Rút đề xuất miễn học phí cho con giáo viên

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo đã rút đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo.

Học sinh Hà Nội dự thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh minh họa: Duy Linh

Học sinh Hà Nội dự thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh minh họa: Duy Linh

Theo ông Vũ Minh Đức, Ban soạn thảo đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ý kiến khác nên đã có sự điều chỉnh nội dung trong dự thảo phù hợp hơn với thực tế.

Chính sách hỗ trợ nhà giáo trong Dự thảo mới nhất sẽ bao gồm: chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp; phụ cấp lưu động đối với nhà giáo làm công tác xóa mù chữ hoặc phổ cập giáo dục hoặc biệt phái hoặc dạy tăng cường hoặc dạy liên trường hoặc phải di chuyển để dạy ở các điểm trường tại các thôn, bản…

Dự thảo bỏ nội dung miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác như đã đề xuất trước đó. Theo Bộ GD&ĐT, việc rút đề xuất này được xem xét dựa trên nguyện vọng của giáo viên, chuyên gia và dư luận xã hội. Nhiều giáo viên, nhà quản lý lo ngại đề xuất này không khả thi, tạo bất công với những ngành nghề khác.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác và hàng năm mức chi dự kiến khoảng 9.200 tỉ đồng.

Về lý do đưa ra đề xuất trên, ông Vũ Minh Đức cho rằng, việc quy định các chế độ, chính sách đối với thân nhân của cán bộ, công chức, viên chức thường được đề xuất quy định đối với một số ngành, lĩnh vực có tính chất đặc thù. Ví dụ, chế độ bảo hiểm y tế, miễn giảm viện phí cho thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong Lực lượng vũ trang Nhân dân đã được quy định tại Luật Công an Nhân dân, Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, nhiều quốc gia ngoài các quy định về chính sách đối với nhà giáo còn quy định các chính sách ưu đãi cho thân nhân của nhà giáo.

Với quan điểm xây dựng Luật Nhà giáo nhằm kiến tạo các chính sách, trong đó sẽ một số chính sách đột phá, tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển cũng như nâng cao vị thế nghề nghiệp của nhà giáo để thu hút người giỏi vào ngành, Ban soạn thảo đã đề xuất chính sách hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo nhằm tạo điều kiện để nhà giáo có cuộc sống tốt hơn, yên tâm, gắn bó với sự nghiệp giáo dục.

Một đề xuất khác trong dự thảo là không công khai sai phạm của giáo viên khi chưa có kết luận, cũng được cơ quan soạn thảo điều chỉnh, thành "không công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm khi chưa có kết luận chính thức hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo".

Dự thảo Luật Nhà giáo, do Bộ GD&ĐT chủ trì, sẽ được thảo luận tại Quốc hội, dự kiến vào 9/11. Ban soạn thảo cho biết dự Luật gồm 5 chính sách quan trọng: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/rut-de-xuat-mien-hoc-phi-cho-con-giao-vien-399021.html