Sau khi Bộ GD giải đáp 'nóng' về Thông tư 08, GV sẽ được bổ nhiệm ra sao?
Việc bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới sẽ rất dễ dàng, thuận lợi cho các đơn vị. Mong các địa phương sớm thực hiện để đảm bảo quyền lợi giáo viên
Các Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT khi ban hành và có hiệu lực từ 20/3/2021 nhưng do nhiều vướng mắc, bất cập nảy sinh từ thực tiễn bổ nhiệm, chuyển xếp lương nên đến giai đoạn hiện nay nhiều địa phương vẫn chưa thể bổ nhiệm, chuyển xếp lương mới, vẫn hưởng lương theo các Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.
Nhận thấy vấn đề bất cập, dưới sự góp ý của nhà chuyên gia, cán bộ quản lý và giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sau khi ban hành và có hiệu lực từ 30/5/2023 thì các địa phương đang thực hiện các phương án để bổ nhiệm, chuyển xếp lương mới cho giáo viên từ Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sang Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện bổ nhiệm, chuyển xếp lương còn nhiều vướng mắc do có nhiều cách hiểu, vận dụng khác nhau.
Mới nhất, ngày 4/8, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản giải đáp “nóng” một số vấn đề trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT thời gian qua.
Đa số những hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có lợi cho giáo viên trong quá trình bổ nhiệm lương cũ sang mới, trong việc xác định đủ tiêu chuẩn, điều kiện thi, xét thăng hạng,...
Giáo viên chỉ cần đủ tiêu chuẩn ở Điều 7 các Văn bản hợp nhất 08,09,10 sẽ được bổ nhiệm từ hạng cũ sang mới
Ngày 21/7/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký ban hành Văn bản hợp nhất 08, 09, 10, 11/VBHN-BGDĐT hợp nhất Thông tư 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT và Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập.
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, một số địa phương khi bổ nhiệm, chuyển xếp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sang chức danh nghề nghiệp tương ứng vẫn yêu cầu giáo viên phải nộp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ. Điều này khiến việc bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp còn khó khăn, chưa đồng bộ.
Giải đáp vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thực hiện theo quy định tại Điều 7 các Thông tư số 01,02,03/2021/TT-BGDĐT đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1, khoản 7 Điều 2, khoản 8 Điều 3 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT. (hiện nay là tại Điều 7 các Văn bản hợp nhất 08,09,10/VBHN-BGDĐT).
Theo đó, khi thực hiện việc bổ nhiệm, chuyển xếp hạng chức danh nghề nghiệp từ quy định cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng là chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm và các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với tiêu chuẩn về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Cần lưu ý thêm, khoản 2 Điều 5 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT đã quy định “không yêu cầu giáo viên phải cung cấp minh chứng về việc thực hiện nhiệm vụ của hạng khi bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT”, văn bản giải đáp nêu rõ.
Liên quan đến phản ánh của giáo viên khi ở một số địa phương yêu cầu giáo viên có bằng đại học 9 năm mới cho thăng hạng, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định việc này là không đúng.
Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non
Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non quy định tại Thông tư này như sau:
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) đối với giáo viên mầm non hạng IV (mã số V.07.02.06) đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26);
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) đối với giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.05);
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) đối với giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.04).
Như vậy, giáo viên mầm non sẽ được bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới, giáo viên mầm non hạng IV có bằng tốt nghiệp cao đẳng sẽ được bổ nhiệm hạng III mới, các trường hợp còn lại được phiên ngang.
Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học
Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nay được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học quy định tại Thông tư này như sau:
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) đối với giáo viên tiểu học hạng IV (mã số V.07.03.09) đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29);
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) đối với giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.08) đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29);
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) đối với giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.07) có tổng thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.08) và hạng II (mã số V.07.03.07) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự).
Giáo viên tiểu học hạng III, IV cũ có trình độ đại học sẽ được bổ nhiệm hạng III mới, giáo viên hạng II cũ đủ 9 năm công tác sẽ được bổ nhiệm hạng II mới.
Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở
Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nay được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở quy định tại Thông tư này như sau:
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) đối với giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32);
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) đối với giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11) có tổng thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) và hạng II (mã số V.07.04.11) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự);
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) đối với giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10).”
Giáo viên trung học cơ sở hạng III cũ có trình độ đại học sẽ được bổ nhiệm hạng III mới, hạng I cũ được bổ nhiệm hạng I mới, hạng II cũ đủ 9 năm công tác sẽ được bổ nhiệm hạng II mới.
Theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì việc bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới sẽ rất dễ dàng, thuận lợi cho các đơn vị. Mong các địa phương sớm thực hiện để đảm bảo quyền lợi giáo viên
Vẫn còn băn khoăn khi giáo viên sẽ hưởng lương theo 2 Thông tư mới và cũ
Theo các Văn bản hợp nhất, giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp thì được bổ nhiệm hạng mới được xếp lương theo Văn bản hợp nhất 08, 09, 10, 11/VBHN-BGDĐT, giáo viên thiếu tiêu chuẩn thì sẽ không được bổ nhiệm hạng mới nhưng không phải xuống hạng mà vẫn được hưởng lương theo hiện hành, khi đủ điều kiện thì được bổ nhiệm hạng mới không phải trải qua kỳ thi, xét thăng hạng.
Vì tại Điều 9. Điều khoản chuyển tiếp của Văn bản hợp nhất 08, 09, 10/VBHN-BGDĐT quy định:
“ 1. Trường hợp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng điều kiện để được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên quy định tại Thông tư này thì tiếp tục giữ hạng, mã số và hệ số lương của chức danh nghề nghiệp giáo viên hiện đang được xếp theo Thông tư liên tịch số 20, 21, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng mà không phải thông qua thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
2. Trường hợp giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019 nhưng không thuộc đối tượng phải nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thì tiếp tục giữ hạng, mã số và hệ số lương của chức danh giáo viên hiện đang được xếp cho đến khi nghỉ hưu.”
Như vậy, giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn thì bổ nhiệm hạng mới theo quy định tại Văn bản hợp nhất 08, 09, 10, 11/VBHN-BGDĐT gồm:
Giáo viên mầm non hạng III có hệ số lương 2,1-4,89; hạng II có hệ số lương 2,34-4,98; hạng I có hệ số lương 4,0-6,38;
Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông hạng III có hệ số lương 2,34-4,98; hạng II có hệ số lương 4,0-6,38; hạng I có hệ số lương 4,4-6,78.
Giáo viên chưa đáp ứng tiêu chuẩn, chưa đạt chuẩn thì hưởng lương theo quy định tại Thông tư 20-23/TTLT-BGDĐT-BNV theo đó:
Giáo viên mầm non, tiểu học hạng IV có hệ số lương 1,86-4,06; hạng III có hệ số lương 2,1-4,89, hạng II có hệ số lương 2,34-4,98.
Giáo viên trung học cơ sở III có hệ số lương 2,1-4,89; hạng II có hệ số lương 2,34-4,98; hạng I có hệ số lương 4,0-6,38.
Giáo viên trung học phổ thông hạng III có hệ số lương 2,34-4,98; hạng II có hệ số lương 4,0-6,38; hạng I có hệ số lương 4,4-6,78.
Tuy nhiên, người viết cũng băn khoăn đối với những giáo viên thuộc trường hợp không được bổ nhiệm hạng mới do thiếu tiêu chuẩn hoặc chưa đạt chuẩn sẽ hưởng lương theo chùm Thông tư 20-23/TTLT-BGDĐT-BNV nhưng tại các Văn bản hợp nhất 08,09,10,11/VBHN-BGDĐT đều có quy định “Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông”.
Tức là từ khi các Văn bản hợp nhất này có hiệu lực thi hành (Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 3 năm 2021) thì Thông tư 20-23/2015/TTLT/BGDĐT-BNV đã không còn hiệu lực, việc để giáo viên vẫn hưởng lương theo 2 Thông tư khác nhau, trong đó có 1 Thông tư hết hiệu lực về pháp lý là chưa phù hợp, gây nhiều tâm tư.