Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh

Tọa lạc giữa trung tâm Thủ đô, nằm bên bờ hồ Gươm, cạnh đền Bà Kiệu và cổng đền Ngọc Sơn, tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh hay tượng đài Quyết tử là địa danh ghi dấu nhiều ký ức của người dân Hà Nội.

Dạo quanh khu vực bờ hồ, chiều nào cũng đông chật người lớn, trẻ em đến đây vui chơi, nhất là vào mỗi dịp cuối tuần, khi những tuyến phố quanh Hồ Gươm trở thành không gian phố đi bộ với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí dành cho người dân và du khách.

Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh thể hiện hình ảnh 3 nhân vật: Ở giữa là người chiến sĩ Vệ quốc đoàn cầm bom ba càng, hai bên là cô gái mặc áo dài cầm gươm và anh công nhân ngồi cầm súng

Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh thể hiện hình ảnh 3 nhân vật: Ở giữa là người chiến sĩ Vệ quốc đoàn cầm bom ba càng, hai bên là cô gái mặc áo dài cầm gươm và anh công nhân ngồi cầm súng

Được cố nghệ sĩ Kim Giao sáng tác năm 1984, công trình thể hiện hình ảnh 3 nhân vật: Ở giữa là người chiến sĩ Vệ quốc đoàn (Vệ quốc quân) cầm bom ba càng, hai bên là cô gái mặc áo dài cầm gươm và anh công nhân ngồi cầm súng. Ba hình tượng đều được thể hiện với tính chiến đấu cao, là đại diện cho 3 lực lượng tham gia cuộc toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội vào cuối năm 1946 - đầu năm 1947.

Trong cuộc chiến ấy, Vệ quốc đoàn là lực lượng chủ chốt, đối đầu trực tiếp với quân Pháp trong những trận đánh ác liệt. Hình tượng người lính Vệ quốc đoàn được thể hiện với dáng đứng hiên ngang, vững chãi. Bàn tay trái của anh nắm chặt đầy quyết tâm, còn tay phải cầm bom ba càng - biểu tượng của tinh thần cảm tử trong những ngày toàn quốc kháng chiến. Công nhân là lực lượng sản xuất chính ở Hà Nội thời điểm sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, họ lại trở thành những chiến binh đầy quả cảm.

Riêng giới trí thức, trong đó có rất nhiều phụ nữ, là tầng lớp tinh hoa của Hà Nội sau cách mạng. Nghe theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, họ xếp sách vở để dấn thân vào công cuộc cứu nước. Phía dưới 3 hình tượng này là bệ tượng đài được thể hiện như một khối thép nung đầy góc cạnh, như tinh thần yêu nước không thể nào lay chuyển của người Hà Nội trong những ngày toàn quốc kháng chiến.

Và khẩu hiệu “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” là lời trích từ bức thư động viên mà Bác Hồ gửi cho các chiến sĩ Vệ quốc đoàn ở Hà Nội những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Tượng đài Quyết tử là công trình mang tính tượng trưng cao, thể hiện tinh thần bất khuất, ý chí dũng cảm của quân và dân Thủ đô trong những tháng ngày hào hùng của cuộc kháng chiến toàn quốc.

Giữa cuộc sống hiện đại, Hà Nội đang thay đổi từng ngày với hình ảnh đông vui, nhộn nhịp. Đâu đó, những bước chân chậm rãi, thư thái, nụ cười, câu chuyện của nhiều thế hệ diễn ra ở một góc phố của Thủ đô khiến ai đi qua cũng phải dừng lại. Cũng trong nhịp sống hối hả ấy, những người con của Thủ đô luôn dành những khoảng lặng để nhớ về một thời đấu tranh hào hùng của dân tộc./.

Như Nguyệt

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/quyet-tu-de-to-quoc-quyet-sinh-a161912.html