'Sản vật' mùa nước nổi ở miền Tây

Khoảng từ tháng 7 âm lịch, tại các vùng biên giới của tỉnh An Giang, Đồng Tháp, hình ảnh người dân đi giăng lưới, đặt lú, đặt dớn... trên các cánh đồng đã không còn xa lạ.

Theo ngư dân đi săn

Hơn 5 giờ sáng 21.8, chúng tôi lội nước theo ông Năm Nhỏ (ngụ xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đi gỡ lú. Đồ nghề ông mang theo là chiếc xuồng (được đóng bằng 3 mảnh ván phẳng đẹp và chắc) cùng cái thau nhựa để đựng cá.

Ngư dân đặt dớn, lú khi nước đã vào đồng - Ảnh: C.H

Ngư dân đặt dớn, lú khi nước đã vào đồng - Ảnh: C.H

Trước khi lên xuồng, ông Năm Nhỏ chỉ tay và bảo rằng: “Chỗ giáp với cánh đồng (xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn) là nơi chú đặt 20 cái lú, thời điểm này nước đang vào đồng, hy vọng có nhiều tôm cá”.

Đến điểm đặt lú đầu tiên, ông Năm Nhỏ dừng xuồng rồi nhảy xuống nước. Ông vừa lội bộ vừa kéo xuồng đi chầm chậm đến mấy cái lú rồi cẩn thận gỡ.

“Cá tôm cũng nhiều đấy”, ông vui mừng nói khi thấy “chiến lợi phẩm” đầu tiên.

Ông Năm Nhỏ bảo nghề này nó vậy, gỡ lú lên có cá tôm là mừng lắm. Rồi nhìn vào số tôm cá vừa bắt được ông Năm Nhỏ nói: “Đây mới là sự khởi đầu cho công việc mưu sinh mùa nước nổi”.

Là người có kinh nghiệm trong đặt lú bắt cá, ông Năm Nhỏ nhận định, mấy năm nay mưa nước về thấp và trễ hơn mọi năm nên cá đồng sẽ ít hơn so với những năm trước đây. Tuy nhiên, thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

“Dự đoán là cá năm nay sẽ ít nhưng tôi đặt lú cũng thấy nhiều cá hơn năm ngoái, chỉ có tép là năm nay ít thôi. Việc đặt lú cũng đơn giản, chiều đặt rồi sáng hôm sau đi giở. Nói chung thu nhập từ công việc này cũng đỡ hơn việc đi làm thuê cho người ta”, ông Năm Nhỏ cho biết.

Cũng theo ông Năm Nhỏ, nghề đặt lú bắt cá đồng thường chỉ kéo dài khoảng 1 tháng. Khi những cánh đồng được xới đất xong thì việc đặt lú bắt cá đồng không còn hiệu quả nữa. Khi đó, bà con nông dân trở lại với nghề nông, làm đất, vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị đất xuống giống vụ lúa mới.

Một cánh đồng ở tỉnh An Giang được người dân đặt ngư cụ để đánh bắt cá - Ảnh: A.D

Một cánh đồng ở tỉnh An Giang được người dân đặt ngư cụ để đánh bắt cá - Ảnh: A.D

Tương tự, ông Trần Văn Ba (ngụ xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) lại thả lưới để bắt cá.

Vừa cầm 20 tay lưới về nhà cũng là lúc trời đã sáng, ông Khánh và vợ tranh thủ gỡ cá để kịp phiên chợ sáng.

Ông Ba chia sẻ: “Hơn 1 tuần nay, tôi giăng lưới thấy lượng cá nhiều hơn mọi năm. Nước vào đồng mà lượng cá thế này thì phấn khởi lắm. Mấy ngày nay, tôi thu về hơn chục ký cá các loại, ngày nào ít thì cũng 5 - 10kg. Bán cho thương lái, mỗi ngày cũng kiếm được 400.000 đồng. Mong vài ngày tới nước lên nhiều và cá cũng về nhiều để những người hành nghề “bà cậu” được bội thu”.

Trong khi đó, một ngư dân bắt cá trên cánh đồng biên giới huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) bằng hình thức kéo côn, dùng những thanh sắt cột vào những cây tre dài. Khi xuống nước những thanh kim loại phát ra tiếng động khiến cá sợ chui xuống bùn. Phát hiện những vùng nước đục, sôi bọt khí, người dân chỉ việc mang nơm tiến lại bắt cá.

