Rộng đường 'xuất khẩu' bất động sản

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang hướng đến nhóm đối tượng là người nước ngoài ở Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài khi cơ chế đã cởi mở hơn.

Nhu cầu sở hữu nhà tại Việt Nam của người nước ngoài là rất lớn.

Nhu cầu sở hữu nhà tại Việt Nam của người nước ngoài là rất lớn.

Rào cản được tháo gỡ

Kể từ năm 2015, Chính phủ đã có giải pháp tháo gỡ các rào cản để người nước ngoài có thể dễ dàng sở hữu bất động sản tại Việt Nam.

Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ năm 2015 cho phép cá nhân nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam có thể mua nhà. Dù không hạn chế về số lượng nhà mỗi người nước ngoài có thể mua, nhưng Luật cũng quy định rõ về số lượng người nước ngoài được sử hữu nhà tối đa trong phạm vi một dự án, cụ thể là 30% trong tổng số căn hộ đối với dự án căn hộ và không quá 250 căn nhà liền thổ trong một đơn vị hành chính cấp phường...

Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, từ khi chính sách sở hữu nhà cho người nước ngoài được nới lỏng năm 2015, khách hàng từ Trung Quốc Đại lục, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… trở thành những nhóm khách hàng lớn.

“Khách hàng nước ngoài yêu thích sản phẩm nhà chung cư, đặc biệt phân khúc chung cư cao cấp tại TP.HCM và Hà Nội. Các dự án có vị trí đẹp, giá phù hợp, có tiềm năng tăng giá trong tương lai… là sở thích đầu tư của người nước ngoài”, báo cáo của CBRE nhấn mạnh.

Tuy nhiên, số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tính từ thời điểm Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, mới có hơn 3.000 người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam. Con số này được đánh giá là còn rất khiêm tốn nếu so với số lượng người nước ngoài đang có nhu cầu sở hữu bất động sản tại Việt Nam.

Bởi vậy, dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ chảy mạnh hơn trong thời gian tới khi các luật mới với cơ chế cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản ở Việt Nam thông thoáng hơn có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1/8/2024), chẳng hạn thời hạn sở hữu nhà của người nước ngoài được kéo dài hơn khi Luật Nhà ở 2023 cho phép người mua được gia hạn một lần với thời hạn không quá 50 năm…

Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc R&D Công ty DKRA Group đánh giá, 3 dự án luật gồm Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023 có nhiều điểm mới, tạo điều kiện nhiều hơn cho Việt kiều và người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam được tiếp cận nhà ở một cách thuận tiện. Những điều chỉnh đều theo hướng tiến bộ, bám sát thực tiễn và bảo vệ quyền lợi của người mua hơn.

Chẳng hạn, quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2023 yêu cầu thanh toán qua ngân hàng, hay chủ đầu tư chỉ được thu tiền không quá 5% đối với dự án hình thành trong tương lai khi đủ điều kiện bán hàng.

Hay như Luật Nhà ở 2023 xác định rõ hơn người sử dụng đất là người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, cùng với quy định cụ thể, chi tiết mở rộng quyền và nghĩa vụ sử dụng đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai đối với 2 đối tượng này.

Điều 41 và Điều 46 - Luật Đất đai 2024 cũng nêu rõ, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất được bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê. Điều này kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động sang nhượng thứ cấp, tạo cơ chế linh hoạt hơn cho thị trường địa ốc.

Việc đẩy mạnh bán hàng đối với nhóm khách hàng nước ngoài được xem là “nước đi” khôn ngoan của các doanh nghiệp bất động sản, bởi đây là nhóm khách hàng có tiềm lực tài chính và chuyên nghiệp.

“Theo tôi, việc cụ thể hóa các quy định về sở hữu nhà đối với người nước ngoài ở Việt Nam và người Việt Nam tại nước ngoài sẽ giúp gia tăng tính minh bạch của thị trường, củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư, từ đó khơi thông nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, là tiền đề vững chắc cho những bước phát triển bền vững của thị trường bất động sản trong tương lai”, ông Thắng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp chớp thời cơ

Theo dõi thị trường bất động sản trong thời gian gần đây có thể thấy, bên cạnh việc triển khai dự án và mở bán hướng đến đối tượng khách hàng trong nước, nhiều chủ đầu tư đã bắt tay với các sàn phân phối để mở rộng tệp khách hàng từ nước ngoài.

