Ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn: Đừng để lo nhiều hơn mừng! - Bài 1: Niềm vui ngắn chẳng tày gang

LTS: Nhờ triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những năm qua, đã có hàng trăm xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được đưa ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK).

Đây là chủ trương đúng đắn, kết quả đáng mừng góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi. Tuy nhiên, thực tế đã xuất hiện nhiều bất cập cần được giải quyết kịp thời, nếu không, việc ra khỏi danh sách vùng ĐBKK lại khiến người dân lo nhiều hơn mừng.

Những tưởng sau khi ra khỏi danh sách vùng ĐBKK, địa phương sẽ có thêm nhiều nguồn lực phát triển, đời sống người dân được cải thiện, nâng cao, thế nhưng, "niềm vui ngắn chẳng tày gang", không ít xã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi các chính sách hỗ trợ không còn. Việc không ít học sinh chật vật đến trường, thậm chí bỏ học vì không còn được hỗ trợ ăn bán trú, không được miễn, giảm học phí là một "lát cắt" phản ánh thực trạng này...

Bữa ăn chỉ có cơm trắng, canh rau, lọ dưa muối chua của các em học sinh Trường PTDT bán trú THCS Huy Giáp, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).

Bữa ăn chỉ có cơm trắng, canh rau, lọ dưa muối chua của các em học sinh Trường PTDT bán trú THCS Huy Giáp, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).

Chật vật đến trường

11 giờ trưa, tiếng trống điểm giờ tan trường, hơn 60 em học sinh thuộc hai thôn Cốc Sỳ, Lũng Pèng-hai thôn ĐBKK của xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) đang theo học tại Trường PTDT bán trú THCS Huy Giáp nhanh chân rảo bước đến nhà ăn. Trên bàn ăn có thịt gà, cơm, canh nóng hổi đã được thầy cô chuẩn bị chờ sẵn. Nhờ có trợ cấp bán trú của Nhà nước, các em được ăn ngon để có sức học tập. Tuy nhiên, chỉ cách nhà ăn này vài bước chân là 3 lán tôn được nhà trường dựng tạm làm bếp và nhà ăn cho các em học sinh không còn thuộc thôn ĐBKK. Không còn được trợ cấp bán trú nên sau giờ học, các em phải tự nấu ăn. Bữa cơm của các em chỉ có cơm trắng và bát canh rau! Em Đặng Mùi Coi, học sinh lớp 8, Trường PTDT bán trú THCS Huy Giáp chia sẻ: “Chúng em chỉ có gạo và rau đem từ nhà đi. Có những ngày hết rau thì chỉ ăn cơm trắng, nhưng còn được đi học là may rồi ạ!”. Năm 2021, xã Huy Giáp hân hoan đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và ra khỏi danh sách các xã ĐBKK (trừ hai thôn Cốc Sỳ, Lũng Pèng vẫn thuộc diện ĐBKK). Xã đạt cả 19/19 tiêu chí nông thôn mới nhưng chỉ sau đó vài tháng, khi nhiều chính sách hỗ trợ bị cắt giảm, trong khi thực tế đời sống của người dân chưa cải thiện vững chắc thì những bất cập mới dần lộ diện. Nhiều tiêu chí xã đã đạt được bị sụt giảm, đầu tiên là tiêu chí về giáo dục và đào tạo, khi số lượng học sinh bỏ học tăng đột biến...

Sau khi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 được ban hành, tỉnh Thanh Hóa có 74 xã ra khỏi vùng ĐBKK. Theo đó, một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho học sinh ở 74 xã này không còn nữa. Không có tiền để ăn bán trú, học sinh sau giờ tan học phải về nhà ăn cơm trưa. Có những học sinh phải vượt quãng đường 10-15km đèo dốc, sông suối... để về nhà, thậm chí phải bỏ buổi học chiều do không kịp giờ để quay trở lại lớp.

Khu bán trú của Trường THCS Sơn Hà, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) bỏ không lãng phí.

Khu bán trú của Trường THCS Sơn Hà, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) bỏ không lãng phí.

