Sách mới: Tiểu thuyết CÂY THAY LÁ… tiếp nối mạch chuyện 'TƠ VÒ'

CÂY THAY LÁ là Tiểu thuyết của Quân Yên, là bút danh của Vũ Xuân Bân vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành đầu tháng 6/2024. Quân Yên (hay còn gọi là Quan Yên) là tên trái núi thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định, xứ Thanh là nơi sinh Bà Triệu (Bính Ngọ 226 - Mậu Thìn 248), là quê hương của tác giả.

Bìa tiểu thuyết CÂY THAY LÁ vừa được NXB Hội Nhà văn Quyết định số 280 /QĐPH phát hành toàn quốc từ ngày 7-6-2024

Bìa tiểu thuyết CÂY THAY LÁ vừa được NXB Hội Nhà văn Quyết định số 280 /QĐPH phát hành toàn quốc từ ngày 7-6-2024

Tôi có hỏi tác giả tại sao lại đặt tên tiểu thuyết là CÂY THAY LÁ thì được trả lời rằng: Giữa thiên nhiên và xã hội thường tuân theo những quy luật tương đồng. Việc thay lá giúp cây duy trì sự cân bằng sinh học, đảm bảo rằng cây luôn có những bộ phận khỏe mạnh nhất để thực hiện chức năng sinh trưởng của mình. Tương tự trong xã hội,việc luôn phải thay thế lãnh đạo giúp đảm bảo rằng hệ thống lãnh đạo luôn được làm mới, thích nghi với những thay đổi của thời đại và yêu cầu phát triển của đất nước. Điều này giúp duy trì sự linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả trong quản lý và điều hành, bảo đảm sự phát triển bền vững. Thế nhưng trong hệ thống lãnh đạo các cấp không nhất thiết phải đợi đến hết nhiệm kỳ mới bầu chọn thay thế mà trong quá trình vận hành, đặc biệt là tác động mặt trái của kinh tế thị trường, thường xuất hiện những “con sâu làm rầu nồi canh” thì buộc phải thay thế ngay. Sự thay thế này là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, góp phần gây dựng lòng tin của nhân dân trong cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là tham nhũng quyền lực, được xác định là “giặc nội xâm” - nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Tiểu thuyết “Cây thay lá” gồm 11 chương với độ dày gần 240 trang khổ 14x20,5 cm, bìa do Họa sĩ Văn Sáng vẻ với hình tượng biểu trưng khá bắt mắt. Đây là tiểu thuyết thứ 2 của Vũ Xuân Bân tiếp sau tiểu thuyết đầu tay Tơ Vò với bút danh Xuân Vũ cũng do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2018 về đề tài chống tiêu cực, tham nhũng, khắc họa khá đậm nét tham nhũng quyền lực ở phạm vi cấp tỉnh, khá hấp dẫn bạn đọc.

Những gì mà bạn đọc sẽ gặp trong tiểu thuyết CÂY THAY LÁ là sự tiếp nối những số phận, những tính cách nhân vật trong tiểu thuyết TƠ VÒ theo phép duy vật biện chứng. Những nhân vật, những câu chuyện trong tiểu thuyết CÂY THAY LÁ chỉ là sự sáng tạo, hư cấu của nhà văn, có thể bạn đọc sẽ thấy hình như đã gặp đâu đó ngoài đời thì âu cũng là sự trùng hợp ngẫu nhiên, bởi văn học luôn được chắt lọc từ cuộc sống, có nhiệm vụ phản ánh và dự báo những điều tất yếu sẽ xảy ra trong tương lai với quy luật của muôn đời: “Gieo nhân nào thì sẽ gặt quả đó”.

Có ba nhân vật là Bí thư Tỉnh ủy Thùy Lê, Chủ tịch tỉnh Lý Tơ và nhân vật Ngọc Quý là nạn nhân trong vụ án về dự án “trang trại Đồng Cạn” , tác giả thay tên khác, còn lại các nhân vật như Phạm Vấn, Ngọc Hồn, Thạch Phí, Trương Tồn, Phụng Tiên… đều bắt nguồn từ tiểu thuyết Tơ Vò và diễn tiến tiếp trong tiểu thuyết “Cây thay lá”.

Đáng chú ý, mở đầu Chương 3 tiếu thuyết CÂY TAY LÁ, tác giả đã tìm hiểu, làm rõ gốc tích của “Thùy Lê sinh năm 1966, tuổi Bính Ngọ. Thân phụ Thùy Lê ở Hà Nam và thân mẫu ở Phủ Dầy (Nam Định) lên lập nghiệp ở miền trung du sinh ra ái nữ này. Những thông tin trên mạng xã hội cho rằng Thùy Lê quê ở Hưng Yên, rồi dựng chuyện là con gái của một cố Bộ trưởng là sự gán ghép không chính xác, làm phiền lòng thân nhân gia đình cố bộ trưởng. Hãy hiểu đúng sự thật để ông “cố bộ trưởng” an giấc ở cõi vĩnh hằng, con cháu ông không phải trăn trở phiền lòng khi vị nữ cùng họ làm đến chức Bí thư tỉnh dính vào vòng lao lý” (Tr 43-44).

