Sau bước rời Nhà Trắng của ông John Bolton

Với việc nhân vật như Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton rời Nhà Trắng, một câu hỏi đang được đặt ra: Liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có đổi quan điểm, thi hành một chính sách hòa hoãn hơn với Iran giúp khai thông bế tắc hiện nay hay không?

Ông John Bolton. Ảnh: REUTERS

Ông John Bolton. Ảnh: REUTERS

Căng thẳng giữa Washington và Tehran không ngừng gia tăng từ khi ông Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 (tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) nhằm ngăn cản quốc gia Hồi giáo chế tạo vũ khí nguyên tử. Washington sau đó đã tái lập các biện pháp trừng phạt Tehran, trong khi Tổng thống Mỹ tỏ ra rất cứng rắn, khi tỏ ý muốn đối thoại với Tehran.

Về phần ông Bolton, ngay cả trước khi vào Nhà Trắng, ông đã công khai kêu gọi Mỹ mở các cuộc oanh tạc có tính chất ngăn ngừa vào những nơi được cho là cơ sở hạt nhân của Iran. Ông cũng chính thức ủng hộ phe đối lập Iran lưu vong - Tổ chức Mojahedin nhân dân (MEK, theo đuổi mục tiêu lật đổ chế độ ở Tehran). Đến tháng 9-2018, sau khi đã trở thành cố vấn an ninh quốc gia, ông Bolton tuyên bố việc duy trì lực lượng đặc nhiệm của Mỹ ở Syria để ngăn chặn các tham vọng khu vực của Iran. Nhưng 3 tháng sau đó, Tổng thống Donald Trump đã làm ngược lại, thông báo rút quân ngay lập tức khỏi Syria, dù sau đó đã giảm bớt phần nào tầm mức của cuộc triệt thoái.

Tổng thống Mỹ cũng bất đồng với vị cố vấn an ninh quốc gia về chủ trương thay đổi chế độ ở Tehran. Chủ nhân Nhà Trắng thường xuyên nêu lên khả năng “mặc cả” với ban lãnh đạo hiện nay của Iran. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Tổng thống Donald Trump vẫn sẵn sàng cho một cuộc gặp “không điều kiện tiên quyết” với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Để buộc Tehran chấp nhận đàm phán, Washington tiếp tục duy trì “áp lực tối đa”, qua việc thông báo những trừng phạt mới nhắm vào các tổ chức Iran và các đồng minh của Iran bị Mỹ liệt vào dạng “khủng bố”. Nhưng đối với Tehran, việc ông Bolton thôi chức là một bằng chứng cho thấy chiến lược “áp lực tối đa” đó đã thất bại. Ngày 11-9 vừa qua, một lần nữa, Tehran bác bỏ khả năng gặp gỡ giữa tổng thống 2 nước, nếu Washington không chịu bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đang làm khó nền kinh tế Iran.

Có thể nói, quan hệ Mỹ - Iran vẫn đang bế tắc, nhất là Tehran vừa qua thông báo đã cho khởi động các máy ly tâm để gia tăng dự trữ uranium được làm giàu, bất chấp những lời kêu gọi của các nước châu Âu, yêu cầu Iran đừng giảm hơn nữa các cam kết về hạt nhân. Sự ra đi của Cố vấn An ninh quốc gia Bolton có thể không ảnh hưởng gì đến chính sách của ông Donald Trump đối với Iran, vì Tổng thống Mỹ có thói quen hỏi ý kiến những người có quan điểm đối nghịch nhau, để rồi cuối cùng tự quyết định theo “trực giác” của ông. Một bài xã luận đăng trên tờ The Wall Street Journal cảnh báo: với việc ông Bolton rời khỏi Nhà Trắng, kể từ nay không còn ai có đủ khả năng ngăn Tổng thống Mỹ hành động theo những “trực giác” vô cùng khó đoán của ông. Trong khi đó, một số ý kiến khác bày tỏ hy vọng là do không còn nhân vật diều hâu nào đứng sau lưng, có thể Tổng thống Mỹ sẽ “mềm” hơn trong đối sách với Iran, có một cử chỉ nào đó để hé mở cánh cửa đối thoại với Tehran.

MINH CHÂU

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/sau-buoc-roi-nha-trang-cua-ong-john-bolton-616362.html