'Sân chơi' sáng tạo cho làng nghề gỗ mỹ nghệ Vân Hà
Mới đây, huyện Đông Anh đã thành lập Trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), làng nghề gỗ mỹ nghệ xã Vân Hà.
Đây là bước đột phá để sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của huyện có “sân chơi” sáng tạo riêng, nhằm đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và phát triển du lịch làng nghề.
![Các sản phẩm trưng bày tại Trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gỗ mỹ nghệ xã Vân Hà (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Phong](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_8_51453457/fad59ca8aae643b81af7.jpg)
Các sản phẩm trưng bày tại Trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gỗ mỹ nghệ xã Vân Hà (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Phong
Theo Chủ tịch Hội Làng nghề Thiết Úng (xã Vân Hà) Đỗ Văn Cường, nghề gỗ Vân Hà xuất phát từ thôn Thiết Úng. Trải qua hàng trăm năm phát triển, đồ gỗ mỹ nghệ Thiết Úng dần tạo được thương hiệu trên thị trường với những nét đặc trưng riêng. Sản phẩm làng nghề gỗ Vân Hà khá đa dạng, từ tượng gỗ, bàn ghế… đến phù điêu, tranh, bình hoa gỗ…
Cũng theo ông Đỗ Văn Cường, từ một xã thuần nông, người dân Vân Hà đã phát triển nghề làm gỗ thành thế mạnh. Sản phẩm gỗ Vân Hà có tính cạnh tranh cao, một số sản phẩm đoạt giải trong các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố và khu vực.
Đặc biệt, làng nghề gỗ Vân Hà là một trong số ít các làng nghề gìn giữ và nhân cấy nghề cho các thế hệ sau. Chủ tịch Hội Làng nghề Thiết Úng Đỗ Văn Cường cho hay, các lớp học nghề được các nghệ nhân trong làng mở, truyền dạy miễn phí cho con, cháu. Hiện tại, làng nghề gỗ Vân Hà có 14 nghệ nhân được UBND thành phố Hà Nội công nhận… Từ những sản phẩm làng nghề tiêu biểu, khi tham gia Chương trình OCOP, Vân Hà có 31 sản phẩm gỗ mỹ nghệ được công nhận sản phẩm OCOP 3-4 sao.
Để thúc đẩy phát triển làng nghề, tháng 1-2025, huyện Đông Anh đã thành lập Trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gỗ mỹ nghệ xã Vân Hà. Trung tâm này được trao cho các chủ thể OCOP tại làng nghề Vân Hà quản lý, vận hành và liên kết. Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, trung tâm là nơi để các hộ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xã Vân Hà trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm đồ gỗ trên địa bàn. Trung tâm cũng là nơi để các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện có thể tham gia trưng bày, quảng bá.
Còn theo Chủ tịch UBND xã Vân Hà Đỗ Thị Hảo, Trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gỗ mỹ nghệ xã Vân Hà được thành lập là "sân chơi" sáng tạo cho người dân làng nghề gỗ Vân Hà. Trung tâm không chỉ là nơi có các thợ nghề thể hiện tay nghề, mà còn là khu giới thiệu về lịch sử phát triển làng nghề, kết nối du khách đến mua sắm, trải nghiệm và lắng nghe những câu chuyện về nghề nơi đây.
Không những vậy, trung tâm còn tổ chức xây dựng không gian tuyến phố trưng bày, giới thiệu sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ Thiết Úng để thu hút khách du lịch. Khách đến tham quan, mua sắm có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm làm sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ; tham gia các hoạt động tại lễ hội truyền thống thôn Thiết Úng - nơi thờ hai vị tướng thời Vua Hùng; tham quan, tìm hiểu về nghề gỗ mỹ nghệ truyền thống tại nhà thờ tổ nghề mộc, tìm hiểu về hội thi “Trí xảo” xưa và nghe kể về “Bài ca đất đẽo”…
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng thông tin, sau Trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gỗ mỹ nghệ xã Vân Hà, huyện Đông Anh tiếp tục nghiên cứu để thành lập các trung tâm ở các làng nghề truyền thống khác. Việc thành lập các trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP là định hướng của thành phố để các sản phẩm OCOP có không gian sáng tạo và phát triển riêng. Đây cũng là cơ hội để phát huy lợi thế từ các làng nghề truyền thống, làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế địa phương, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP, hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP được công nhận.
Việc thành lập trung tâm cũng tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác sản xuất, tạo điều kiện cho người dân tại làng nghề có thu nhập tốt hơn, tăng nguồn lực cho huyện Đông Anh vững bước trên lộ trình phát triển toàn diện.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/san-choi-sang-tao-cho-lang-nghe-go-my-nghe-van-ha-692943.html