'Rồng biển Sóc Trăng' vươn mình ra biển lớn - kỳ 1

Thời nhà Lý, con đê đầu tiên đã được đắp để bảo vệ kinh thành và sau đó là bảo vệ mùa màng, chống chọi với thiên tai. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, cha ông ta đã hình thành nên hệ thống đê điều ở miền Bắc với quy mô ngày càng lớn và hoàn thiện hơn. Trong thời đại Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng với ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, quyết tâm đã xây dựng nên hệ thống đê sông - đê biển Sóc Trăng. Gần 500km đê sông - đê biển kết nối với nhau như 'rồng biển Sóc Trăng' đã mở ra chặng đường phát triển mới cho Sóc Trăng trong suốt 30 năm qua và đang vươn mình ra biển lớn.

Kỳ 1: Ý Đảng lòng dân chung sức đồng lòng vượt qua nghèo khó vươn lên

Tuyến đê hoàn thành phần lớn nhờ vào sức lao động của các tầng lớp nhân dân Sóc Trăng. Ảnh: Q.K

Tuyến đê hoàn thành phần lớn nhờ vào sức lao động của các tầng lớp nhân dân Sóc Trăng. Ảnh: Q.K

Tháng 4-1992, tỉnh Sóc Trăng được tái lập theo Nghị quyết kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa VIII trên cơ sở chia tỉnh Hậu Giang (cũ) thành 2 tỉnh: Cần Thơ và Sóc Trăng. Thời điểm đó, Sóc Trăng là tỉnh nghèo và có thu nhập bình quân đầu người trên dưới 100 USD, thấp nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nền kinh tế của tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhưng có hơn 2/3 diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm phèn, mặn, ngập úng. Cơ sở vật chất không có gì đáng kể; kết cấu hạ tầng: điện, đường, trường, trạm y tế thấp kém hoặc bị xuống cấp trầm trọng. Trong lúc khó khăn như vậy, Sóc Trăng lại bị cơn triều cường kèm theo lốc xoáy gây thiệt hại nặng nề, hàng chục ngàn hécta lúa và hoa màu vùng ven biển bị tàn phá, hàng ngàn ngôi nhà bị đổ sập... khó khăn lại chồng chất thêm khó khăn đối với một tỉnh còn non trẻ, vừa mới ổn định bộ máy... Triều cường rút xuống, để lại những cánh đồng xơ xác vì nhiễm phèn, mặn. Một số người dân các huyện khu vực ven biển phải bỏ xứ đi nơi khác làm ăn. Cái tên “cánh đồng năn” đã ăn sâu vào ký ức nghèo khó của người dân Long Phú, cả khu vực đất đai rộng lớn: Tổng Cán, Liêu Tú chạy dài đến cửa sông Mỹ Thanh chỉ toàn là lau sậy, gốc bần, cây đước…

Lễ khánh thành tuyến đê sông - đê biển Sóc Trăng. Ảnh: Q.K

Lễ khánh thành tuyến đê sông - đê biển Sóc Trăng. Ảnh: Q.K

Đồng chí Trần Văn Vụ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhớ lại, sau khi tỉnh mới tái lập, Tỉnh ủy Sóc Trăng xác định muốn cho Sóc Trăng vươn lên phát triển thì giải pháp đột phá là phải cải tạo hệ thống thủy lợi mà trọng tâm là xây dựng hệ thống đê sông - đê biển để ngăn mặn, giữ ngọt. Để hình thành nên phương án xây dựng tuyến đê, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh chia nhau thành nhiều đoàn, cùng với lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đi khảo sát thực tế ở các huyện: Vĩnh Châu, Long Phú và dọc theo sông Mỹ Thanh. Hình ảnh những đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh Sóc Trăng lúc bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Vụ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Bình, cùng lãnh đạo sở, ngành, địa phương đi trên những chiếc xe Honda 67, xắn quần lội qua các bờ kênh, hàng dừa nước… để khảo sát thực địa việc xây dựng tuyến đê. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng đến tận nhà nhiều người dân địa phương, nhất là các vị bô lão, người có uy tín trong vùng để bàn bạc, vận động, thuyết phục… Điều đó càng cho thấy quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sóc Trăng phải xây dựng bằng được tuyến đê. Và chủ trương đúng đắn đó đã được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ủng hộ rất cao.

Ngày khởi công tuyến đê, từng đoàn người từ khắp các địa phương trong tỉnh kéo nhau đi đào đắp đê; khí thế lao động trên công trường lúc nào cũng rộn ràng, nhộn nhịp. Đồng chí Đoàn Tấn Khoa - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Khi đó, ngân sách của tỉnh không có tiền để đầu tư cho xây dựng tuyến đê, tất cả phải xin kinh phí của Trung ương. Sau khi phóng tuyến, đưa cơ giới hóa đào kênh để lấy đất đắp đê, đào đến đâu thì huy động sức dân đắp đê đến đó. Đồng thời những hộ dân có tuyến đê đi qua đã hiến đất, vườn tược, rau màu để làm đê (toàn bộ đất đai khu vực tuyến đê đều của nhân dân hiến tặng, không có đền bù, giải phóng mặt bằng). Nhân dân trong toàn tỉnh đã đóng góp hàng triệu ngày công lao động để hình thành nên tuyến đê (chân đê 12m, mặt đê 6m, cao 2m).

Suốt quá trình xây dựng tuyến đê, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng luôn nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Đặc biệt là của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông đã dành nhiều thời gian đến Sóc Trăng để khảo sát, thị sát và trực tiếp chỉ đạo xây dựng tuyến đê. Bản thân tác giả khi đó mới về Sóc Trăng công tác, có may mắn cùng 4 bạn đồng nghiệp ở Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng là những người trực tiếp ghi hình lại những sự kiện quan trọng của tỉnh, nhất là quá trình xây dựng tuyến đê, lãnh đạo Trung ương và tỉnh đi kiểm tra xây dựng tuyến đê... Có lần, khi đang thị sát xây dựng tuyến đê ở hai bên bờ sông Mỹ Thanh, Thủ tướng yêu cầu canô tấp vào bờ, lên điểm cao thân đê, ông cứ đứng quan sát và trầm ngâm suy nghĩ. Lúc bấy giờ, đồng chí Lê Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh hỏi: “Anh Sáu nghĩ gì vậy?”. Thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời: “Chắc đến lúc phải tính đến việc xây dựng đê cho cả miền Tây rồi”.

Với chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, trong thời gian ngắn chưa đến 2 năm, hệ thống đê sông - đê biển của tỉnh với chiều dài gần 500km đã hoàn thành. Đó cũng là dấu ấn sâu sắc nhất trong 30 năm tái lập tỉnh, là một kỳ tích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng; tạo nên sức bật mới cho Sóc Trăng phát triển hướng đột phá về nông nghiệp và thủy sản.

QUỐC KIÊN

(Còn tiếp)

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/soc-trang-30-nam-tai-lap-tinh/rong-bien-soc-trang-vuon-minh-ra-bien-lon-ky-1-56421.html