Tổng thống Putin lần đầu tiết lộ uy lực của tên lửa đạn đạo 'không có đối thủ' Oreshnik
Sau khi phương Tây cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa ATACMS, Storm Shadow/SCALP tấn công lãnh thổ Liên bang Nga, Moskva đã trả đũa bằng tên lửa đạn đạo Oreshnik mà ông Putin nói rằng có thể biến mọi thứ thành bụi.
Ngày 28/11, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã tiết lộ khả năng của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik, loại vũ khí mà Moskva đã sử dụng để tấn công mục tiêu quân sự ở thành phố Dnipro của Ukraine vào hôm 21/11.
Thông tin này được truyền thông Liên bang Nga đưa tin dựa trên bài phát biểu hôm 28/11 của ông Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), tổ chức ở thủ đô Astana của Kazakhstan.
Nhà lãnh đạo Liên bang Nga cho biết tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik có khả năng tấn công mục tiêu là những cơ sở kiên cố được gia cố và nằm sâu dưới lòng đất.
Theo ông Putin, việc triển khai hàng loạt loại tên lửa này trong một cuộc tấn công duy nhất sẽ tạo ra sức mạnh có thể so sánh với một cuộc tấn công hạt nhân.
Tổng thống Liên bang Nga nói: “Hãy để tôi nhắc lại một lần nữa cách tên lửa Oreshnik hoạt động, vì các bạn đã hỏi. Hàng chục đầu đạn tự dẫn, tấn công mục tiêu với tốc độ 10 Mach, tương đương khoảng 3 km/s. Nhiệt độ mà tên lửa tạo ra khi tấn công đạt đến 4.000 độ C. Nếu tôi nhớ không nhầm, nhiệt độ trên bề mặt Mặt Trời là khoảng 5.500 – 6.000 độ C. Vì vậy, mọi thứ nằm trong trung tâm vụ nổ (mà tên lửa Oreshnik tạo ra) bị chia nhỏ thành các phân tử cơ bản, về cơ bản là biến thành cát bụi”.
Xem video Tổng thống Liên bang Nga, ông Vladimir Putin tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ở thủ đô Astana của Kazakhstanhôm 28/11/2024 rằng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik có thể biến mọi thứ nằm trong trung tâm vụ nổ mà nó tạo ra biến thành cát bụi. Nguồn: Reuters
Trong vòng chưa đầy một tuần, đây là lần thứ hai ông Putin nhấn mạnh rằng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik có sức mạnh hủy diệt tương đương với vũ khí hạt nhân và có khả năng “hóa bụi” mọi thứ tại điểm bị nó tấn công.
Ông Putin cũng cho biết Bộ Tổng tham mưu và Bộ Quốc phòng Liên bang Nga hiện đang lựa chọn các mục tiêu ở Ukraine để tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo Oreshnik.
Nhà lãnh đạo Liên bang Nga một lần nữa nhấn mạnh rằng các hệ thống tên lửa siêu vượt âm của Moskva không có đối thủ tương đương trên toàn cầu, khó có khả năng xuất hiện một hệ thống tương tự trong thời gian tới và năng lực sản xuất những hệ thống này của Liên bang Nga đang tăng trưởng ổn định.
Ngoài ra, ông Putin nhắc lại rằng Liên bang Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng các cuộc tấn công của Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp sẽ bị coi là sự tham gia trực tiếp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào cuộc chiến.
Ông Putin cũng so sánh hệ thống tên lửa Iskander của Liên bang Nga với cả ba phiên bản của tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa do Mỹ chế tạo, khẳng định rằng hệ thống của Liên bang Nga có tầm bắn xa hơn và các đặc điểm vượt trội hơn so với tên lửa mới của Mỹ.
Ông Putin cho biết Mỹ và các đồng minh NATO đã quyết định cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa có độ chính xác cao tấn công vào lãnh thổ Liên bang Nga. Sau đó, các tên lửa do Mỹ và Anh sản xuất đã tấn công các địa điểm quân sự của Liên bang Nga tại hai tỉnh Kursk và Bryansk.
Để đáp trả những cuộc tấn công này, Moskva đã phóng thử hệ thống tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik trong điều kiện chiến đấy với đầu đạn thông thường nhằm vào cơ sở quốc phòng Yuzhmash lớn ở thành phố Dnipro của Ukraine
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng các hành động khiêu khích của phương Tây có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng nếu xung đột tại Ukraine leo thang hơn nữa.
Xem video ghi lại nhiều ánh chớp bùng lên ở thành phố Dnipro của Ukraine sau khi Liên bang Nga tuyên bố đã phóng một tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung vào đây. Nguồn: Reuters
Liên quan tới sức mạnh của tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik, tối 26/11, theo giờ địa phương, hãng thông tấn TASS của Liên bang Nga dẫn trả lời phỏng vấn với cổng thông tin Fronda của Tướng Waldemar Skrzypczak, cựu chỉ huy lực lượng mặt đất Ba Lan, cho biết loại vũ khí này đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với Ukraine, vì các hệ thống phòng không hiện tại của Kiev không thể phát hiện được việc phóng và hành trình của nó.
Theo Tướng Skrzypczak, Liên bang Nga đã chứng minh rằng các hệ thống phòng không mà người Ukraine sở hữu không thể đối phó với các tên lửa liên lục địa bay ở độ cao lớn.
Tướng Skrzypczak nhấn mạnh: “Đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với người Ukraine, vì không ai ghi nhận được việc phóng tên lửa này. Vệ tinh do thám của Mỹ, dù là quân sự hay thương mại, mà Ukraine sử dụng đáng lẽ phải có khả năng phát hiện việc phóng và hành trình của tên lửa này. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra và chuông báo động không được kích hoạt”.