Sản xuất nông, lâm nghiệp 4 tháng đầu năm 2025 khởi sắc về sản lượng và giá trị

Trong 4 tháng đầu năm 2025, ngành nông, lâm nghiệp Việt Nam đã ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan từ sản xuất đến xuất khẩu. Dù đối mặt với không ít thách thức về chi phí đầu vào và thị trường tiêu thụ, ngành nông, lâm, thủy sản vẫn đang khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế nhờ những kết quả tăng trưởng tích cực.

Các địa phương phía Nam gieo cấy 1.916 nghìn ha, tăng 23,6 nghìn ha so với vụ đông xuân 2024 nhờ thời tiết thuận lợi.

Các địa phương phía Nam gieo cấy 1.916 nghìn ha, tăng 23,6 nghìn ha so với vụ đông xuân 2024 nhờ thời tiết thuận lợi.

Sản xuất nông nghiệp ổn định

Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025, hầu hết các địa phương đều trải qua điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Cụ thể, trồng trọt tiếp tục giữ vai trò trụ cột. Tính đến cuối tháng 4, cả nước đã gieo cấy được khoảng 3,76 triệu ha lúa, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Dù diện tích thu hoạch giảm 3,4%, năng suất tăng 1,2% đã giúp tổng sản lượng lúa chỉ giảm 2,2%, đạt khoảng 14,04 triệu tấn.

Tại các tỉnh phía Bắc, nông dân tập trung chăm sóc lúa và hoa màu vụ Đông Xuân, trong khi phía Nam đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa Đông Xuân và chuẩn bị cho vụ Hè Thu. Với cây rau màu, nhờ thời tiết thuận lợi, diện tích gieo trồng rau đậu tăng 1,7%. Ngược lại, các cây như ngô, khoai lang, đậu tương, lạc giảm diện tích do hiệu quả kinh tế không cao, người dân chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn.

Chăn nuôi cũng cho thấy tín hiệu tích cực, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Đàn lợn tăng 3% so với cùng kỳ, nhờ nhu cầu tiêu dùng trong các kỳ nghỉ lễ và sự kiểm soát hiệu quả dịch tả lợn châu Phi. Đàn gia cầm tăng 3,5%, nhờ các doanh nghiệp và trang trại chủ động mở rộng quy mô. Tuy nhiên, tổng số lượng trâu tiếp tục giảm mạnh 3,3%, do hiệu quả kinh tế thấp và diện tích chăn thả tự nhiên thu hẹp. Đàn bò cũng giảm nhẹ 0,7%, đạt khoảng 6,31 triệu con.

Dịch bệnh trong tháng 4 nhìn chung được kiểm soát tốt. Cả nước không ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, hay tai xanh chưa qua 21 ngày. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi vẫn còn tồn tại ở 7 tỉnh, với hơn 5.700 con bị tiêu hủy. Viêm da nổi cục xuất hiện tại Quảng Ngãi, với 4 ổ dịch chưa qua 21 ngày.

Về lâm nghiệp, ghi nhận sự tăng trưởng khởi sắc hơn. Trong 4 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 73,6 nghìn ha, tăng 7,9% so với cùng kỳ 2024. Trong đó, diện tích trồng mới rừng sản xuất đạt 73 nghìn ha, tăng 8,5%. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 31,5 triệu cây, tăng 3,7%. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 5,95 triệu m3, tăng 12,4%.

Đối với thủy sản tiếp tục duy trì đà phục hồi, tổng sản lượng đạt gần 2,9 triệu tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng cá đạt 2,1 triệu tấn, tăng 2,8%. Tôm đạt 327,6 nghìn tấn, tăng 4,9%. Thủy sản khác đạt 425,1 nghìn tấn, tăng 1,6%.

Theo báo cáo 4 tháng đầu năm 2025 của Cục chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,09 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo 4 tháng đầu năm 2025 của Cục chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,09 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu, nhập khẩu khởi sắc

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt 21,15 tỷ USD, tăng mạnh 10,7% so với cùng kỳ năm 2024. Các nhóm hàng xuất khẩu chính đều ghi nhận tăng trưởng. Trong đó, nông sản trồng trọt ước đạt 11,6 tỷ USD, tăng 11,7%. Thủy sản ước đạt 3,08 tỷ USD, tăng 13,7%. Lâm sản ước đạt 5,56 tỷ USD, tăng 6%. Chăn nuôi ước đạt 178,3 triệu USD, tăng 16,8%. Sản phẩm đầu vào sản xuất tăng 20%, ước đạt 722,5 triệu USD.

Về thị trường xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ, Châu Mỹ ước đạt 4 tỷ USD, tăng 13,5%. Châu Phi đạt 403 triệu USD, tăng 87,9%. Dân đầu vẫn là thị trường Châu Á đạt 4,74 tỷ USD, tăng 12,5%. Châu Âu đạt 665 triệu USD, tăng 11%. Thấp nhất là Châu Đại Dương đạt 556 triệu USD, giảm 1,8%.

Xét theo mặt hàng, gỗ và sản phẩm gỗ là nhóm có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong 4 tháng đầu năm với 5,8 tỷ USD, tăng 5,8%. Cà phê gây ấn tượng với mức tăng vọt 51,1%, đạt 3,78 tỷ USD. Trong khi đó, gạo và rau quả lại giảm hơn 14% so với cùng kỳ.

Nhóm mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ có giá trị xuất khẩu lớn đạt 5,8 tỷ USD.

Nhóm mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ có giá trị xuất khẩu lớn đạt 5,8 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu NLTS trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt khoảng 15,97 tỷ USD, tăng ở hầu hết các nhóm hàng. Trong đó, sản phẩm chăn nuôi tăng mạnh nhất với 27,8%, đạt 1,39 tỷ USD. Thủy sản nhập khẩu tăng 29%, đạt 1,02 tỷ USD. Lâm sản tăng 20,2%, đạt 943 triệu USD. Đầu vào sản xuất nhập khẩu chỉ tăng nhẹ 0,3% ước đạt 2,44 tỷ USD.

Bức tranh toàn cảnh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2025.

Bức tranh toàn cảnh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2025.

Nhìn chung tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trong 4 tháng đạt 37,12 tỷ USD, với thặng dư ước đạt 5,18 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, nhóm lâm sản tiếp tục là lực đẩy chính của cán cân thương mại với mức xuất siêu 4,62 tỷ USD. Ngược lại, nhóm sản phẩm đầu vào sản xuất thâm hụt lớn nhất, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu với mức thâm hụt 1,13 tỷ USD.

Kết quả trong 4 tháng đầu năm cho thấy, ngành nông nghiệp Việt Nam đang có bước khởi đầu tích cực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và giữ vững cán cân thương mại. Tuy nhiên, để tăng trưởng bền vững, cần tiếp tục tháo gỡ rào cản kỹ thuật tại các thị trường khó tính, thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất và chuỗi cung ứng, đồng thời đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

Bài, ảnh: Lưu Niệm/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/san-xuat-nong-lam-nghiep-4-thang-dau-nam-2025-khoi-sac-ve-san-luong-va-gia-tri-20250507161239762.htm