Sách nói, sách điện tử được giới trẻ Hà Tĩnh ưa chuộng
Sở hữu hình thức đọc tiện lợi trong nhịp sống bận rộn, sách nói và sách điện tử đang mở ra cách tiếp cận tri thức linh hoạt, hiện đại với các bạn trẻ Hà Tĩnh trong nhịp sống số.
Thay vì cầm theo những cuốn sách “dày cộp” mỗi khi ra đường, nhiều bạn trẻ Hà Tĩnh ngày nay chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là đã có thể “mang theo cả thư viện” bên mình. Không còn bó hẹp trong cách đọc truyền thống, sách nói và sách điện tử đang trở thành xu hướng mới, giúp giới trẻ tiếp cận tri thức một cách linh hoạt, tiết kiệm thời gian mà vẫn giữ được thói quen đọc sách.
Giữa nhịp sống hiện đại, hình thức đọc mới này không chỉ phản ánh sự thay đổi trong thói quen tiếp nhận thông tin mà còn cho thấy sự chủ động của người trẻ trong việc làm giàu tri thức theo cách riêng của mình.

Anh Trương Huy Nam là người yêu thích đọc sách.
Anh Trương Huy Nam (SN 1991, trú phường Trần Phú) vốn là người yêu thích đọc sách. Những cuốn sách giấy luôn là “người bạn đồng hành” mỗi tối của anh trong suốt nhiều năm. Thế nhưng, sau khi đi làm, trở thành nhân viên văn phòng, lịch trình công việc dày đặc khiến anh Nam khó dành ra hàng giờ để đọc sách giấy.
“Khi công việc quá bận rộn, tôi bắt đầu cảm thấy tiếc nuối vì không còn đủ thời gian để đọc sách như trước. Sau đó, một người bạn giới thiệu tôi thử nghe sách nói. Từ những lúc lái xe đến đi bộ, thể dục, thậm chí là trong lúc nấu ăn, tôi đều tranh thủ bật sách lên nghe. Có tháng tôi nghe đến ba, bốn cuốn, một điều mà trước đây rất khó làm được” - anh Nam chia sẻ.

Sách nói đang mang lại trải nghiệm rất khác biệt.
Không chỉ là giải pháp thay thế cho thời gian đọc truyền thống, với anh Nam, sách nói mang lại trải nghiệm rất khác biệt. Giọng đọc có cảm xúc, âm nhạc dẫn chuyện, cách trình bày mạch lạc khiến nội dung được truyền tải một cách sống động và dễ tiếp nhận hơn. Anh đặc biệt yêu thích những cuốn hồi ký, sách kỹ năng sống hoặc tiểu thuyết văn học được thể hiện qua giọng đọc trầm ấm.
Anh Nam cho biết: “Nghe sách không phải là lười đọc mà là để mở rộng cơ hội tiếp cận kiến thức. Có những hôm đang mệt, tôi bật một chương sách nhẹ nhàng và cảm thấy như được xoa dịu, tiếp thêm năng lượng tích cực.”
Cùng với sách nói, sách điện tử cũng đang chiếm một vị trí quan trọng trong thói quen đọc của giới trẻ. Chị Đào Huyền Trang (SN 1997), nhân viên ngân hàng tại phường Thành Sen là người đã sử dụng sách điện tử từ thời còn là sinh viên.

Chị Đào Huyền Trang duy trì thói quen đọc sách, tài liệu online từ lúc còn ở giảng đường đại học.
Chị Trang bộc bạch: “Lúc học đại học, tôi hay tìm tài liệu học tập qua các bản sách điện tử, vừa tiết kiệm chi phí lại dễ mang theo. Sau này đi làm, tôi vẫn duy trì thói quen đọc sách bằng điện thoại hoặc máy đọc chuyên dụng. Mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi thường đọc vài trang sách, có hôm mỏi mắt thì chuyển sang nghe sách”.
Là người cẩn trọng trong việc lựa chọn nội dung đọc, chị Trang phân chia rõ ràng giữa sách giấy, sách điện tử và sách nói. Những cuốn cần cảm nhận sâu hoặc sách lưu giữ kỷ niệm, chị vẫn chọn sách giấy. Tuy nhiên, với sách ngoại văn hoặc sách về tài chính, quản lý… những nội dung phục vụ công việc và học tập thì sách điện tử vẫn là lựa chọn phù hợp hơn với chị. Theo chị Trang, sách điện tử hay sách nói không thể thay thế cho sách giấy. Ngược lại, mỗi loại có giá trị riêng. Quan trọng là bản thân có duy trì được việc đọc hay không và đọc ra sao cho hiệu quả.
Tại Hà Tĩnh, không khó để bắt gặp hình ảnh những bạn trẻ vừa đeo tai nghe vừa tập thể dục, ngồi trong quán cà phê chăm chú với chiếc điện thoại đang mở app đọc sách. Các nền tảng như: Voiz FM, Fonos, Woka, Audible, Sachnoi.app... ngày càng được nhiều bạn trẻ sử dụng không chỉ để giải trí mà còn để học hỏi, rèn luyện tư duy và phát triển bản thân.

Còn đối với Nguyễn Quỳnh Anh, những cuốn sách tặng, sách kỷ niệm hoặc những tác phẩm văn học kinh điển luôn được giữ làm kỷ niệm.
Điều đáng ghi nhận là phần lớn các bạn trẻ sử dụng sách số không hề từ bỏ sách giấy. Ngược lại, họ xem đó là hai hình thức song hành. Bạn trẻ Nguyễn Quỳnh Anh (SN 2003, xã Việt Xuyên) cho biết: “Với tôi, sách giấy vẫn luôn là ưu tiên. Những cuốn sách tặng, sách kỷ niệm hoặc những tác phẩm văn học kinh điển, tôi luôn muốn giữ bản in. Nhưng trong đời sống thường ngày, để duy trì thói quen đọc, tôi cần sự linh hoạt. Có thể hôm nay tôi nghe sách lúc đi xe buýt, mai lại đọc một chương ebook lúc nghỉ trưa, rồi cuối tuần lại dành thời gian lật giở một cuốn sách giấy. Cảm giác đó khiến việc đọc sách trở thành một phần tự nhiên trong cuộc sống.”
Sự phát triển của sách nói và sách điện tử không đơn thuần là biểu hiện của một xu hướng công nghệ mà còn phản ánh tinh thần học hỏi chủ động và khả năng thích ứng linh hoạt của giới trẻ Hà Tĩnh trong thời đại số. Dù tiếp cận tri thức qua trang giấy truyền thống hay qua âm thanh, màn hình, điều đáng quý nhất vẫn là việc đọc chưa bao giờ bị lãng quên. Trong những chuyển động không ngừng của xã hội hiện đại, thói quen đọc của người trẻ không mất đi mà đang được làm mới từng ngày với cách tiếp cận nhẹ nhàng, linh hoạt nhưng vẫn đủ sâu sắc để nuôi dưỡng tri thức và tâm hồn.