Sau 19 năm, Hà Giang xuất hiện bệnh bạch hầu, 1 người tử vong
Từ năm 2004, tỉnh Hà Giang chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, ca tử vong tại huyện Mèo Vạc do bệnh bạch hầu mới đây là hồi chuông cảnh báo, nếu không triệt để phòng chống, dịch bệnh nguy hiểm này sẽ quay trở lại.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Giang, trên địa bàn có 2 huyện có bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu là Mèo Vạc và Yên Minh. Các ca bệnh nghi ngờ xuất hiện tản phát tại các xã của huyện Mèo Vạc, sau đó xuất hiện tại Đồng Văn, Yên Minh, và TP Hà Giang.
"Diễn biến tình hình dịch bệnh tương đối phức tạp, nguy cơ có thể lan rộng trong thời gian tới", ông Nguyễn Văn Giao, Quyền Giám đốc Sở Y tế Hà Giang nhận định.
Được biết, tổng số người được theo dõi, nghi mắc bệnh bạch hầu là 65 người. Số ca nghi ngờ lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là 61, trong đó có 7 ca dương tính với bệnh bạch hầu.
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cử đoàn công tác đến huyện Mèo Vạc phối hợp tổ chức tập huấn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho thầy thuốc y tế huyện.
Sở Y tế Hà Giang đã tập huấn cho y tế toàn tỉnh về phòng, chống dịch và lấy mẫu xét nghiệm soi tươi.
Sau khi ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Giang cử đoàn công tác lên huyện Mèo Vạc điều tra và chống dịch. Đoàn đã lập danh sách các ca nghi ngờ đối với những trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh.
Cùng với đó, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế xã Khâu Vai tiến hành điều trị dự phòng bệnh bạch hầu cho những người có liên quan, tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khu vực quanh nhà người bệnh và các hộ gia đình liền kề.
Sau khi điều tra thực tế tại thôn Khâu Vai, nơi có bệnh nhân tử vong, CDC Hà Giang yêu cầu Trung tâm y tế huyện và các Trạm Y tế xã tổ chức rà soát đối tượng để xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch nhằm ngăn chặn, khống chế không để dịch bệnh bùng phát tại địa phương; đẩy mạnh tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng bạch hầu cho trẻ từ 2, 3, 4 tháng tuổi và nhắc lại lần 01 vào lúc 18 tháng tuổi.
Trẻ 7 tuổi tiêm vaccine Td phòng bạch hầu ở tất cả các xã, thị trấn để đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt trên 95%. Tiến hành rà soát lại một số xã, thôn bản có tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp lập danh sách để triển khai tiêm vét cho trẻ tiêm sót.
Cấp thuốc điều trị dự phòng (Erythromycin hoặc BenZathin penicilin) cho tất cả các đối tượng có nguy cơ trong gia đình có bệnh nhân và các hộ gia đình xung quanh, những người tiếp xúc gần bệnh nhân hoặc người có nguy cơ mắc bệnh.
Tổ chức xử lý môi trường; hướng dẫn vệ sinh môi trường, cá nhân, đồ dùng cá nhân, khử trùng tiêu độc bằng hóa chất cloramin B. Tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông về bệnh bạch hầu.
Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc, Hà Giang cũng đã thành lập 3 tổ lưu động, chỉ đạo các xã điều tra, giám sát, lập danh sách các ca bệnh nghi ngờ, có tiếp xúc với bệnh nhân, xử lý môi trường, truyền thông trực tiếp cho người, phát qua loa đài về các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu.
Tổ chức cấp phát thuốc điều trị dự phòng, tuyên truyền người dân tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
Thống kê danh sách trẻ từ 1 đến dưới 2 tuổi, trẻ từ 2 đến dưới 5 tuổi và từ 5 đến 20 tuổi lập kế hoạch để tiến hành tiêm vaccine SII phòng bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib), vaccine Td phòng bệnh (uốn ván- bạch hầu) cho tất cả các đối tượng trên.
Nâng cao nhận thức người dân, chủ động phòng chống bệnh bạch hầu
CDC tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Trung tâm Y tế, BVĐK huyện tiến hành điều tra xác minh ca bệnh, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh như: Phun khử trùng, tiêu độc; rà soát theo dõi người có tiếp xúc gần với người mắc bệnh, lấy mẫu xét nghiệm; tuyên truyền vận động các hộ dân sống gần với gia đình người mắc bệnh bạch hầu hạn chế di chuyển, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân.
Theo ông Nguyễn Văn Giao, Quyền Giám đốc Sở Y tế Hà Giang, khó khăn trong phòng chống bệnh bạch hầu tại địa phương hiện nay là nhận thức của người dân về bệnh bạch hầu rất hạn chế.
Thiếu sự hợp tác từ người bệnh, gia đình với nhân viên y tế. Do vậy, chính quyền xã, thôn, bản tại các địa bàn đang có bệnh nhân phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân. " Đơn giản như giặt quần áo xong phải phơi ngoài nắng để diệt mầm bệnh hay khi phát hiện người ốm, sốt, đau họng… phải đưa ngay đến trạm y tế xã và chuyển đi bệnh viện…", ông Giao khuyến nghị.
Đối với các cơ sở giáo dục – đào tạo, tổ chức tốt việc theo dõi sức khỏe học sinh, đảm bảo việc vệ sinh, thông thoáng lớp học, thông báo cho cơ sở y tế khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kip thời không để lây lan thành dịch.