Bằng sự sắc sảo, nhạy bén về nghề nghiệp, tác giả đã dự báo và cảnh báo trong tiểu thuyết TƠ VÒ xuất bản cách nay 6 năm, nếu vị Bí thư Tỉnh ủy không tỉnh táo sẽ “khó vượt qua chính mình”, không khéo lại đi vào vết xe đổ của Phạm Vấn, Ngọc Hồn, không những không khắc phục được, mà còn bị vấp ngã, dẫn tới kết cục thảm hại. Dự báo, cảnh báo đó là chuẩn xác mà những nguyên mẫu trong tiểu thuyết đó là quan chức cấp tỉnh được thể hiện tiếp khá đậm nét trong tiểu thuyết CÂY THAY LÁ. Họ bất chấp, đã không tự soi, tự sửa, sống buông thả, không chọn con đường thanh liêm, lại chọn con đường “nhận hối lộ” vào trại giam như Thùy Lê, Lý Tơ cùng nhiều thuộc hạ, gục ngã xuống vực sâu.

Tiếp theo trong tiểu thuyết CÂY THAY LÁ, tác giả đã sâu chuỗi về “Hội chứng ‘Nhà dột từ nóc’ có thể nói bắt đầu ngay từ khí tái lập tỉnh cách nay gần 30 năm, tức 6 nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Những tiêu cực, tham nhũng cứ tích tụ lại rối như tơ vò đến nhiệm này (2020 – 2025) thì phơi bày một sự thật đau lòng, cả Bí thư tỉnh Thùy Lê, Chủ tịch tỉnh Lý Tơ và không ít thuộc hạ đều lún sâu vào “bả” vật chất của đại gia Tiền Nổ, mà Trung ương kết luận là “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống”, đến mức phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đều bị bắt tạm giam, khám xét nhà về tội nhận hội lộ (Tr 159).

“Thượng bất chính, hạ tắc loạn!”. Do “tay đều nhúng chàm”, nhiều vấn đề xã hội bức xúc ở địa phương này không được hai vị đứng đầu tỉnh khóa trước cũng như đến khóa sau tiếp tục làm ngơ, không hề quan tâm chỉ đạo giải quyết để cho cấp dưới lộng hành làm loạn đã được phản ánh khá đậm nét trong tiểu thuyết CÂY THAY LÁ. Đó là “Các cơ quan tiến hành tố tụng ngày ấy bị Phụng Tiên lũng đoạn, dựng lên vụ án ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ xảy ra tại cái gọi là dự án ‘Trang trại Đồng Cạn’ để triệt hạ Ngọc Quý, nguyên là Thường vụ cấp tỉnh, được dự nguồn trong cơ cấu quy hoạch vào vị trí cán bộ chủ chốt” (Tr 160)... “Phụng Tiên và bộ sậu tiếp tục như ngồi trên đống lửa, vì qua 6 bản án đều không xác định được dứt khoát về thiệt hại do những hành vi của các bị cáo gây ra. Mỗi bản án xác định một con số thiệt hại, nghĩa là ‘tiền hậu bất nhất’, không có cơ sở chắc chắn để xác định dứt khoát thiệt hại. Thật là nực cười, cái mà Phụng Tiên và bộ sậu dựng lên cái gọi là vụ án ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ xảy ra tại dự án ‘Trang trại Đồng Cạn’ mà không xác định thiệt hại, tức là không có thiệt hại thì còn gì vụ án?” (Tr 161,162).

Chương cuối của tiểu thuyết CÂY THAY LÁ, tác giả đã nêu Những nan giải đang đặt ra cho tân Bí thư Tỉnh ủy và Ban lãnh đạo mới phải khẩn trương khắc phục sự “sụp đổ” chưa từng có của Ban lãnh đạo cũ của tỉnh để lại hậu quả rất nặng nề về nhân sự va lòng tin của nhân dân… Cơ hội và thách thức đan xen đang đặt ra đối với tân Bí thư Tỉnh ủy và Ban lãnh đạo mới của gần nửa cuối nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo với tinh thần phải “vượt qua chính mình” gỡ rối đống tơ vò tích tụ từ nhiều nhiệm kỳ trước để lại ngày một dày thêm, tránh nguy cơ “tụt hậu”, tạo được bước đột phá mới phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững.

Do đó, có thể nói tiểu thuyết CÂY THAY LÁ ra đời vào thời điểm này là rất kịp thời, mang tính thời sự sâu sắc, gắn với hơi thở cuộc sống đương đại.

Chúc mừng tác giả Quân Yên (Vũ Xuân Bân) thành công với tiểu thuyết mới CÂY THAY LÁ hấp dẫn, phục vụ bạn đọc và công chúng.

Địa chỉ phát hành: 105 đường Nguyễn Văn Linh, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

M.G

Mã Giang

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/index.php/sach-moi-tieu-thuyet-cay-thay-la-tiep-noi-mach-chuyen-to-vo-a25284.html