Quyết tâm không để dịch bạch hầu lan rộng
Dịch bệnh bạch hầu quy mô cấp xã xảy ra tại địa bàn xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông từ ngày 12/5 đã được UBND tỉnh công bố. Ngay từ khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện, các cơ quan chuyên môn đã nhanh chóng vào cuộc tiến hành khoanh vùng, dập dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh nguy hiểm này có thể lan rộng ra cộng đồng…
Bệnh bạch hầu do vi khuẩn bạch hầu gây ra, là bệnh truyền nhiễm nhóm B, lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người. Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng, vừa nhiễm độc, các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra. Độc tố bạch hầu có thể gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong nếu không phát hiện bệnh sớm và chữa trị kịp thời.
Ngày 30/4 vừa qua, bệnh nhân S.T.L. sinh năm 2013, bản Háng Giống, xã Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng sốt cao 39oC, kèm theo đau họng, khó nuốt, ho nhiều, có đờm, người mệt mỏi, ăn uống kém. Đến chiều ngày 1/5, bệnh nhân tử vong, kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy bệnh nhân S.T.L. dương tính với vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae (vi khuẩn bệnh bạch hầu). Tiếp đó, ngày 8/5, bệnh nhân H.A.T có dấu hiệu ho, sốt, đến Trạm Y tế xã Pu Nhi và được hướng dẫn lên Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông khám điều trị. Tại đây, bệnh nhân H.A.T nghi ngờ mắc bạch hầu và lập tức được cách ly điều trị…
Ngay sau khi các ca bệnh được phát hiện, Sở Y tế lập tức thành lập tổ công tác xuống xã Pu Nhi để xác minh và triển khai các biện pháp cần thiết. Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, dịch bạch hầu có thể không bùng phát lớn, bởi tỷ lệ tiêm các vắc xin có thành phần bạch hầu trên địa bàn xã Pu Nhi nói riêng, toàn tỉnh nói chung đạt trên 90%; tỷ lệ tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) cũng ở mức cao. Ngoài ra, khi phát hiện các ca bệnh, cơ quan chuyên môn đã tiến hành khoanh vùng dập dịch; các trường hợp có nguy cơ cao được uống kháng sinh bổ sung kịp thời. Tuy nhiên, vẫn có thể sẽ có những ca mắc bạch hầu rải rác ở các bản có tỷ lệ tiêm thấp hoặc với những người chưa tiêm phòng bao giờ…
Trước nguy cơ dịch bệnh bạch hầu tại Pu Nhi, cơ quan chuyên môn đã nhanh chóng vào cuộc với mục tiêu cao nhất là không để dịch bệnh có thể lan rộng. Điều đó được cụ thể hóa bằng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh năm 2023 của UBND tỉnh với mục tiêu 100% trường hợp mắc bệnh bạch hầu được phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; trên 95% trẻ từ 5 - 20 tuổi tại các xã có dịch, nguy cơ cao xảy ra dịch bạch hầu được tiêm 2 mũi vắc xin bạch hầu; nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh…
Những ngày trung tuần tháng 5, không khí ở xã Pu Nhi như nóng hơn. Tất cả nhân lực ngành y tế của xã, các lực lượng tăng cường đều được huy động cho công tác phòng, chống dịch bạch hầu. Ông Hạng A Chứ, Trạm phó phụ trách Trạm Y tế xã Pu Nhi cho biết: Ngay khi phát hiện các ca nhiễm đầu tiên, xã Pu Nhi thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn xã để huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Đồng thời, triển khai ngay công tác lấy mẫu các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân (F1) và cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 14 ngày. Tính đến ngày 19/5, cơ quan chuyên môn đã lấy 122 mẫu gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn còn trực tiếp xuống các bản, thông tin tuyên truyền về bệnh bạch hầu tới người dân và tổ chức vệ sinh môi trường quanh khu vực nhà ở, trường học và nơi ở của bệnh nhân (lớp học, khu ở nội trú, chăn màn...). Để đảm bảo an toàn hơn nữa, những người có nguy cơ cao được cho uống kháng sinh dự phòng trong vòng 7 ngày. Trong đợt 1, đã có 962 người liên quan tới các ca bệnh được uống kháng sinh dự phòng. Dự kiến trong đợt 2 sẽ có khoảng 2.000 người, trong đó 1.400 người của xã Pu Nhi và 600 người của xã lân cận Noong U.
“Cùng với tuyên truyền, hướng dẫn, cán bộ y tế còn phải động viên người dân sử dụng kháng sinh dự phòng. Nhiều người dân lúc đầu nghe thấy dịch bệnh cũng sợ. Nhưng dần dần không thấy bị thêm ca nào nữa, nhà lại ở xa nhà có dịch nên rất dễ nảy sinh tâm lý chủ quan… Điều đáng mừng là từ sau ca bệnh thứ 2 đến thời điểm này (ngày 19/5), trên địa bàn xã chưa ghi nhận thêm trường hợp nhiễm bạch hầu. Dẫu vậy cơ quan chuyên môn vẫn thực hiện giám sát tại cộng đồng, theo dõi sức khỏe các trường hợp tiếp xúc gần và kịp thời lấy mẫu các trường hợp có triệu chứng khả nghi…” – ông Hạng A Chứ cho biết thêm.
Theo thông tin từ CDC, hiện nay tỉnh đã đề xuất với Trung ương được 2.000 liều vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) để tiêm cho trẻ từ 5 – 20 tuổi trên địa bàn xã Pu Nhi bắt đầu từ ngày 22/5 tới. Ngoài ra, theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong tháng 6 – 7 tới đây sẽ triển khai tiêm vắc xin cho các xã lân cận có nguy cơ cao, như Noong U, Na Son, Xa Dung với tổng số cả 2 đợt trên 6.800 liều… Bởi vậy, bên cạnh các biện pháp đã triển khai, hiện nay, tất cả nhân lực của Trạm Y tế xã Pu Nhi và lực lượng tăng cường của CDC tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông đang dồn toàn lực rà soát danh sách người dân ở xã Pu Nhi để chuẩn bị cho công tác tiêm chủng sắp tới. Việc tiêm chủng này phải thực hiện càng sớm càng tốt bởi chỉ ít ngày nữa học sinh sẽ nghỉ hè, việc tập trung sẽ khó hơn nhiều lần khi các em vẫn dưới sự quản lý của các thầy, cô giáo…