Sản lượng container qua cảng tăng giúp Cảng Xanh VIP (VGR) tăng 50% lãi quý II

Trong quý II/2024, VGR mang về 92,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 50% so với quý II/2023 do sản lượng container qua cảng tăng và chi phí trong kỳ giảm.

CTCP Cảng Xanh VIP (mã VGR) mới công bố BCTC quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 284,7 tỷ đồng, tăng 32%. VGR cho biết, do sản lượng container qua cảng tăng 12,77% nên doanh thu tăng so với cùng kỳ.

Giá vốn kỳ này cũng tăng, nhưng tăng thấp hơn đà tăng của doanh thu với 29%, lên169,4 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp đạt 115,4 tỷ đồng, tăng 35%.

Ngoài ra, doanh thu tài chính của VGR cũng tăng 57%, đạt 7,6 tỷ đồng nhờ lãi chênh lệch tỷ giá/bán ngoại tệ tăng vọt. Trong khi đó, chi phí tài chính giảm hơn một nửa còn hơn 600 triệu đồng. Trong khi chi phí bán hàng giảm 13% về còn 8,4 tỷ đồng, thì chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 5%, lên 10 tỷ đồng.

Kết quả, VGR mang về 92,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II/2024, tăng 50% so với quý II/2023. Giải trình lợi nhuận tăng mạnh, VGR cho biết bên cạnh sản lượng container qua cảng tăng, chi phí khấu hao trong kỳ cũng cũng giảm. Đặc biệt, trong năm 2023 VGR có sửa chữa lớn phương tiện thiết bị làm chi phí trong quý II/2023 cao hơn năm 2024.

Tính chung nửa đầu 2024, doanh thu thuần của Cảng Xanh VIP đạt 526,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 187,2 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 30% và 71% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, VGR thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 774 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 240 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 22% so với thực hiện năm 2023. Với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 210 tỷ đồng, VGR đã hoàn thành gần 88% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tính đến cuối quý II, tổng tài sản VGR đạt hơn 1.112 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng gấp 2,2 lần đầu năm, lên hơn 387 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 71%, lên hơn 157 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đà giảm của tài sản đến từ các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm mạnh 95%, từ hơn 424 tỷ đồng xuống chỉ còn 21 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối, VGR còn hơn 140 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 56% so với đầu năm, toàn bộ là nợ ngắn hạn. Trong kỳ, VGR phát sinh khoản dự phòng phải trả ngắn hạn 32 tỷ đồng là chi phí phí nạo vét luồng mà đầu kỳ không có. Ngoài ra, nợ của VGR phần lớn ở khoản phải trả người bán ngắn hạn hơn 63,6 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 23/07, cổ phiếu VGR giảm 1,52%, về còn 58.200 đồng/CP.

Kiều Trang

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/san-luong-container-qua-cang-tang-giup-cang-xanh-vip-vgr-tang-50-lai-quy-ii-post349934.html