Rà soát, điều chỉnh chính sách hỗ trợ người bị thu hồi đất học nghề, giải quyết việc làm

Chiều 17/7, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với 30 tỉnh, thành phố bàn về dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi. Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì tại điểm cầu T.Ư.

Tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

 Đồng chí Mai Sơn phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang.

Đồng chí Mai Sơn phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang.

Ngày 10/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) bị thu hồi đất. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương thực hiện khi tổ chức thu hồi đất phát triển hạ tầng kỹ thuật, xã hội, nhà ở đô thị…, đóng góp tích cực cho phát triển KT-XH. Tuy nhiên, quá trình triển khai quyết định đến nay đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, sau khi Quốc hội khóa XV thông qua Luật Đất đai tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, ngày 18/1/2024, một số quy định thay đổi đòi hỏi phải sớm ban hành văn bản thay thế.

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo gồm 3 nội dung hỗ trợ:

Về đào tạo nghề, NLĐ có đất thu hồi được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; được hỗ trợ học phí cho một khóa học khi đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng; vay vốn theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

Với giải quyết việc làm trong nước, NLĐ được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí tại các trung tâm dịch vụ việc làm; vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, NLĐ có đất nông nghiệp, đất kinh doanh thu hồi được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; được vay vốn ưu đãi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo dự thảo, các chính sách hỗ trợ sẽ được áp dụng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo quyết định. Tuy vậy, nhiều ý kiến băn khoăn về mức hỗ trợ với từng trình độ đào tạo nghề; thủ tục vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; nên quy định thời hạn hỗ trợ cụ thể với từng đối tượng áp dụng.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu 30 tỉnh, thành phố.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu 30 tỉnh, thành phố.

Đồng chí Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng nên tăng mức hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng. Để phù hợp với điều kiện KT-XH, tạo thuận lợi cho các tỉnh, thành phố trong triển khai chính sách, đồng chí đề nghị Chính phủ điều chỉnh trên cơ sở tăng mức hỗ trợ và mở rộng biên độ dao động với từng nhóm đối tượng áp dụng.

Trao đổi tại hội nghị, đồng chí Mai Sơn khẳng định, khi quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, UBND tỉnh sẽ khẩn trương chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan tập trung thực hiện, sớm đưa chính sách vào cuộc sống. Đồng chí đề nghị Chính phủ quy định rõ hơn về điều kiện hỗ trợ tương ứng với phần diện tích đất bị thu hồi.

Phát biểu kết luận, đồng chí Trần Hồng Hà đánh giá cao sự nghiêm túc, chủ động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc tham mưu cho Chính phủ để điều chỉnh chính sách. Đồng chí khẳng định, đây là chính sách mang tính kế thừa nên cần điều chỉnh, bổ sung sao cho phù hợp, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của quy định trước đó.

Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, xem xét kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp của địa phương tại hội nghị này. Đặc biệt, rà soát lại với từng đối tượng áp dụng, không bỏ sót trường hợp nào thuộc diện được thụ hưởng chính sách; phân tích, làm rõ về điều kiện, các hình thức hỗ trợ (đối tượng khác nhau thì mức hỗ trợ phải khác nhau) để bảo đảm công bằng và phát huy tối đa hiệu quả chính sách. Đồng chí đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho khách hàng thuộc đối tượng áp dụng của quyết định khi vay vốn học nghề, giải quyết việc làm.

Tin, ảnh: Tường Vi

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/ra-soat-dieu-chinh-chinh-sach-ho-tro-nguoi-bi-thu-hoi-dat-hoc-nghe-giai-quyet-viec-lam-175459.bbg