Mong chờ mùa nước nổi

Trở lại ấp Bắc Đai (xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cách biên giới Campuchia chưa đầy 1km, tôi ghé vào một vựa thu mua cua, ốc vào sáng 22.8.

Một vựa thu mua cá, tôm, cua tại ấp Bắc Đai (xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) - Ảnh: Tô Văn

Một vựa thu mua cá, tôm, cua tại ấp Bắc Đai (xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) - Ảnh: Tô Văn

Ngư dân An Giang, Đồng Tháp săn cá đặc sản vừa ngon, vừa hiếm được dân thành phố ‘săn lùng’ - Clip: Tô Văn

Tại đây, hàng chục công nhân khuân vác, phân loại, đóng thùng... và nói chuyện rôm rả, tạo nên không khí nhộn nhịp. Dưới sông, các vỏ lãi chở cua, ốc thu mua của người dân đánh bắt ngoài đồng và từ Campuchia chở sang đậu san sát chờ đưa lên bờ.

Chị Trần Thị Hương (ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) "khoe chiến lợi phẩm" sau một đêm giăng lưới ngoài đồng. Với cá linh, cá mè vinh, cá rô..., chị bán cho thương lái với giá từ 50.000 đến 100.000 đồng mỗi kg. Trung bình, mỗi ngày vợ chồng người phụ nữ vùng biên này kiếm được hơn 600.000 đồng.

Trong khi đó, ông Trần Văn Bé (ngụ xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết, mỗi ngày, ông bắt được khoảng 10 kg ốc đắng (ốc quắn) và bán với giá 15.000 đồng mỗi kg. “Mùa nước nổi ốc mập, ăn ngon lắm”, ông nói.

Cũng theo ông Bé, ngoài việc bắt ốc, ông còn chuẩn bị hơn chục lợp tôm (một loại ngư cụ bắt tôm) để ra cánh đồng (huyện An Phú, tỉnh An Giang) đánh bắt. Mồi dụ tôm chui vào lợp là cơm dừa.

Sau một ngày đêm đặt lợp tôm trên đồng ông sẽ đi thăm, thu chiến lợi phẩm và tìm chỗ mới để đặt lợp. “Nghề này chỉ giúp tôi sống mấy tháng mùa nước, chứ không dư dả gì đâu. Hiện, tôi chỉ mong chờ mùa lũ đẹp để có nhiều tôm cá”, ông Bé nói.

Người dân, thương lái mua cua, tôm ở huyện An Phú, tỉnh An Giang - Ảnh: Tô Văn

Người dân, thương lái mua cua, tôm ở huyện An Phú, tỉnh An Giang - Ảnh: Tô Văn

Tại chợ Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang), vào khoảng 11 giờ đến 14 giờ mỗi ngày đều nhộn nhịp cảnh mua bán cá, tôm. Thời điểm này, người dân từ Campuchia chạy vỏ lãi chở tôm cá, cua, ốc... sang bán. Người dân địa phương đánh bắt trên đồng cũng mang đến vựa để bán. Sau đó, chủ vựa phân phối cho bạn hàng chở đi các chợ trong và ngoài địa bàn tỉnh tiêu thụ.

Ông Trần Văn Trung (48 tuổi, chủ vựa thu mua ốc, cá tôm) cho biết, trung bình mỗi ngày ông thu mua khoảng 50 tấn cua, ốc của người dân, trong đó chủ yếu từ Campuchia sang. Sau đó, vựa ông bán lại các mối ở Hà Nội, TP.HCM. Hiện, ốc lác, ốc bươu giá 30.000 đồng/kg; cua đồng giá 15.000 đồng/kg.

“Mùa lũ ở ĐBSCL không như những nơi khác, là lũ hiền hòa mang theo tôm cá, sản vật dồi dào, giúp một bộ phận dân nghèo chuyên sống bằng nghề đánh bắt trong mùa lũ có thêm sinh kế, thu nhập”, một cán bộ UBND xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang nói.

