Sàn giao dịch vận tải đường sắt hướng tới khách hàng mới

Ngày 10-8, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chính thức triển khai phần mềm sàn giao dịch vận tải hàng hóa của ngành đường sắt. Với giá cước được niêm yết rõ ràng, khách hàng có thể lựa chọn dịch vụ phù hợp nhu cầu.

Giao diện phần mềm sàn giao dịch vận tải hàng hóa của ngành đường sắt

Giao diện phần mềm sàn giao dịch vận tải hàng hóa của ngành đường sắt

Trong ngày khai trương, trên sàn hiển thị 30 dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc các cung chặng khác nhau. Trong đó, dịch vụ vận chuyển hàng lẻ bằng tàu khách nhanh chặng TPHCM - Hà Nội được chào giá 2,45 triệu đồng/tấn, chưa kể thuế và chi phí xếp dỡ 2 đầu.

Dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đến ga Giáp Bát (Hà Nội) được chào giá từ 15,508 triệu/toa tải trọng 28 tấn đến hơn 17 triệu đồng/toa tải trọng 30 tấn. Dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ các ga Vinh, Yên Viên, Phủ Lý đến ga Sóng Thần được chào giá 14,7 triệu đồng/toa.

Trên sàn cũng cung cấp dịch vụ vận chuyển nhiều mặt hàng nông sản phổ biến như lúa gạo, nước mắm, muối, bột sắn... cho cả chặng dài và ngắn, ví dụ như vận chuyển lúa gạo mức giá 470.000 đồng/tấn từ ga Sông Mao (Bình Thuận) đến ga Trình Xuyên (Nam Định).

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, việc mở sàn giao dịch hàng hóa trực tuyến nhằm tăng mức độ tiện lợi và rút ngắn thời gian, thủ tục so với việc vận chuyển hàng hóa truyền thống.

Hiện dịch vụ chưa nhiều và chủ yếu do Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn thực hiện. Các doanh nghiệp khác như Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, Công ty Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) sẽ cung cấp thêm các dịch vụ mới.

Bên cạnh các khách hàng lớn đã ký hợp đồng theo năm, sàn giao dịch này hướng tới mục tiêu khai thác các khách hàng mới hoặc khách hàng nhỏ lẻ có nhu cầu gửi hàng hóa nhưng chưa biết quy trình và thủ tục.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trong giai đoạn đầu vận hành, sàn có thể phát sinh các vấn đề trục trặc, doanh nghiệp và đối tác sẽ xem xét và khắc phục để đảm bảo tính ổn định.

Để đăng ký vận chuyển, khách hàng truy cập website, nhập các thông tin tìm kiếm như: nơi đi, nơi đến, ga đi, ga đến, loại hình vận chuyển, tên mặt hàng… Sau đó, khách hàng chọn loại tàu phù hợp và nhập các thông tin hàng hóa sau đó chọn "lưu". Hoàn tất bước này, sẽ có nhân viên đường sắt liên hệ với khách hàng và tiến hành vận chuyển hàng hóa.

Khách hàng sau khi gửi hàng hóa có thể theo dõi quá trình vận chuyển hàng hóa, từ đó chủ động được kế hoạch trong giao nhận hàng hóa. Nếu có nhu cầu lấy hóa đơn điện tử, khách hàng cung cấp đầy đủ các thông tin lấy hóa đơn ngay khi làm thủ tục vận chuyển.

MINH ANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/san-giao-dich-van-tai-duong-sat-huong-toi-khach-hang-moi-post753503.html