Rà soát Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon

Thị trường carbon hay còn gọi là định giá carbon được xem là công cụ bảo vệ môi trường dựa trên cơ chế thị trường và nguyên tắc 'người gây ô nhiễm phải trả tiền'. Cùng với xu hướng phát triển xanh và thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị cho quá trình hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước.

Chiều 22/8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp rà soát Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon trước khi phê duyệt.

Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án theo 3 giai đoạn. Theo đề án này, thời điểm vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon lùi 1 năm so với Nghị định 06 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Thị trường carbon sẽ trao đổi 2 loại hàng hóa: hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính được hiểu như giới hạn phát thải của các đối tượng; được quy định bởi Chính phủ. Tín chỉ carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí CO2 vào bầu khí quyển, tín chỉ thu được từ các hoạt động, chương trình trồng rừng, phát triển năng lượng sạch,… Việc giao dịch thực hiện trực tuyến, giao cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xây dựng sàn giao dịch theo tiêu chuẩn kỹ thuật đặt hàng. Tuy nhiên, tín chỉ carbon không phải 1 loại chứng khoán, vì vậy cần làm rõ cơ sở pháp lý khi đặt hàng xây dựng sàn giao dịch này.

Nhận định phát triển thị trường carbon là xu hướng tất yếu khi thế giới đều hướng đến mục tiêu xanh và bền vững, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý để thông qua Đề án, sau đó lắng nghe để điều chỉnh trong thời gian thí điểm. Không tiếp tục trì hoãn, nhất là khi thị trường tín chỉ carbon trên thế giới đang ngày càng sôi nổi.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Đỗ Minh - Nhật Huy

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/ra-soat-de-an-thanh-lap-va-phat-trien-thi-truong-carbon-233367.htm