Ra mắt hồi ký 'Đã là thuyền phải ra khơi' của cố GS-TS Trần Hồng Quân
Hồi ký 'Đã là thuyền phải ra khơi' dài 477 trang gồm 3 phần và 1 phụ lục về một số hình ảnh của GS-TS Trần Hồng Quân
Sáng 11-7, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam và gia đình cố GS.TS Trần Hồng Quân đã tổ chức buổi ra mắt hồi ký "Đã là thuyền phải ra khơi" của ông.
Tham dự lễ ra mắt hồi ký có ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM; đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các ban, ngành, đơn vị, gia đình, người thân, các nhân sĩ, trí thức và bạn bè thân hữu của cố GS-TS Trần Hồng Quân.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, các thế hệ lãnh đạo của Bộ GD-ĐT và đồng chí, đồng nghiệp đều ghi nhận và đánh giá rất cao về nhân cách mẫu mực và công lao to lớn của GS-TS Trần Hồng Quân đối với ngành.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá, trong bối cảnh đất nước bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đầy khó khăn thử thách, việc tìm giải pháp cho các điểm nghẽn, tháo gỡ các nút thắt cho lĩnh vực GD-ĐT là rất quan trọng; từ đó hình thành các quan điểm cơ bản, xuyên suốt cho đổi mới giáo dục như đa dạng hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục; GD-ĐT là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Giáo dục đi trước và phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế xã hội; giáo dục phải vừa gắn chặt với yêu cầu phát triển của đất nước, vừa phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại; phát triển giáo dục thường xuyên cho mọi người, xây dựng nền giáo dục mở và học tập suốt đời. Nhà nước và nhân dân cùng làm giáo dục, trong đó nhà nước đóng vai trò là nòng cốt... Những quan điểm này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh, bên cạnh những đóng góp mang tầm lý luận, GS-TS Trần Hồng Quân còn đề xuất, triển khai nhiều chính sách cụ thể để phát triển hệ thống GD-ĐT như: Chương trình mục tiêu quốc gia về nghiên cứu khoa học; nhà trường gắn với xã hội và lao động sản xuất; phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, xây dựng hệ thống trường sư phạm; xây dựng các trường chuẩn cho phổ thông cơ sở vùng khó khăn; xây dựng trường cho vùng bão lụt; xây dựng ký túc xá sinh viên, thí điểm bầu trực tiếp hiệu trưởng trường ĐH, phát triển hệ thống trường ngoài công lập…
"Thầy được đánh giá là một chính khách tài năng, là nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà giáo thành công nhưng thầy lại sống rất giản dị, khiêm tốn, gần gũi"- ông Phúc bày tỏ.
Hồi ký "Đã là thuyền phải ra khơi" dài 477 trang gồm 3 phần và 1 phụ lục về một số hình ảnh của GS.TS Trần Hồng Quân. Cụ thể, phần 1: Hồi ký - Đã là thuyền phải ra khơi, phần 2: Tiếng lòng và phần 3 là những bài nói và viết của GS-TS Trần Hồng Quân.
Đặc biệt ở phần 3 cùa hồi ký là 21 bài viết và các bài phát biểu xuyên suốt cuộc đời hoạt động giáo dục của cố GS-TS Trần Hồng Quân, đây là những quan điểm, tầm nhìn, những điều tâm huyết và cả những trăn trở, ưu tư của ông; thể hiện tầm tư duy cấp tiến, đi trước thời đại của nhà giáo tài đức.
Theo đại diện gia đình GS-TS Trần Hồng Quân, trong nhưng năm gần đây, dù không muốn kể về đời mình vì ông vốn khiêm tốn, song nhờ sự động viên, khích lệ của người thân, đồng nghiệp nên ông đã có những bài viết cảm động, ý nghĩa về tuổi thơ, gia đình, quê hương và quá trình công tác gian khổ mà vẻ vang của mình. Sau khi GS-TS từ trần, gia đình và người thân đã phối hợp với lãnh đạo Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức tổng hợp, biên tập, in ấn để phát hành cuốn hồi ký mang tên "Đã là thuyền phải ra khơi".
GS-TS Trần Hồng Quân (1937-2023) là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VI, VII và VIII; Đại biểu Quốc hội khóa VIII, khóa X; nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề; nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; nguyên Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.