Sản phẩm Nghệ thuật Văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ cần đặc biệt quan tâm phát huy và bảo tồn

Với đặc điểm là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer, việc phát huy và nâng cao giá trị văn hóa đặc sắc, vừa mang tính đại đồng của văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long, vừa có những nét độc đáo riêng biệt do chính cộng đồng các dân tộc nơi đây tạo nên… đây là vấn đề cần thiết mà Tỉnh ủy Trà Vinh rất quan tâm chỉ đạo trong thời gian qua.

Đồng chí Dương Mỹ Pha, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Trà Vinh.

Đồng chí Dương Mỹ Pha, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Trà Vinh.

Trà Vinh là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa 02 con sông lớn (Sông Tiền và Sông Hậu), giáp Biển Đông, có 65km bờ biển; tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer (gần 32% dân số), 143 chùa phật giáo Nam tông Khmer. Tỉnh Trà Vinh được thành lập năm 1900, cách nay 125 năm, trải qua truyền thống lịch sử lâu dài, cộng đồng các dân tộc trong tỉnh đã hình thành nên các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống… các giá trị này không ngừng được sáng tạo, lưu truyền, bồi đắp, lan tỏa và phát huy tốt, góp phần làm phong phú cho cho nền văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà qua từng giai đoạn.

Nhìn lại 50 năm phát triển nền văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có nhiều kết quả nổi bật. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã nghiêm túc quán triệt, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nền văn học nghệ thuật; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học nghệ thuật; tăng cường cổ vũ động viên đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng phát huy tài năng, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, thống nhất, hăng say sáng tạo đóng góp tích cực phát triển nền văn học nghệ thuật của tỉnh và cả nước.

Tiết mục múa gáo do diễn viên Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh thể hiện. Ảnh: BÁ THI

Tiết mục múa gáo do diễn viên Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh thể hiện. Ảnh: BÁ THI

Với đặc điểm là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer, việc phát huy và nâng cao giá trị văn hóa đặc sắc, vừa mang tính đại đồng của văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long, vừa có những nét độc đáo riêng biệt do chính cộng đồng các dân tộc nơi đây tạo nên… đây là vấn đề cần thiết mà Tỉnh ủy Trà Vinh rất quan tâm chỉ đạo trong thời gian qua.

Một chỉ đạo mang tính chiều sâu của Tỉnh ủy Trà Vinh là duy trì và phát triển Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh từ năm 1963 đến nay.

Trải qua các giai đoạn, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh đã không ngại vượt mọi chông gai, lửa đạn của quân thù, mang lời ca, tiếng hát, điệu múa đến khắp mọi nơi, phục vụ văn nghệ, động viên tinh thần cho đồng bào, chiến sĩ kiên cường bám trụ tại phum sóc, làm căn cứ, hậu phương cho cách mạng. Đất nước thống nhất, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển trở thành Đoàn Nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp…

Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh đã tham gia và đạt nhiều giải cao trong các hội thi, hội diễn, liên hoan ca múa nhạc do Trung ương hoặc các tỉnh trong khu vực tổ chức; tham gia biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị trong nước và nước ngoài. Được đánh giá là một trong những đoàn nghệ thuật dân tộc hoạt động hiệu quả nhất của khu vực Tây Nam Bộ.

Ngoài ra, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh còn là “cái nôi” bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao kỹ thuật chuyên môn của đội ngũ diễn viên của tỉnh, và các tỉnh thành trong khu vực có đoàn, đội múa Khmer. Với những thành tích đáng trân trọng, năm 1997, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2000 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Song song với chỉ đạo duy trì lĩnh vực nghệ thuật, Tỉnh ủy Trà Vinh còn chú trọng đầu tư xây dựng phát triển Khoa Ngôn ngữ Văn hóa Nghệ thuật Khmer Nam Bộ thuộc Trường Đại học Trà Vinh, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương giao thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia, đó là đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào Khmer Nam Bộ. Năm 2017, Trường Đại học Trà Vinh thành lập Trung tâm Văn hóa miền Tây trực thuộc Khoa Ngôn ngữ Văn hóa Khmer Nam Bộ. Năm 2023, nâng cấp Khoa thành Trường Ngôn ngữ Văn hóa Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn thuộc Trường Đại học Trà Vinh. Và từ đó, liên tục nhiều năm, Trường Đại học Trà Vinh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo sinh viên trong nước và sinh viên quốc tế như Lào, Campuchia.

Lĩnh vực văn hóa Khmer Nam Bộ nói chung và hoạt động của Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh nói riêng tuy được quan tâm chỉ đạo để duy trì và phát triển, nhưng trong quá trình hoạt động vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức, điển hình là 03 thách thức cơ bản:

Một là, sự thích ứng và thay đổi tư duy, phương thức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, diễn viên, biên kịch, biên đạo múa và lãnh đạo Đoàn nghệ thuật còn chậm; đội ngũ kế thừa còn thiếu so sới yêu cầu, dẫn đến chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của công chúng.

Hai là, đời sống của văn nghệ sĩ, diễn viên còn nhiều khó khăn, do nguồn thu nhập thấp nên đội ngũ văn nghệ sĩ, diễn viên, biên đạo, biên kịch chưa thể toàn tâm, toàn ý cho nghệ thuật. Nguyên nhân là do xu hướng xem sân khấu nghệ thuật truyền thống giảm dần, làm giảm doanh thu của các đoàn nghệ thuật, nên việc đầu tư, bồi dưỡng cho diễn viên, biên đạo, biên kịch… cũng sẽ ít đi, thậm chí không đảm bảo cuộc sống,

Ba là, công tác chiêu sinh, đào tạo đội ngũ kế thừa rất khó khăn, do sinh viên tham gia học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ngày càng ít hơn.

