Sắp diễn ra Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển-nhìn từ Quảng Ninh
Từ ngày 31/3 đến 1/4/2024, tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức 'Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển-nhìn từ Quảng Ninh'. Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chiều 25/3 tại Hà Nội.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành một số chính sách, chương trình khuyến khích, thúc đẩy nuôi biển. Nhờ vậy, ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi, lồng bè, vật liệu mới), công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…
Hiện nay, nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển, nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương.
Để cụ thể hóa chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8-1 tỷ USD. Đến 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8-2 tỷ USD.
Định hướng phát triển ngành nuôi biển của nước ta thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại.
Phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới. Tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững...
Tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển nuôi biển của nước ta là có. Nhưng muốn bay xa, muốn tạo nên một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn cần phải được tháo gỡ, đặc biệt là về công nghệ và cơ chế chính sách trong cấp phép giao mặt biển.
Do đó, “Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển-nhìn từ Quảng Ninh” được tổ chức với mục đích thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 1664 về nuôi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Nhận diện tình hình nuôi biển trên thế giới và trong nước hiện nay; Triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi biển và các thủ tục đánh giá tác động môi trường, tháo gỡ khó khăn trong cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam khẳng định: Đây là một trong những hội nghị quy mô và tầm cỡ nhất về nuôi biển từ trước tới nay tại Việt Nam, khi dự kiến thu hút khoảng trên 350 đại biểu tham dự trực tiếp và nhiều đại biểu trong, ngoài nước dự trực tuyến qua nền tảng Zoom hoặc theo dõi truyền hình trực tiếp qua các nền tảng điện tử của Báo Nông nghiệp Việt Nam: Nongnghiep.vn.
Hội nghị đón nhận sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi biển; ngoài ra còn có sự hiện diện của đông đảo chuyên gia, viện nghiên cứu, đại sứ, tham tán, các tập đoàn lớn đến từ các quốc gia có công nghệ nuôi biển hàng đầu thế giới hiện nay như: Hoa Kỳ, Australia, Na Uy, Hà Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…; các tổ chức quốc tế quan tâm nuôi biển của Việt Nam như: Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), doanh nghiệp quốc tế, hội doanh nhân Việt Kiều…
Hội nghị được kỳ vọng sẽ trở thành sự kiện thường niên, cầu nối thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư vào nuôi biển, đầu tư hệ thống hạ tầng logistics phục vụ nuôi biển công nghiệp trong thời gian tới.
"Với thông điệp Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát động: “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh thế hệ mai sau”, ban tổ chức mong muốn các cơ quan báo chí, truyền thông, những người bạn đồng nghiệp cùng lan tỏa ý nghĩa của hội nghị, qua đó khẳng định cam kết, vai trò của Việt Nam với quốc tế trong việc bảo tồn, gìn giữ, cân bằng hệ sinh thái biển trong quá trình phát triển kinh tế, bảo đảm hài hòa sinh kế của người dân, ông Thạch chia sẻ.
Tại hội nghị cũng sẽ trưng bày, giới thiệu những thành tựu công nghệ, thiết bị nuôi biển, những sản phẩm OCOP và sản phẩm thủy sản của tỉnh Quảng Ninh.
Cụ thể, hội nghị sẽ có một số hoạt động chính cụ thể như sau:
Sáng 31/3: Khảo sát khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần, Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể Vân Đồn.
Chiều 31/3: Tham quan, chia sẻ kinh nghiệm mô hình nuôi biển và Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Ngày 1/4: Từ 7 giờ 15 phút - 11 giờ 30 phút: “Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - nhìn từ Quảng Ninh”.