Sẵn sàng cho việc lập báo cáo tài chính nhà nước năm 2022
Báo cáo tài chính nhà nước được giao cho Kho bạc Nhà nước thực hiện từ năm 2019. Qua gần 5 năm thực hiện, đến nay, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành 4 bộ báo cáo tài chính nhà nước. Hiện, toàn hệ thống đang bước vào thực hiện lập Báo cáo tài chính nhà nước năm 2022.
Chất lượng báo cáo được cải thiện qua từng năm
Tại buổi tọa đàm về báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN), do Bộ Tài chính phối hợp với Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales tổ chức tại Hà Nội, vào trung tuần tháng 6/2023, bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Cục trưởng Cục Kế toán nhà nước, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, trong 5 năm gần đây, khu vực công của Việt Nam chứng kiến sự chuyển biến đáng kể trong công tác kế toán và lập BCTCNN.
KBNN được giao nhiệm vụ lập BCTCNN từ năm 2019, qua gần 5 năm triển khai, đến nay đã hoàn thành 4 bộ báo cáo của 4 năm (2018, 2019, 2020, 2021). Chất lượng BCTCNN đã được cải thiện và nâng chất lượng lên theo từng năm.
Cụ thể, năm ngân sách 2018 là năm đầu tiên triển khai, bộ danh mục BCTCNN chưa đầy đủ theo quy định. Theo đó, BCTCNN năm 2018 mới chỉ được tổng hợp từ 3 báo cáo (báo cáo tình hình tài chình nhà nước, báo cáo kết quả tài chính và thuyết minh BCTCNN).
BCTCNN năm 2019 đã có một bộ danh mục báo cáo đầy đủ theo quy định, trong đó có bổ sung báo cáo luân chuyển tiền tệ. Đối tượng thông tin trên báo cáo cũng được bổ sung thêm như: tài sản kết cấu hạ tầng (TSKCHT) nông thôn và TSKCHT giao thông đường bộ, do địa phương quản lý.
Đồng thời, BCTCNN năm 2019 đã bổ sung thêm thuyết minh giải trình về các số liệu trên báo cáo, trong đó có thuyết minh giải trình nợ nhà nước trong năm 2019 so với năm 2018, cũng như giải thích về cơ cấu các chỉ tiêu giữa trung ương và địa phương… BCTCNN năm 2020 được cập nhật thêm các TSKCHT như nước sạch nông thôn, giao thông đường bộ đầy đủ, chính xác hơn.
Đặc biệt, BCTCNN năm 2021 được bổ sung, cập nhật thêm 4 thông tin mới: cập nhật số liệu TSKCHT đường bộ, công trình nước sạch nông thôn; bổ sung số liệu TSKCHT đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, đường sắt quốc gia, thủy lợi; bổ sung số liệu thuyết minh tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý, sử dụng; bổ sung thuyết minh về tài sản cố định đặc thù (di tích văn hóa, cổ vật…).
Cũng theo bà Hiền, qua các năm triển khai thực hiện, các đơn vị thuộc đối tượng phải nộp báo cáo tài chính đã dần dần hiểu hơn về chế độ kế toán cũng như về yêu cầu của BCTCNN. Theo đó, chất lượng thông tin đầu vào đã tốt hơn, các số liệu trên BCTCNN được cải thiện hơn năm đầu mới thực hiện.
Cả hệ thống bước vào lập báo cáo năm 2022
Báo cáo từ KBNN cũng cho biết, qua các năm thực hiện lập BCTCNN, toàn hệ thống đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt, các đơn vị KBNN đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, vì thế, BCTCNN đều được lập đúng tiến độ, đúng thời gian quy định.
BCTCNN tỉnh Hậu Giang hàng năm được tổng hợp từ Báo cáo cung cấp thông tin tài chính nhà nước của 414 đơn vị gồm 41 đơn vị dự toán cấp I ngân sách tỉnh; 361 đơn vị dự toán cấp I ngân sách huyện; 9 cơ quan thuế; 12 cơ quan KBNN; Sở Tài chính; Cục Quản lý công sản và Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN) thuộc Bộ Tài chính. Số liệu tổng hợp phân tích BCTCNN tỉnh hàng năm góp phần quan trọng cho lãnh đạo quản lý, đánh giá tổng thể bức tranh tài chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện việc lập BCTCNN tỉnh năm 2022, ngay từ tháng 4/2023, KBNN Hậu Giang đã công bố danh sách các đơn vị thuộc đối tượng lập BCTCNN; công bố danh sách cán bộ hỗ trợ nghiệp vụ và hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp địa chỉ khai thác tài liệu hướng dẫn sử dụng trên Cổng thông tin điện tử của KBNN; quy định thời hạn gửi BCTCNN.
Đặc biệt, KBNN Hậu Giang đã lưu ý một số nội dung liên quan đến việc gửi báo cáo cung cấp thông tin đối với UBND cấp xã, ban quản lý dự án, mở rộng kênh thông tin để trao đổi giữa kho bạc với cơ quan tài chính, các ban, ngành, địa phương; giữa người cung cấp thông tin và người tiếp nhận thông tin trao đổi các vướng mắc để có BCTCNN đầy đủ, chính xác và kịp thời.
Với nhiệm vụ là tổng hợp và lập BCTCNN cấp huyện, KBNN huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cũng đã có những bước chuẩn bị cho việc lập BCTCNN năm 2022.
Theo đó, trong tháng 4 và những ngày đầu tháng 5/2023, KBNN huyện Ngọc Hiển đã thực hiện triển khai đến các đơn vị sử dụng ngân sách để tổng hợp báo cáo tài chính năm 2022. Trong quá trình thực hiện tiếp nhận BCTCNN năm 2022, ban giám đốc KBNN huyện Ngọc Hiển cũng thấy còn một số khó khăn, vướng mắc nên đã bố trí, sắp xếp các giao dịch viên thông thạo tin học, nắm bắt rõ về các yêu cầu của báo cáo tài chính nhà nước cũng như phân tích báo cáo tài chính để tiếp nhận, tổng hợp và giải quyết những vướng mắc cho đơn vị sử dụng ngân sách một cách nhanh nhất.
Các giao dịch viên thường xuyên điện thoại, đôn đốc cũng như hỗ trợ đơn vị khi có vướng mắc trong quá trình tổng hợp số liệu báo cáo. Vì vậy, các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn huyện đã gửi báo cáo đến kho bạc thành công, đảm bảo số liệu chính xác, đầy đủ.
Có thể thấy với sự nghiêm túc và nỗ lực của toàn hệ thống KBNN trong việc lập BCTCNN, đồng thời với việc bổ sung thêm các thông tin trong báo cáo qua các năm, BCTCNN năm 2022 hứa hẹn sẽ phản ánh đầy đủ, toàn diện thông tin tài chính nhà nước và đảm bảo tính kịp thời, minh bạch và có độ tin cậy cao.
Hướng dẫn lập báo cáo tài chính nhà nước 2022
Ngày 15/9 vừa qua, KBNN đã có công văn hướng dẫn triển khai lập báo cáo tài chính nhà nước (BCTCN) tỉnh năm 2022, với 2 phần chính là BCTCNN tỉnh và báo cáo tổng hợp thông tin tài chính huyện. KBNN lưu ý đối với các UBND cấp xã thực hiện chính quyền đô thị và UBND cấp huyện thực hiện chính quyền đô thị phải thực hiện gửi các báo cáo tài chính theo các mẫu đã quy định.