, 5. Đồng thời, nhận diện sự hỗ trợ lẫn nhau giữa kiến thức môn Toán và kiến thức của các môn học còn lại; quan tâm tình hình thực tế học sinh của lớp giảng dạy. Bài học đảm bảo nội dung kiến thức của bài giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn có liên quan.

Lựa chọn tên cho bài học STEM

Đặt tên cho bài học STEM có vai trò quan trọng trong việc thu hút sự chú ý và khơi dậy hứng thú học tập của học sinh.

Hiện nay, việc đặt tên cho bài học STEM đang được đặt theo tên sản phẩm, như vậy có thể sẽ hạn chế sự sáng tạo của học sinh. Tuy rằng, các sản phẩm được học sinh lên ý tưởng đa dạng về vật liệu, về cách trang trí nhưng vẫn có thể khiến các em chỉ tập trung vào việc hoàn thành sản phẩm thay vì tìm tòi, thử nghiệm và phát triển các ý tưởng mới mẻ.

Vì vậy, khi đặt tên cho bài học STEM, cô Nguyễn Kiều Hạnh cho rằng cần lựa chọn tên đảm bảo 2 yếu tố: Khơi gợi sự hứng thú, tò mò, thôi thúc học sinh nỗ lực, sáng tạo và quan tâm đến chủ đề; đảm bảo tiềm năng phản ánh kiến thức các môn học, trọng tâm là môn Toán.

Xác định yêu cầu cần đạt và cụ thể hóa sự tham gia của các môn học

Cụ thể bước này là: Xác định yêu cầu cần đạt của bài dạy được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xác định mạch kiến thức của các lĩnh vực liên quan trong chủ đề giáo dục STEM: Toán học, Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật.

 Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa với sản phẩm STEAM trong học Toán.

Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hòa với sản phẩm STEAM trong học Toán.

Xây dựng tiêu chí đánh giá sản phẩm

Tiêu chí đánh giá sản phẩm là yếu tố quan trọng có vai trò định hướng yêu cầu cần đạt, nội dung bài học, định hướng để học sinh thực hiện tạo ra sản phẩm.

Khi áp dụng biện pháp, ngoài những tiêu chí đánh giá sản phẩm đảm bảo về yêu cầu kiến thức nền của bài học, về hình thức, về tính ứng dụng, cô Nguyễn Kiều Hạnh còn bổ sung thêm tiêu chí đánh giá về tính sáng tạo của học sinh như ý tưởng sản phẩm có phù hợp với yêu cầu của bài học, số lượng sản phẩm có đa dạng hay mang tính mới mẻ, độc đáo, đột phá không.

Ví dụ:

Thiết kế tiến trình tổ chức các hoạt động

Các hoạt động chính, cô Nguyễn Kiều Hạnh bám sát theo Công văn số 909/BGDĐT-GDTH hướng dẫn tổ chức hoạt động giáo dục STEM trong giáo dục Tiểu học và có thay đổi trong một số bước ở các hoạt động, cụ thể:

Hoạt động 1: Mở đầu - xác định vấn đề. Ở hoạt động này, thay vì giáo viên đưa ra tình huống có vấn đề, cần giải quyết và giao nhiệm vụ cho học sinh là một sản phẩm thì từ phương pháp lớp học đảo ngược, học sinh trình bày vấn đề thực tiễn mà nhóm sẽ giải quyết trong bài học và giáo viên là người tư vấn, hỗ trợ.

Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới - nghiên cứu kiến thức nền.

Hoạt động 3: Luyện tập và vận dụng - đề xuất, chế tạo, chia sẻ.

Trong hoạt động 3 có 3 hoạt động nhỏ: Đề xuất và lựa chọn giải pháp; chế tạo sản phẩm, thử nghiệm và đánh giá; chia sẻ, thảo luận, điều chỉnh.

Khi đề xuất và lựa chọn giải pháp, mỗi nhóm sẽ có những lựa chọn riêng theo vấn đề thực tiễn mà nhóm đã đề ra từ đầu.

Khi giới thiệu sản phẩm, ngoài việc học sinh giới thiệu sản phẩm của nhóm về hình dáng, vật liệu..., học sinh phải giải thích được lý do chọn sản phẩm và phải đưa ra được những lý lẽ để giải thích, bảo vệ sản phẩm của mình, thể hiện được tính độc đáo, sáng tạo của sản phẩm.

Một số bài học trong môn Toán lớp 4, 5 có thể áp dụng bài học STEM theo hướng mở nhằm phát huy tính sáng tạo cho học sinh được cô Nguyễn Kiều Hạnh đưa ra như sau:

Lớp 4: Bài 7 (Góc, đơn vị đo góc) và bài 8 (Góc nhọn, góc tù, góc bẹt); bài 28 (Thực hành và trải nghiệm vẽ hai đường thẳng vuông góc); bài 30 (Thực hành và trải nghiệm vẽ hai đường thẳng song song); bài 31 (Hình bình hành, hình thoi); bài 45 (Thực hành và trải nghiệm ước lượng trong tính toán).

Lớp 5: Bài 25 (Hình tam giác, diện tích tam giác); bài 26 (Hình thang, diện tích hình thang); bài 27 (Đường tròn, chu vi và diện tích hình tròn); bài 28 (Thực hành và trải nghiệm đo, vẽ, lắp ghép, tạo hình); bài 49 (Hình khai triển của hình lập phương, hình hộp chữ nhật và hình trụ); bài 54 (Thực hành tính toán và ước lượng thể tích một số hình khối).

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quy-trinh-thiet-ke-mot-so-bai-hoc-stem-trong-mon-toan-post730413.html