Quyền con người cho tất cả mọi người
Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nỗ lực rất lớn và cũng là chủ trương, đường lối, chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Không chỉ thúc đẩy ở trong nước, Việt Nam đã chứng tỏ điều này trong nỗ lực bảo vệ quyền con người và đóng góp chung vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế suốt thời gian qua.
Sáng kiến của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền
Phát biểu tại phiên khai mạc cuộc họp Cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) với tư cách là thành viên mới của cơ quan này, Phó Thủ tướng Chính phủ nước ta Trần Lưu Quang đã khẳng định, Việt Nam quyết tâm bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Chính phủ nước ta tham dự và phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sau khi được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu làm thành viên cơ quan này nhiệm kỳ 3 năm 2023-2025.
Lên tiếng tại Phiên họp Cấp cao với sự hiện diện của hơn 100 lãnh đạo cấp cao, Bộ trưởng các nước cùng Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc…, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới (UDHR) và Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna về quyền con người (VDPA) là những khuôn khổ vững chắc để cộng đồng quốc tế cùng tăng cường nhận thức và hành động nhằm thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và đã đạt được những thành tựu quan trọng qua nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, những thành tựu đó đang đứng trước những thách thức ngày càng gay gắt như chiến tranh, xung đột, bạo lực, đói nghèo, bất bình đẳng và thiếu công bằng, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, các nguy cơ về an ninh lương thực và an ninh nguồn nước, những hệ quả của đại dịch Covid-19...
Với tư cách là thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ hiện nay, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thông báo về quyết tâm, những nỗ lực, đồng thời đề cao những thành tựu của Việt Nam trong đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người, đặc biệt là duy trì được mức tăng trưởng cao, mức bao phủ của bảo hiểm y tế rộng khắp, có tỷ lệ phụ nữ tham chính trong nhóm dẫn đầu thế giới, có chỉ số phát triển con người liên tục tăng và được xếp vào nhóm cao.
Phó Thủ tướng khẳng định, phương châm của Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”. Từ đó, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam kêu gọi các nước cần thông hiểu và tôn trọng những đặc thù riêng của nhau, cùng đoàn kết, đối thoại và hợp tác để giải quyết những vấn đề toàn cầu trên cơ sở đề cao chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Đáng chú ý, lãnh đạo Chính phủ nước ta đã đưa ra sáng kiến về việc kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình Hành động Vienna bằng một văn kiện của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhằm khẳng định lại những mục tiêu và giá trị to lớn, bao trùm của các tuyên ngôn, tuyên bố trên và cam kết chung của cộng đồng quốc tế vì toàn thể nhân loại.
Đóng góp vào việc thúc đẩy quyền con người
Có thể nói, những cam kết và sáng kiến đưa ra tại Phiên họp cấp cao đã cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo của Việt Nam để đảm trách nhiệm kỳ 3 năm tới tại Hội đồng nhân quyền Liêp hợp quốc. Hơn thế, kể từ khi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc được thành lập năm 2006, Việt Nam luôn tham gia tích cực, đầy trách nhiệm vào các hoạt động của cơ quan này, mà dấu ấn đậm nét là việc đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ đầu tiên vào các năm 2014-2016.
Tích cực trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã thúc đẩy các sáng kiến thể hiện bản sắc riêng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm Nòng cốt tại Hội đồng Nhân quyền về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em. Nước ta đã tham gia đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong giai đoạn này, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xóa bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người, quyền của nông dân, vấn đề dân chủ hóa đời sống quốc tế và tăng cường đoàn kết quốc tế.
Đồng thời, Việt Nam có nhiều đóng góp, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trên những vấn đề còn khác biệt. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Việt Nam đã thúc đẩy đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người, nhằm giải quyết những quan tâm cụ thể về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo; phối hợp với các nước đang phát triển đấu tranh để bảo đảm Hội đồng Nhân quyền hoạt động đúng nguyên tắc, thủ tục, không chính trị hóa, không can thiệp công việc nội bộ các nước...
Quan trọng hơn hết, việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nỗ lực rất lớn và cũng là chủ trương, đường lối, chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Điều này được minh chứng thuyết phục ngay trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua khi vượt qua khó khăn của đại dịch và bất ổn kinh tế thế giới, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 của Việt Nam tăng hơn 8,02%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt hơn 92% dân số. Việt Nam hiện nằm trong nhóm các nước đứng đầu khu vực và thế giới về phụ nữ tham chính với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trên 30%. Dù đang là nước có thu nhập trung bình thấp, song Việt Nam nằm trong Nhóm các nước có Chỉ số Phát triển Con người (HDI) cao, tăng 5 bậc trong giai đoạn 2015-2021. Đây chính là cơ sở và động lực để Việt Nam chăm lo hơn nữa mọi mặt đời sống nhân dân, hiện thực hóa khát vọng trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045.
Có thể khẳng định rằng, việc đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong 2 nhiệm kỳ góp phần thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước và nâng cao vị thế quốc tế đất nước. Với trọng trách lần thứ hai tham gia Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề trọng tâm của Liên hợp quốc cũng như của cộng đồng quốc tế nhằm đảm và thúc đẩy các quyền con người.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/quyen-con-nguoi-cho-tat-ca-moi-nguoi-post532381.antd