Sau 20 năm, nỗi ám ảnh của cuộc chiến Iraq vẫn còn tồn tại

Mỹ đã tấn công Iraq 20 năm trước. Lý do cho cuộc chiến là một sự tranh cãi, và hậu quả vẫn còn cho đến ngày nay.

Việc giết chóc vẫn tiếp tục sau hai thập kỷ. Chỉ riêng trong tháng 2, ít nhất 52 thường dân đã chết ở Iraq trong các vụ xả súng, đánh bom hoặc các cuộc tấn công khác. Bạo lực là dư âm của cuộc chiến ở Iraq, mà Mỹ đã phát động trong ngày 19 - 20/3/2003.

 Người dân Iraq. Ảnh: DW

Người dân Iraq. Ảnh: DW

Trong vòng ba tuần, Saddam Hussein và chế độ độc tài đã biến mất. Ba tuần sau đó, vào ngày 1/5, Tổng thống George W. Bush hân hoan tuyên bố "nhiệm vụ đã hoàn thành" từ boong tàu sân bay USS Abraham Lincoln.

Đến thời điểm đó, Mỹ và các đồng minh đã thả 29.166 quả bom và tên lửa vào Iraq, theo dữ liệu từ Lầu Năm Góc. Phần lớn cơ sở hạ tầng của Iraq nằm trong đống đổ nát. Hơn 7.000 thường dân đã thiệt mạng, theo Iraq Body Count, một tổ chức phi chính phủ của Anh.

Đó là sự kết thúc của các hoạt động chiến đấu lớn, nhưng là sự khởi đầu của một dư vị chết chóc. Tổng cộng, ít nhất 200.000 người đã chết tại Iraq trong 20 năm qua. Năm 2006, tạp chí y khoa Lancet đưa ra con số 650.000 người đã thiệt mạng tại Iraq.

Quân đội Mỹ rời đi vào năm 2011, nhưng quay trở lại sau đó để chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS).

Thắng trận, mất hòa bình

Ông Dan Smith, giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), nói rằng chủ nghĩa phiêu lưu quân sự là "một trong những biểu hiện kiêu ngạo cuối cùng của niềm tin phương Tây rằng họ có thể định hình lại một quốc gia và một trật tự khu vực cho phù hợp với sở thích của họ".

Biến Iraq thành một nền dân chủ kiểu phương Tây tỏ ra khó hơn so với đề xuất ban đầu của các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Xã hội Iraq rất chắp vá, phức tạp về sắc tộc và tôn giáo. Một vụ đánh bom xe vào khu phức hợp của Liên hợp quốc ở Baghdad vào ngày 19/8/2003, giết chết 22 người, đánh dấu điểm khởi đầu của một cuộc nổi dậy tàn khốc và chết chóc.

Ông Javier Solana, cựu Tổng thư ký NATO, đã viết trong một bài bình luận vào năm 2018 rằng: “Nếu sứ mệnh là giải phóng Iraq khỏi khủng bố, tái thiết đất nước và tăng cường an ninh ở mọi cấp độ, thì đó là một thất bại tuyệt đối”.

Vi phạm luật pháp quốc tế

Ông Kai Ambos, một chuyên gia pháp lý tại Đại học Georg-August- ở thành phố Göttingen, miền Trung nước Đức, nói rằng cuộc chiến ở Iraq là "việc sử dụng vũ lực trái với luật pháp quốc tế và vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc".

"Cuộc xâm lược Iraq không dựa trên nghị quyết của Liên hợp quốc", ông nói. Tổng thư ký Liên hợp quốc khi đó, Kofi Annan, đã gọi cuộc chiến ở Iraq là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.

Đức từ chối tham chiến. Tuy nhiên, Đức đã hỗ trợ cuộc tấn công bằng cách trao quyền bay qua, bảo vệ các căn cứ quân sự của Mỹ trên đất Đức, đồng thời cung cấp thông tin tình báo và đóng góp tài chính. Do đó, theo quan điểm của ông Ambos, Berlin đã "hỗ trợ và tiếp tay cho một hành động trái với luật pháp quốc tế".

Vào thời điểm xảy ra cuộc chiến, ông Jürgen Habermas, một triết gia hàng đầu của Đức, đã viết trên tờ nhật báo quốc gia FAZ, rằng việc Mỹ quyết định vi phạm luật pháp quốc tế bằng cách tiến hành chiến tranh sẽ là "một ví dụ tai hại" để các cường quốc khác noi theo.