Nghệ sĩ Thạch Ngọc Xuân và Thạch Thị Tuyết cảnh trong vở “Chuyện tình chàng Via Sa Na” tại đêm diễn ở ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú đêm 09/3/2025. Ảnh: THANH HÒA

Nghệ sĩ Thạch Ngọc Xuân và Thạch Thị Tuyết cảnh trong vở “Chuyện tình chàng Via Sa Na” tại đêm diễn ở ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú đêm 09/3/2025. Ảnh: THANH HÒA

Để duy trì, phát triển hiệu quả hoạt động của các đoàn nghệ thuật truyền thống cũng như công tác đào tạo đội ngũ kế thừa, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật dân tộc, thiết nghĩ các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm tập trung chỉ đạo triển khai một số giải pháp trọng tâm:

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Chỉ đạo tích cực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sáng tác, biểu diễn, biên đạo của văn nghệ sĩ, diễn viên; cần đa dạng hóa đề tài, kịch bản theo hướng gần với cuộc sống hơn để dễ dàng tạo sự đồng cảm với khán giả. Muốn làm tốt việc này cần phải có chính sách để tạo động lực, khuyến khích, thúc đẩy sự đam mê, sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật.

Tăng cường đổi mới phương thức tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động của các Đoàn Nghệ thuật; tăng cường khai thác các nền tảng công nghệ số để tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, văn nghệ, giới thiệu tác phẩm kịch múa, biểu diễn, nhằm thu hút sự hiếu kỳ của khán giả; tổ chức các buổi nói chuyện trực tuyến “giao lưu” với những người cùng sở thích, có tình yêu với sân khấu nghệ thuật và văn hóa truyền thống…

Có chính sách quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho các Đoàn nghệ thuật truyền thống hoạt động tốt hơn; đầu tư trang thiết bị, đạo cụ, máy móc hiện đại góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, biểu diễn phục vụ khán giả. Kịp thời phát hiện người có năng khiếu, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế cận để văn hóa nghệ thuật truyền thống được trao truyền liên tục; quảng bá nét đẹp văn hóa dân tộc, kết nối đến bạn bè thế giới.

Tiết mục múa “Chúc mừng” do diễn viên đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh trình bày. Ảnh: BÁ THI

Tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Ngôn ngữ văn hóa nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn thuộc Trường Đại học Trà Vinh, đây là trường được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ trọng điểm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào Khmer Nam Bộ, đào tạo không chỉ cho sinh viên trong nước mà còn đào tạo cho sinh viên quốc tế Lào, Campuchia dự học.

Quan tâm chỉ đạo đưa hoạt động biểu diễn của các Đoàn nghệ thuật truyền thống đến những sân khấu, không gian mới, như trung tâm thương mại, khu đô thị, khu du lịch, nhà hàng, các hoạt động lễ hội… để biểu diễn phục vụ khán giả, làm cho sản phẩm nghệ thuật trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, phục vụ khách du lịch.

Sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách về tiền lương, chính sách tuyển dụng và các chế độ chính sách đặc thù, giúp người nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn… có thu nhập ổn định, an tâm công tác với những cống hiến mang nhiều cảm xúc, đam mê và thăng hoa trong sự nghiệp biểu diễn và sáng tạo nghệ thuật.

Đêm 13/7/2024, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tổ chức chương trình nghệ thuật “Giai điệu phum sróc”. Đây là chương trình nhằm giới thiệu và phát huy bản sắc văn hóa, nghệ thuật của đồng bào Khmer đến với công chúng trên địa bàn tỉnh và du khách gần xa.

Một cảnh trong trích đoạn sân khấu dù kê “Chuyện tình Bô Pha - Rạng Xây”. Ảnh: BÁ THI

Tốp ca múa trong bài “Thắm mãi văn nghệ quê ta”. Ảnh: BÁ THI

Tiết mục múa “Ghe ngo ngày hội” do tốp múa nam, nữ trình bày. Ảnh: BÁ THI

Văn hóa nghệ thuật Khmer nói chung, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh nói riêng không chỉ là "linh hồn" văn hóa của cộng đồng Khmer Trà Vinh mà còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai; góp phần quan trọng vào việc giữ gìn đa dạng văn hóa, phát triển bền vững và quảng bá hình ảnh của Trà Vinh nói riêng và Việt Nam nói chung ra thế giới. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật Khmer còn có ý nghĩa chính trị quan trọng, góp phần vào việc hình thành nên những chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, thúc đẩy đoàn kết cộng đồng các dân tộc.

Thời gian tới, khi các sản phẩm nghệ thuật mang đậm nét văn hóa dân tộc Khmer được tiếp tục quan tâm phát huy và bảo tồn, sẽ góp phần quan trọng làm phong phú bức tranh văn hóa đa dạng của đất nước; quảng bá hình ảnh Trà Vinh mang nét đặc trưng văn hóa Khmer, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến, đóng góp phát triển kinh tế của địa phương.

DƯƠNG MỸ PHA

Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Dân vận Tỉnh ủy Trà Vinh.

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/van-hoa-the-thao/san-pham-nghe-thuat-van-hoa-dan-toc-khmer-nam-bo-can-dac-biet-quan-tam-phat-huy-va-bao-ton-45501.html