Sản xuất, xuất khẩu hối hả ngay từ đầu năm

Hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa tăng tốc ngay từ những ngày đầu năm mới 2025, nhằm nắm bắt thời cơ từ các thị trường lớn, hướng tới mục tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp 9 - 10%, tăng trưởng xuất khẩu 12% trong năm nay.

Dồn lực cho sản xuất

Về đích với kỷ lục vượt 405 tỷ USD trong năm 2024, bước sang năm 2025, xuất khẩu tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của Việt Nam. Bộ Công thương dự báo, lạm phát ở nhiều thị trường giảm, các hiệp định thương mại tự do (FTA) phát huy tác dụng sẽ giúp Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu và duy trì xuất siêu năm thứ 10 liên tiếp.

Ngay từ tuần đầu năm 2025 và đặc biệt là những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, tại các doanh nghiệp xuất khẩu, hoạt động sản xuất đang rất hối hả để kịp giao các đơn hàng đã ký.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng đến giữa năm. Để kịp tiến độ giao hàng, các nhà máy đang gấp rút sản xuất. Toàn ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 48 - 49 tỷ USD trong năm nay, cao hơn năm ngoái 4 - 5 tỷ USD. Các doanh nghiệp đều có kế hoạch để chủ động với các kịch bản thị trường, nhất là với sự thay đổi về tiêu chuẩn của nhà mua hàng, nhãn hàng, đảm bảo chất lượng, điều phối sản xuất để không làm tăng chi phí.

Với chế biến nông sản, nhìn thấy cơ hội thị trường còn lớn, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch đầu tư mở rộng năng lực sản xuất.

Đơn cử, Công ty GC Food chủ động tăng công suất lên gấp đôi để đón bắt nhu cầu của thị trường. Ông Nguyễn Văn Thứ, Giám đốc Công ty GC Food cho biết, việc nâng công suất không chỉ diễn ra trong năm nay, mà còn kéo dài sang những năm tiếp theo (mỗi năm tăng khoảng 30%) nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, gia tăng doanh số.

Sau khi đạt kim ngạch xuất khẩu 16,25 tỷ USD trong năm 2024 (tăng 20,3% so với năm 2023), năm nay, ngành gỗ và lâm sản được giao nhiệm vụ xuất khẩu đạt kim ngạch trên 18 tỷ USD. Theo đó, công tác xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ngoài ra, việc thúc đẩy yếu tố xanh cũng sẽ tác động lớn đến xu hướng xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

Về triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2025, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) nhấn mạnh, xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2025 phụ thuộc nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.

Khai thác FTA - “bệ phóng” xuất khẩu

Xuất khẩu năm 2025 ngắm mốc tăng trưởng 12% so với năm 2024, đồng nghĩa mỗi tháng, kim nggạch xuất khẩu phải tăng tương ứng trên 4 tỷ USD. Đây là con số không hề nhỏ. Để đạt mục tiêu này, tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thị trường xuất nhập khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.

Bộ Công thương được Chính phủ giao nhiệm vụ hỗ trợ các ngành hàng, doanh nghiệp khai thác hiệu quả 17 FTA đã ký, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, chủ lực; tăng cường khai thác các thị trường mới, tiềm năng, như thị trường Trung Đông, Halal (các nước Hồi giáo), Mỹ La-tinh, châu Phi; phấn đấu thặng dư thương mại bền vững.

Cùng với đó, đảm bảo tiến độ đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), phiên bản 3.0; đàm phán FTA

giữa ASEAN và Canada (ACAFTA), FTA giữa Việt Nam và khối EFTA, khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt trong nước để hiệp định có hiệu lực; tranh thủ hiệu quả mạng lưới FTA đã ký kết, thúc đẩy đàm phán ký kết FTA trong các khung khổ hợp tác mới, nghiên cứu khả năng tham gia các sáng kiến liên kết kinh tế mới.

Năm 2024, hội nhập kinh tế tiếp tục được thúc đẩy cả về phạm vi và mức độ thực chất, qua đó góp phần giúp xuất nhập khẩu đạt mức tăng trưởng kỷ lục. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước vượt 786 tỷ USD, trong đó xuất khẩu lần đầu tiên vượt ngưỡng 400 tỷ USD, nhập khẩu 380,7 tỷ USD, xuất siêu 24,7 tỷ USD (xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp).

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) chia sẻ, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng hội nhập toàn cầu. Đặc biệt, giai đoạn vừa qua, khi chuỗi cung ứng của thế giới thay đổi, doanh nghiệp Việt đã kịp thời nắm bắt được các xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…

Bên cạnh đó, các FTA mà Việt Nam ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã và đang phát huy hiệu quả trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm thiểu rào cản thuế quan. Các FTA không chỉ giúp thúc đẩy xuất khẩu, mà còn tạo cơ hội cho Việt Nam gia tăng nhập khẩu công nghệ và thiết bị sản xuất hiện đại từ các quốc gia đối tác.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/san-xuat-xuat-khau-hoi-ha-ngay-tu-dau-nam-d241770.html