Tra tấn và tội ác chiến tranh

Danh tiếng toàn cầu của Mỹ càng xuống dốc hơn khi các tội ác chiến tranh và các hành vi tra tấn bị phơi bày ra ánh sáng. Đến đầu năm 2004, thế giới biết đến cái tên Abu Ghraib: một nhà tù khét tiếng dưới thời Saddam Hussein. Những bức ảnh xuất hiện cho thấy quân đội Mỹ đang tra tấn các tù nhân ở đó.

Cũng có những vụ bạo lực chống lại thường dân. Thủy quân lục chiến Mỹ đã bắn chết 24 người không vũ trang vào năm 2005 tại Haditha, một thành phố ở miền Trung Tây Iraq. Tại Baghdad năm 2007, nhân viên của nhà thầu an ninh tư nhân Mỹ, Blackwater, đã nổ súng vào một đám đông, giết chết 17 người. Wikileaks đã công bố đoạn video trực thăng tấn công của Mỹ bắn vào dân thường, khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có một nhà báo của Reuters.

Lý do cho chiến tranh

Hai lý do Mỹ đưa ra để biện minh cho cuộc chiến đều là không chính xác. Không có vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) nào được tìm thấy sau cuộc tấn công, và Iraq không đóng vai trò gì trong vụ tấn công 11/9. Saddam Hussein cũng không có mối liên hệ nào với Osama bin Laden hoặc nhóm khủng bố al Qaeda. Thông tin tình báo được sử dụng để đưa ra những tuyên bố này là sai hoặc phóng đại.

"Tại thời điểm đó, họ đã quyết định sẽ hành động trước và đưa ra lý do biện minh sau", ông Stephen Walt, giáo sư tại Trường Kennedy của Harvard giải thích. "Tình báo không dẫn tới các quyết định. Họ đang thao túng các thông tin tình báo để biện minh cho những gì họ làm".

Vào ngày 5/2/2003, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Colin Powell đã đến Liên hợp quốc để trình bày "bằng chứng" về các chương trình WMD của Iraq, bao gồm cả nỗ lực sở hữu vũ khí hạt nhân.

Sau khi rời chính quyền ông Bush, ông Powell tiếp tục là một trong số ít các quan chức Mỹ hối tiếc về vai trò của mình trong việc khơi mào chiến tranh, gọi bài phát biểu của Liên hợp quốc đó là một "vết mờ" trong hồ sơ của ông.

Iraq từ lâu là mục tiêu của Mỹ

Thay đổi chế độ ở Iraq là một chính sách lâu dài của Mỹ, ít nhất là từ Đạo luật Giải phóng Iraq năm 1998. Chính quyền ông Bush đã nghĩ đến việc đối phó với chế độ ông Hussein khi ông này lên nắm quyền vài tháng trước vụ tấn công 11/9.

"Ông Saddam đại diện cho sự thách thức của Mỹ, chỉ đơn giản bằng cách sống sót sau Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư. Mỹ đã hy vọng rằng ông sẽ bị lật đổ, nhưng ông vẫn tại vị", ông Stephen Wertheim, một thành viên cao cấp tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói.

"Saddam Hussein là một trở ngại cho việc thực hiện quyền bá chủ của Mỹ ở Trung Đông", ông nói thêm. Wertheim cho biết, vụ tấn công 11/9 là cơ hội để chính quyền ông Bush "định hình phản ứng của công chúng và hướng sự chú ý tới Iraq".

Thời đại đó trùng với thời kỳ đỉnh cao quyền lực của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh, điều mà ông Walt của Harvard coi là mâu thuẫn với "trật tự thế giới dựa trên luật lệ" mà Mỹ ủng hộ.

Đối với chuyên gia pháp lý người Đức, ông Ambos, sự mâu thuẫn đó là lý do khiến nhiều quốc gia, như Brazil, Nam Phi và Ấn Độ, đang giữ khoảng cách với lời kêu gọi của Mỹ trong việc ủng hộ Ukraine. Bởi vậy, cuộc chiến tranh Iraq dù đã trôi qua sau 20 năm, nhưng nỗi ám ảnh và những hệ lụy của nó vẫn còn tồn tại sâu đậm cho đến ngày nay.

Hoàng Việt

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sau-20-nam-noi-am-anh-cua-cuoc-chien-iraq-van-con-ton-tai-post239939.html