Cá linh non - đặc sản người dân thành phố “săn lùng”

Cá linh non là một trong những đặc sản không thể bỏ qua của tỉnh An Giang, Đồng Tháp vào mùa nước nổi. Bắt đầu từ khoảng Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, nước lũ từ thượng nguồn sông Me Kông ở Campuchia đổ qua An Giang, Đồng Tháp, men theo kênh rạch, lấn ra sông Cửu Long rồi đưa thẳng ra biển.

Cá linh non được ngư dân đánh bắt - Ảnh: C.H

Cá linh non được ngư dân đánh bắt - Ảnh: C.H

Thời điểm nước về cũng là lúc thiên nhiên hào phóng gửi tặng người dân nơi đây nhiều sản vật. Trong số đó, cá linh non là đặc sản được đặc biệt trông chờ nhất.

Cá linh đầu mùa được xem là ngon, ngọt thịt nhất, chỉ bé như đầu đũa nên người dân gọi là cá linh non hay cá linh sữa. Cá chưa lớn nên xương mềm, bụng có mỡ béo ngậy. Ngày trước, cá linh nhiều đến nỗi chỉ cần dùng vợt lớn xúc ngược dòng nước cũng đủ cho bữa ăn hàng ngày.

Cá linh đầu mùa nước nổi với chất thịt ngọt, mềm, vì vậy, những món ngon từ cá linh đậm đà, béo ngậy sẽ khiến bất kỳ ai một lần ăn cũng phải nhớ mãi.

Thời điểm này, cá linh non được người dân thành phố " săn lùng" - Ảnh: Tô Văn

Thời điểm này, cá linh non được người dân thành phố " săn lùng" - Ảnh: Tô Văn

Ông Nguyễn Văn Đượm (ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Nếu con nước càng dâng cao, cá linh non sẽ về càng nhiều. Cá linh non được chế biến nấu canh chua, tẩm bột chiên giòn, kho mắm, kho lạc và được ăn kèm cùng các loại rau đồng mùa nước nổi như bông súng, bông điên điển, rau muống càng tạo thêm hương vị đặc trưng của món ăn, mang nét dân dã đậm đà mùa nước nổi của người dân vùng đầu nguồn.

Ngoài cá linh non thì các loại cá mùa nước nổi khác như cá kết, cá leo, cá chốt, cá lăng, cá dảnh, cá mè Vinh, tôm càng xanh cũng đã về đồng nhiều hơn”, ông Đượm nói.

Cũng theo ông Đượm, ngày nay, số lượng cá linh non tuy không còn dồi dào như trước, nhưng cứ đến mùa nước nổi, người dân vẫn háo hức và nhớ về một đặc sản của tỉnh An Giang, Đồng Tháp.

Một tiểu thương bán cá linh non tại chợ Mỹ Phước, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang - Ảnh: Tô Văn

Một tiểu thương bán cá linh non tại chợ Mỹ Phước, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang - Ảnh: Tô Văn

Qua tìm hiểu thực tế của phóng viên tại chợ Mỹ Bình (phường Mỹ Bình); chợ Mỹ Long (phường Mỹ Long); chợ Mỹ Phước (phường Mỹ Phước, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) hiện đã bán cá linh non, nhưng số lượng chỉ vài kilogam mỗi ngày.

“Cá linh non năm nay xuất hiện muộn hơn năm ngoái nên đến thời điểm này cá chỉ bằng đầu đũa ăn cơm. Mỗi ngày, thương lái giao cho các chợ, mỗi người chỉ được chừng 3 kg. Cá linh non ở đây tui bán 300.000 đồng/kg cá đã móc hầu, lấy ruột”, chị Linh tiểu thương bán cá ở chợ Mỹ Bình cho biết.

Không chỉ tại chợ, mà nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP.Long Xuyên cũng đưa món cá linh non vào tốp đầu của thực đơn. “Thời điểm này, người dân thành phố rất thích ăn cá linh non đầu mùa nên số lượng tiêu thụ rất cao. Để phục vụ nhu cầu thực khách, chúng tôi chỉ lấy cá linh có nguồn gốc tự nhiên của những thương lái tin cậy”, quản lý một nhà hàng L.T (phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên) nói.

Tô Văn

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/san-vat-mua-nuoc-noi-o-mien-tay-222995.html