Sắc màu tranh thêu len

Len là vật liệu quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Dưới đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người nghệ sĩ, vật liệu này trở nên sống động, có hồn và trở thành những tác phẩm hội họa đầy màu sắc.

Họa sĩ Hồng Vân miệt mà bên bức tranh thêu len khổ 40x100cm. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Họa sĩ Hồng Vân miệt mà bên bức tranh thêu len khổ 40x100cm. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Không ai nhớ tranh thêu len xuất hiện tại Việt Nam từ khi nào, chỉ biết hiện không còn nhiều người theo đuổi loại hình nghệ thuật này. Một trong số hiếm đó là họa sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân. Chị đã có hơn 10 năm theo đuổi bộ môn nghệ thuật tranh thêu len từ khi còn là sinh viên khoa Thảm, Đại học Mỹ thuật công nghiệp.

“Len gắn với tuổi thơ của mình từ bé, khi mẹ mình hay được mọi người cho để đan quần áo mới cho chị em mình. Không chỉ thích quần áo mới, mình thích chất liệu len cho cảm giác ấm áp, mộc mạc và màu sắc cũng rất rực rỡ”, họa sĩ Hồng Vân chia sẻ.

Nhắc tới tranh thêu, nhiều người nghĩ ngay tới chất liệu chỉ thêu truyền thống hay sợi kim tuyến, ít ai nghĩ len cũng có thể dùng để thêu thùa nghệ thuật. Chính sự mai một của dòng tranh này càng thôi thúc chị sáng tạo trên những sợi màu tưởng chừng như thô ráp.

“Tranh thêu len có điểm đặc biệt là sợi len to, thêu lên sẽ giữ được độ tròn của ganh sợi. Tông màu của len rất mạnh nhưng khi kết hợp với nhau rất ấm áp. Từ len có thể tạo ra chất liệu tranh khác nhau từ bề mặt chìm nổi đến độ cao thấp từng họa tiết. Cùng với kỹ thuật của người thêu sẽ tạo cho bức tranh nhiều hình khối khác nhau, có thể kết hợp của chất liệu gỗ, kim loại như một bức phù điêu”, họa sĩ Hồng Vân chia sẻ thêm.

Nhiều người tìm đến họa sĩ Hồng Vân để học cách thêu tranh len. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Nhiều người tìm đến họa sĩ Hồng Vân để học cách thêu tranh len. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội, đây cũng chính là niềm cảm hứng để họa sĩ Hồng Vân lựa chọn chủ đề cho những tác phẩm nghệ thuật. Hà Nội trong những bức tranh thêu từ len là những con đường, mái ngói rêu phong, hàng cây vui buồn thay lá, những mảng tường xanh màu rêu ngả, hay những con người ở phố...

Khác với tranh thêu mỹ nghệ thường thấy, tranh thêu len của họa sĩ Hồng Vân là những tác phẩm hội họa mạnh về mảng màu và hình khối; trong đó, họa lại phong cảnh tươi vui, sinh động bằng các gam màu sáng, ấm, bằng những sợi len thô mộc.

Theo họa sĩ Hồng Vân, sau khi đánh giá và chọn màu thêu phải tính đến các kỹ thuật thêu sao cho phù hợp với các chi tiết trên tranh, như thêu đột phù hợp với đường đi, mây, hay thêu đâm xô phù hợp với chi tiết về đồng lúa, bó rơm… Ở một số bức tranh cần độ nổi như 3D phải sử dụng kỹ thuật thêu mặt sau và điều chỉnh bước kim đưa xuống ngắn dài sao cho cao thấp khác nhau để làm rõ hiệu ứng bức tranh.

Có cơ hội ngồi ngắm người họa sĩ ấy đi từng đường thêu mới hiểu tranh thêu len là sự kết hợp hài hòa giữa người họa sĩ và thợ thêu. Thủa đầu, người họa sĩ vẽ tác phẩm bằng chì đen lên giấy can, sau đó dùng bút nhọn thể hiện lại bức tranh từ giấy can lên vải. Trên các đường nét đã xăm được đổ bột màu, người thợ thêu sẽ bắt tay vào việc. Với tranh thêu len của họa sĩ Hồng Vân, chị cũng chính là thợ thêu trong tác phẩm của mình.