Trời trưa hè đứng bóng, con đường từ Trường PTDT bán trú THCS Sơn Lư, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) về nhà của học sinh khu Sỏi càng trở nên xa hơn bởi cái nóng hầm hập như đổ lửa. Trong hàng dài học sinh đang cố gắng đạp xe vượt dốc có hai chị em Vi Thị Cam (lớp 9) và Vi Thị Kim Quy (lớp 7) đang chở nhau trên chiếc xe đạp cũ. Lộ rõ vẻ mệt mỏi, em Vi Thị Cam cho biết: “Nhà em cách trường 15km, nhiều con dốc cắm xuống vực sâu, lại có đoạn cua tay áo, ngồi xe đạp nếu phanh không kịp thì rất dễ gặp tai nạn. Dù nhà xa, đường sá đi lại khó khăn nhưng không được hỗ trợ ăn bán trú nên chúng em phải về nhà buổi trưa”. Được biết, trước năm học 2021-2022, hai chị em Cam và Quy cùng toàn bộ học sinh của Trường PTDT bán trú THCS Sơn Lư được Nhà nước hỗ trợ nuôi ăn bán trú, mỗi em được hưởng 596.000 đồng tiền ăn, 15kg gạo/tháng, chi phí học tập trong 9 tháng của năm học... Nhưng do xã không còn thuộc diện ĐBKK nên hiện nay 133/187 học sinh của trường phải rời khỏi khu bán trú về nhà do không được hỗ trợ tiền ăn bán trú. Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Sơn Lư cho biết: “Học sinh bán trú là đối tượng không thể đi và về nhà trong ngày. Nhưng hiện nay, các em không được hưởng chế độ bán trú, do đó, tỷ lệ học sinh đi học muộn tăng lên, một số học sinh bỏ học, ảnh hưởng tới việc duy trì sĩ số của nhà trường”.

Nghịch lý bỏ học khi... xã thoát vùng đặc biệt khó khăn

Tại huyện Bảo Lạc, từ năm 2020 đến 2023 có hơn 100 em học sinh bỏ học khi các xã ra khỏi diện ĐBKK. Khi các bạn đồng trang lứa được đến lớp thì em Lầu A Chương ở xã Huy Giáp chỉ quanh quẩn ở nhà. Trong căn nhà cũ kỹ, tuềnh toàng bên sườn đồi của gia đình Lầu A Chương là rải rác những áo quần xen lẫn sách vở cũ dưới nền nhà. Nhà nghèo, không còn được trợ cấp tiền ăn, tiền học nên bố mẹ buộc phải cho Chương nghỉ học gần một năm nay. Lầu A Chương chia sẻ: “Nhìn các bạn đi học, em buồn lắm! Nhưng bố mẹ bảo không có tiền đi học, phải ở nhà lên nương, lên rẫy, ai thuê gì làm nấy”. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lương Văn Mão, Bí thư Đảng ủy xã Huy Giáp cho biết: “Hiện nay, xã Huy Giáp chỉ còn đạt 6/19 tiêu chí nông thôn mới. Xã nghèo không huy động được nguồn lực để tiếp tục giữ vững các tiêu chí. Đằng sau bảng thành tích đẹp để có thể về đích nông thôn mới là không ít em học sinh không có cơ hội đến trường. Chúng tôi dự kiến sẽ có tờ trình gửi huyện, tỉnh để thu hồi quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới”.

Năm 2019, xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn không còn là xã ĐBKK, cũng không còn thôn, bản ĐBKK. Điều này đồng nghĩa không còn học sinh THCS nào được hưởng chính sách hỗ trợ nuôi ăn bán trú. Toàn bộ khu bán trú của Trường THCS Sơn Hà rộng khoảng 1.500m2 với 10 phòng ở, 1 phòng ăn cùng đầy đủ công trình phụ trợ và đồ dùng bán trú đã phải bỏ không lãng phí. Từ tháng 3-2023, trường đã đổi sang mô hình trường THCS do 3 năm liền không bảo đảm tỷ lệ học sinh bán trú. Điều đáng lo là rất nhiều học sinh nhà cách trường hơn 10km, như ở các bản Xum, Lầu... Ở nhiều bản, học sinh phải vượt suối đến trường, tiềm ẩn nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa bão.

Thầy giáo Nguyễn Viết Năm, Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Hà cho biết: “Từ khi không còn được hỗ trợ bán trú, nhiều em học sinh đã phải bỏ học. Mặt khác, nhiều học sinh ở xa trường, lại cách sông, suối, những hôm trời mưa gió phải nghỉ học để bảo đảm an toàn nên nhà trường rất khó duy trì sĩ số. Nhìn chung, tỷ lệ học sinh bỏ học cao hơn hẳn khi xã ra khỏi diện ĐBKK. Không chỉ học sinh bỏ học, việc học tập của nhiều em còn sa sút đáng kể, bởi khi học bán trú, học sinh được học tập trên lớp, học ngoại khóa, được thầy cô giáo hướng dẫn, kèm cặp nên học tập chỉn chu. Không còn bán trú, học sinh đi buổi đến trường, thiếu sự kèm cặp của thầy cô, bố mẹ phải đi làm ăn xa cũng không giám sát được việc học tập của các em...”.

(còn nữa)

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ra-khoi-vung-dac-biet-kho-khan-dung-de-lo-nhieu-hon-mung-bai-1-niem-vui-ngan-chang-tay-gang-778661