Thị trấn Bar Elias - Nơi trú ẩn cho hàng chục nghìn người Liban trong cuộc chiến với Israel
Khi Israel bắt đầu ném bom rải thảm Liban vào cuối tháng 9, cô Shifa đã phải vật lộn để an ủi ba đứa con nhỏ.
Con gái lớn nhất của cô, Raneem, 12 tuổi, đã sợ hãi đến nỗi mất ăn mất ngủ. Cô bé đã khóc suốt đêm khi máy bay chiến đấu và thiết bị bay không người lái của Israel ầm ầm trên nóc nhà.
Shifa kể lại rằng vào ngày 25/9, Israel đã ném bom tòa nhà đối diện căn nhà của họ ở Ali el-Nahri, một ngôi làng ở thung lũng Bekaa của Liban, cách thủ đô Beirut khoảng 35km. Vụ nổ đã làm vỡ kính căn hộ của Shifa và thổi bay cánh cửa ra khỏi bản lề. Gia đình cô sống sót, nhưng hàng xóm và người thân của cô thì không may mắn như vậy.
“Tôi đã mất chú, các cháu và hàng xóm của tôi”, cô Shifa, 40 tuổi, cho biết. “Tất cả chúng tôi đều muốn biết còn ai sống sót từ những người hàng xóm và họ hàng của chúng tôi, nhưng chồng tôi và tôi quyết định đưa bọn trẻ đi trốn ngay lập tức”, cô nói thêm.
Shifa, chồng cô và ba đứa con đã đến Bar Elias một cách tình cờ sau khi đi qua một số ngôi làng.
Theo Shifa, gia đình cô chỉ đơn giản đi theo hàng trăm người sơ tán đang chạy trốn về hướng thị trấn Hồi giáo lớn nhất của thung lũng Bekaa. Ở đó, họ thấy những nơi trú ẩn và cư dân quyên góp đồ đạc cá nhân cho những người mới đến.
Video khung cảnh hỗn loạn sau cuộc không kích của Israel vào miền Nam Liban hôm 20/11 (Nguồn Reuters):
Sự hào phóng này không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi Bar Elias có lịch sử chào đón người tị nạn.
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR), 31.000 đến 45.000 người tị nạn Syria đã định cư tại Bar Elias sau khi chạy trốn khỏi cuộc nội chiến nổ ra vào năm 2011.
Trong khi đó, số người Liban ở thị trấn này là khoảng 60.000 đến 70.000 người.
Hiện tại, hàng nghìn người từ vùng đất trung tâm của người Shia ở Liban - những khu vực mà Hezbollah nhận được nhiều sự ủng hộ nhất - đã tìm thấy nơi an toàn và được hỗ trợ tại Bar Elias.
Mặc dù lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào sáng ngày 27/11, nhưng hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người dân không thể trở về nhà do làng mạc bị phá hủy. Điều này có nghĩa là Bar Elias có thể là ngôi nhà mới trong nhiều tháng, hoặc nhiều năm, cho đến khi những người phải di dời có thể trở về quê hương và xây dựng lại cuộc sống.
Gia đình Shifa cư trú tại trường tư thục al-Amin, nơi đã được chuyển đổi thành chỗ trú ẩn ngay sau khi Israel leo thang cuộc chiến với Liban.
Hiệu trưởng Bilal Mohamad Araji nói: “Giúp đỡ mọi người là nghĩa vụ đạo đức, nhân đạo và tôn giáo của chúng tôi”.
Ông cho biết Bar Elias đang tiếp nhận khoảng 5.850 người mới di dời. Trong số này, khoảng 190 người đang trú ẩn tại trường của ông.
Shifa và gia đình cô cho biết họ cảm thấy thoải mái và được đối xử tốt khi ở đây.
Ngoài Shifa, ông Ali cũng đang trú ẩn tại al-Amin. Ông ca ngợi sự hiếu khách của mọi người ở Bar Elias và trường al-Amin. Người đàn ông 65 tuổi này lần đầu cùng vợ sơ tán khỏi tỉnh Nabatieh ở phía Nam Liban hồi tháng 9.
Ali cho biết ông từng có một ngôi nhà to và công việc bán ô tô ổn định. Nhưng khi chiến tranh leo thang, ông phải đến trú ẩn trong nhà người thân ở ngôi làng gần đó. Chỉ ba ngày sau, vợ chồng Ali và gia đình người thân của ông đã phải sơ tán một lần nữa.
“Tôi nghe từ những người hàng xóm rằng 2 hoặc 3 ngày sau khi chúng tôi rời đi, nhà của người thân tôi đã bị đánh bom”, ông nói.
Ban đầu, gia đình ông đến Chtoura, trung tâm vận chuyển ở thung lũng Bekaa, với hy vọng tìm được sự giúp đỡ. Ở đó, ông Ali nghe nói Bar Elias đang tiếp nhận những gia đình phải di dời.
“Những ngôi làng khác ít chào đón chúng tôi hơn vì sợ bị Israel tấn công. Mối nguy hiểm ở khắp mọi nơi, không chỉ ở Bar Elias. Israel là kẻ thù của chúng tôi. Ai biết họ sẽ tấn công nơi nào tiếp theo? Không ai biết”, ông nói.
Mặc dù Bar Elias đã giang rộng vòng tay với những người cần giúp đỡ, nhưng nơi này không có đủ nguồn lực để chăm sóc tất cả mọi người vô thời hạn.
Theo bà Zeinab Dirani, nhân viên cứu trợ của Female, tổ chức nữ quyền cơ sở tại Liban, việc thiếu sự hỗ trợ từ chính phủ - vốn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng - và các nhóm cứu trợ dẫn đến những tranh cãi nhỏ nhặt giữa các gia đình phải sơ tán.
Bà nói thêm rằng một số gia đình bị cô lập về mặt xã hội, dẫn đến xung đột và mâu thuẫn.
“Những người từng sống ở miền Nam có thể khác với những người đến từ miền Bắc. Cách họ xử lý các vấn đề gia đình có nhiều khác biệt. Một số người không cho con cái họ gặp gỡ và kết bạn với những người mới”, bà Dirani giải thích.
Giờ đây, Hiệu trưởng Araji cho biết nhiều gia đình đang ăn mừng trước tin tức về lệnh ngừng bắn và khả năng chiến tranh chấm dứt. Araji nói rằng một số gia đình đã rời trường của ông để trở về quê. Ông hy vọng sẽ có thêm nhiều gia đình rời đi trong những ngày tới.
“Cảm ơn Chúa, mọi người ở đây đang rất vui mừng. Mọi người sẽ có thể trở về nhà”, ông nói.
Video Liban triển khai quân đội về phía Nam sau lệnh ngừng bắn (Nguồn Reuters):