'Sâm trắng' Xín Mần

Củ cải được người dân Xín Mần ví như 'sâm trắng' và đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản bằng con đường chính ngạch. Đây không chỉ là thành quả của sự nỗ lực, mà còn khẳng định giá trị chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp - Hợp tác xã (HTX) và người nông dân ngày càng bền vững.

Củ cải bạc triệu

Xín Mần vốn có khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ nhưng trước kia người dân chủ yếu trồng vào cây ngô để phục vụ đời sống và chăn nuôi, hiệu quả thấp. Năm 2021, Công ty TNHH Misaki Việt Nam phối hợp HTX Nông sản Hạnh Mơi (xã Xín Mần) triển khai trồng thử nghiệm củ cải trắng phục vụ xuất khẩu. Ban đầu chỉ một vài hộ dân tham gia, đến nay HTX có 14 hộ liên kết trồng.

Người dân xã Xín Mần thu hoạch củ cải xuất khẩu.

Người dân xã Xín Mần thu hoạch củ cải xuất khẩu.

Ông Hoàng Văn Mơi, Giám đốc HTX Nông sản Hạnh Mơi nhớ lại: “Trước đây trồng ngô chỉ đủ ăn. Nay có doanh nghiệp hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, chúng tôi yên tâm sản xuất. Củ cải hợp với thổ nhưỡng và vốn dĩ được người dân địa phương trồng từ lâu, nhưng nay có liên kết với doanh nghiệp trồng có quy mô, kỹ thuật nên năng suất cao hơn, điều quan trọng là có đầu ra ổn định”.

Chỉ sau 3 tháng trồng thử nghiệm với diện tích gần 4 ha, củ cải cho năng suất hơn 20 tấn/ha, với giá bán 2.000 đồng/kg, người dân thu về hơn 150 triệu đồng. Từ kết quả này, mô hình nhanh chóng được nhân rộng và năng suất tăng từ 50 - 55 tấn/ha ở vụ tiếp theo nhờ ứng dụng các kỹ thuật trồng, chăm sóc theo quy trình của Nhật Bản.

Đến năm 2022, toàn xã có 13,5 ha, sản lượng hơn 650 tấn. Vụ năm 2023 - 2024, diện tích liên kết đã tăng lên 18 ha. Nhờ mô hình này, nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo. Anh Giàng Bản Quáng, thôn Quán Dín Ngài từng thuộc diện hộ nghèo nhất thôn, giờ trồng 1ha củ cải, thu gần 90 triệu đồng mỗi vụ. Có thu nhập ổn định, anh sửa nhà, mua sắm vật dụng, lo cho con cái học hành. Anh Giàng Bản Quáng chia sẻ: “Sau 4 năm gắn bó với củ cải xuất khẩu, cuộc sống gia đình tôi thay đổi nhiều, mong muốn chuỗi liên kết tiếp tục mở rộng để bà con vùng biên có sinh kế bền vững”.

Trung bình các hộ dân tham gia mô hình có thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm. Điển hình như gia đình chị Hoàng Thị Hạnh, mỗi năm trồng khoảng 3 ha/2 vụ, thu nhập trên 300 triệu đồng, lợi nhuận hơn 150 triệu đồng. Chị Hạnh phấn khởi: “Trước kia trồng ngô chỉ đủ ăn. Giờ có mô hình liên kết, được hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm nên yên tâm hơn, gia đình thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá”.

Nông sản vùng biên vươn xa

Từ sản xuất manh mún, người dân Xín Mần đã tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp. Công ty TNHH Misaki Việt Nam hợp tác với HTX Nông sản Misaki - Xín Mần, xây dựng xưởng sơ chế tại thôn Nàn Ma, xã Pà Vầy Sủ. Anh Lục Sơn Bách, Giám đốc HTX Nông sản Misaki - Xín Mần cho biết: “Củ cải trồng ở Xín Mần giòn, ngọt, đều củ, ít xơ. Để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, thời gian qua phía Công ty đã mời chuyên gia Nhật Bản trực tiếp sang tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc, thu hoạch và sơ chế”.

Chủ tịch UBND xã Xín Mần Thèn Văn Tiến khẳng định: Việc chuyển đổi từ cây ngô sang củ cải trắng mang lại hiệu quả rõ rệt. Liên kết doanh nghiệp - HTX - nông dân là hướng đi phù hợp, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, bền vững, giúp phát triển kinh tế - xã hội vùng biên.

Cho đến nay, củ cải liên kết xuất khẩu ở Xín Mần đang triển khai mỗi năm trồng 2 vụ. Sau vụ thu hoạch này, bà con tiếp tục làm đất trồng vụ chính vào cuối tháng 9. Công ty TNHH Misaki Việt Nam đã ký kết hợp tác với HTX và người dân tiếp tục trồng thêm 10 ha củ cải xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Ngoài củ cải, hiện nay HTX Nông sản Misaki còn trồng gừng trâu, củ kiệu để đa dạng hóa sản phẩm. Đến nay, ba mặt hàng chủ lực gồm củ cải muối, củ kiệu muối, gừng trâu muối đều được Công ty Misaki bao tiêu xuất khẩu. Sau 4 năm liên kết, đã có hơn 540 tấn củ cải, 70 tấn củ kiệu, 120 tấn gừng trâu được xuất khẩu với tổng trị giá trên 13 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Văn Long

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kinh-te/202507/sam-trang-xin-man-efd1448/