Không gian nghệ thuật Lens Art của họa sĩ Hồng Vân ra đời tại phố Hàng Chuối (Hà Nội) với mong muốn tạo ra một sân chơi mới dành cho tranh thêu len. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Không gian nghệ thuật Lens Art của họa sĩ Hồng Vân ra đời tại phố Hàng Chuối (Hà Nội) với mong muốn tạo ra một sân chơi mới dành cho tranh thêu len. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

“Từng loại vải cũng cho ra từng bức tranh thêu khác nhau, phù hợp với từng bố cục của bức tranh. Cũng như đối với từng kỹ thuật thêu sẽ phù hợp với từng chi tiết của bức tranh, như thêu sa hạt phù hợp với lùm cây, cây cổ thụ, cây có hoa như hoa phượng và bằng lăng…. Nếu thêu sai kỹ thuật, hạt sẽ dẹt xuống, họa tiết sẽ xấu nên kỹ thuật thêu phải bảo đảm đúng chiều xoay để luôn hạt tròn đầy”, người họa sĩ vừa thoăn thoắt từng mũi thêu vừa bộc bạch.

Với mỗi bức tranh thêu len, tùy vào kích thước và nội dung sẽ cần thời gian khác nhau để hoàn thành. Khách hàng tìm đến loại hình nghệ thuật này cũng đa dạng, song đều chung tình yêu với nét đẹp xưa cũ trong mỗi bức tranh và độ bền của chất liệu len theo năm tháng.

“Tranh thêu chỉ có, sơn mài có nhưng tranh thêu len luôn có đặc trưng riêng. Sợi len to nên khi thêu lên tranh thì đường nét trông sống động, nổi bật từng chi tiết cùng màu sắc. Nhà tôi treo tranh thêu này nhiều năm nhưng vẫn nguyên vẹn, còn nguyên nét đẹp từ cầu gạch, mái ngói của ngôi nhà xưa cũ đến những chi tiết họa lại hình ảnh phổ cổ nhiều thập nhiên trước”, bà Nguyễn Thị Thơm ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho hay.

Trong nhịp sống hiện đại, tính linh hoạt của chất liệu len mang đến nhiều tiềm năng cho dòng tranh này. Không gian nghệ thuật Lens Art của họa sĩ Hồng Vân ra đời tại phố Hàng Chuối (Hà Nội) với mong muốn tạo ra một sân chơi mới dành cho tranh thêu len. Tại đây, họa sĩ Hồng Vân có cơ hội giới thiệu về dòng tranh thêu len và kỹ thuật để tạo ra một bức tranh thêu len đến nhiều người, nhất là giới trẻ.

Tác phẩm tranh thêu len với chủ đề Quan họ của họa sĩ Hồng Vân. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Tác phẩm tranh thêu len với chủ đề Quan họ của họa sĩ Hồng Vân. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Anh Lê Việt Hà ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cảm nhận không gian này giúp anh thấy thoải mái sau những giờ làm việc căng thẳng. “Trước đây, tôi nghĩ len chỉ là chất liệu để làm ra trang phục. Khi đến đây được các anh chị hướng dẫn dùng len làm tác phẩm tranh thêu, tôi cảm thấy rất thú vị”, anh nói.

Chia sẻ về dự định thời gian tới, họa sĩ Hồng Vân vẫn đau đáu với ước mong mở một xưởng tranh thêu len. Với chị, nơi đó không chỉ chuyên làm ra những bức tranh thêu len độc đáo mà còn giúp tạo việc làm thường xuyên cho các bạn khuyến tật, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, thay vì công việc thời vụ hiện nay.

Có thể thấy, sự tồn tại của loại hình nghệ thuật thêu tranh len truyền thống là nhờ tình yêu len và quý trọng len của những người như họa sĩ Hồng Vân. Chị trân trọng từng cuộn len, nâng niu từng bức tranh thêu từ len, cùng hy vọng góp sức truyền tải vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam qua chất liệu giản dị, gần gũi nhưng không kém phần độc đáo này, cũng như phổ biến rộng rãi hơn loại hình nghệ thuật tranh thêu trên thị trường.

Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/sac-mau-tranh-theu-len/323407.html