Rà soát, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông mới phát sinh

(ABO) Ngày 10-10, diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) 9 tháng qua; phương hướng và nhiệm vụ quý IV-2023.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo tại điểm cầu Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo tại điểm cầu Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu Tiền Giang có đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan ATGT của tỉnh.

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, 9 tháng qua, toàn quốc xảy ra 8.335 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 4.765 người, bị thương 5.802 người; so với cùng kỳ năm 2022 số vụ giảm 90 vụ (-1.07%), giảm 60 người chết (-1.24%), tăng 216 người bị thương (+3.87%).

Có 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, 13 địa phương giảm trên 20% số người chết, đặc biệt là Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế giảm trên 40% số người chết do TNGT.

Bên cạnh đó, số người chết do TNGT tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang và Thừa Thiên - Huế cũng được kéo giảm sâu so với cùng kỳ cả về tỷ lệ phần trăm và số lượng tuyệt đối; còn 29 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2022, trong đó 9 tỉnh tăng trên 40% là: Phú Thọ, Nam Định, Kon Tum, Long An, Thái Bình, Đồng Nai, Lạng Sơn, Thanh Hóa và Hà Tĩnh.

Điểm cầu tại Tiền Giang.

Điểm cầu tại Tiền Giang.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự, ATGT vẫn còn một số tồn tại, như còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng (22 vụ), làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội…

Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố. Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có xu hướng tăng, trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, nhất là tại cửa ngõ ra, vào các thành phố lớn. Nguyên nhân là do số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao. Đặc biệt, hành vi chống người thi hành công vụ trong quá trình xử lý vi phạm về trật tự, ATGT gia tăng (xảy ra 44 vụ, tăng 23 vụ so với cùng kỳ năm 2022).

Tại hội nghị, các tỉnh, thành cùng tham gia phân tích, thảo luận làm rõ các nguyên nhân gây TNGT, kinh nghiệm triển khai các biện pháp kéo giảm TNGT, phân tích và đánh giá các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng...

Chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thắng ghi nhận và biểu dương nhiều tỉnh, thành phố có thành tích kéo giảm sâu các tiêu chí về TNGT trong những tháng qua. Tuy nhiên, các địa phương vẫn còn hạn chế, khi còn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, tình trạng ùn tắc tại một số thành phố lớn vẫn còn xảy ra.

Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Thắng yêu cầu: Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về công tác bảo đảm trật tự, ATGT; xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 149 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảm đảm trật tự, ATGT trong tình hình mới.

Tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các địa phương có tình hình TNGT phức tạp; tham mưu công điện bảo đảm trật tự, ATGT dịp cao điểm nghỉ Tết Dương lịch 2024; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đề án chính sách về ATGT.

Rà soát, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT mới phát sinh, đảm bảo an toàn đường thủy mùa mưa lũ; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo đảm trật tự, ATGT; tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây ra TNGT; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo đảm trật tự, ATGT cho học sinh, sinh viên…

TUẤN LÂM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/an-toan-giao-thong/202310/ra-soat-xu-ly-diem-den-diem-tiem-an-tai-nan-giao-thong-moi-phat-sinh-992609/