Đơn cử, Tập đoàn Danh Khôi ký kết hợp tác chiến lược với đối tác Knightsbridge Partners - nhà phân phối bất động sản uy tín hàng đầu trên thị trường quốc tế, với kỳ vọng đưa các sản phẩm thuộc dự án Khu phức hợp thương mại và căn hộ cao cấp Astral City ra nước ngoài.

Theo bà Đặng Thị Nhung - Phó tổng giám đốc Tập đoàn, Danh Khôi mong muốn đưa sản phẩm của mình tiếp cận một lượng khách hàng lớn hơn, từng bước tiến gần hơn với thị trường quốc tế nên quyết định hợp tác với Knightsbridge Partners.

“Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào một kết quả tích cực cho lần hợp tác này giữa Tập đoàn Danh Khôi và Knightsbridge Partners, qua đó sẽ tạo tiền đề tốt đẹp cho những cơ hội hợp tác khác trong tương lai”, bà Nhung nói.

Được biết, Knightsbridge Partners là đơn vị phân phối bất động sản uy tín hàng đầu tại Hồng Kông với việc sở hữu mạng lưới rộng khắp các thị trường quốc tế như London (Anh quốc), Bangkok (Thái Lan), Thượng Hải (Trung Quốc), Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE)… Tại Việt Nam, Knightsbridge Partners từng phân phối thành công hơn 2.000 sản phẩm và hợp tác với nhiều chủ đầu tư danh tiếng.

Tương tự, trong khuôn khổ lễ kick-off dự án Imperia Smart City giai đoạn 2 - The Sola Park, MIK Group (nhà phát triển dự án) đã lựa chọn Công ty cổ phần Bất động sản Indochine làm đơn vị phân phối độc quyền quỹ căn hộ dành cho người nước ngoài của dự án, cụ thể là 2 tòa G1 và G3.

Việc các chủ đầu tư trong nước bắt tay với các đối tác trong và ngoài nước để “xuất khẩu” bất động sản không phải câu chuyện mới.

Trước đó, thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ hợp tác của các chủ đầu tư lớn như Masterise Group hợp tác chiến lược cùng Druce (đơn vị tư vấn bất động sản đến từ Anh quốc) nhằm mở rộng mạng lưới phân phối các sản phẩm bất động sản của Masterise Homes ra quốc tế, cụ thể là ở các thị trường phát triển như Singapore, Dubai và châu Âu. Trong năm 2021, đơn vị này đã “xuất khẩu” thành công các căn hộ hàng hiệu Grand Marina Saigon ra thị trường Hồng Kông…

Thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam đang là điểm đến đầu tư đáng chú ý của các nhà đầu tư cũng như nhà phát triển bất động sản nước ngoài. Mỗi phân khúc đều có những điểm nhấn riêng thu hút nhà đầu tư ngoại.

Theo đó, việc đẩy mạnh bán hàng đối với nhóm khách hàng nước ngoài được xem là “nước đi” khôn ngoan của các doanh nghiệp bất động sản, bởi đây là nhóm khách hàng có tiềm lực tài chính và chuyên nghiệp.

Vấn đề lúc này là sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp có thuyết phục được khách hàng “xuống tiền” hay không. Ngoài pháp lý dự án, các tiêu chí liên quan đến chất lượng không gian sống, đặc biệt là hạ tầng, tiện ích về giáo dục, y tế, giải trí… rất được người nước ngoài quan tâm.

Để đánh giá được tác động của những chính sách mới tới thị trường như thế nào và kết quả bán hàng của các doanh nghiệp ra sao sẽ cần nhiều thời gian, song theo nhận định của ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI), trước mắt, quyết tâm vực dậy thị trường bất động sản của Chính phủ bắt đầu mang lại kết quả khả quan.

Theo ông Khôi, thị trường đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và ngày càng xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, mang tới kỳ vọng phục hồi sớm và các nhà đầu tư ngoại cũng đã nhận thấy điều này. Niềm tin với bất động sản đang trở lại, chu kỳ mới đang ra cơ hội cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là với nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Việt Dũng

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/rong-duong-xuat-khau-bat-dong-san-post347979.html