Trường ĐH chỉ ra nguyên nhân nhiều SV trễ hạn tốt nghiệp vì chứng chỉ ngoại ngữ

Để nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn đầu ra đúng lộ trình, trường ĐH cần đẩy mạnh giải pháp mang tính hệ thống kết hợp tạo dựng môi trường thúc đẩy SV thực hành tiếng Anh.

Hiện nay, nhiều trường đại học quy định chuẩn đầu ra tiếng Anh để xét tốt nghiệp sinh viên là bậc 3 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương ứng B1 theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu - CEFR hoặc IELTS 5.0); riêng ngành ngôn ngữ là bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam. Tùy theo từng trường, sẽ có yêu cầu khác nhau.

Mặc dù, đa số các trường quy định chuẩn đầu ra chỉ ở mức trung bình so với khung tham chiếu này, song, tình trạng sinh viên bị trễ hạn tốt nghiệp vì không đạt chứng chỉ tiếng Anh vẫn diễn ra.

Trì hoãn tốt nghiệp vì chứng chỉ ngoại ngữ

Hoàn thành đầy đủ các tín chỉ học phần, tuy nhiên, vẫn phải ngậm ngùi nhìn bạn bè cùng khóa ra trường trước, là trường hợp của nữ sinh Vũ Ngọc Linh (22 tuổi), sinh viên một trường đại học tại Hà Nội. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Vũ Ngọc Linh cho biết, nhà trường đã có danh sách xét tốt nghiệp đợt 1 vào ngày 12/6/2024 và đợt 2 vào ngày 05/9/2024.

Tuy nhiên, vì không đáp ứng được chứng chỉ tiếng Anh đầu ra theo thời hạn nhà trường quy định, nên đến hiện tại, Linh vẫn chưa thể tốt nghiệp.

“Đến nay, tôi đã thi tổng cộng 3 lần với hy vọng có chứng chỉ tiếng Anh B2 làm điều kiện xét tốt nghiệp, tuy nhiên cả 3 lần đều không đạt. Lần đầu tiên, tôi thi VSTEP vào tháng 4/2024, nhưng kết quả chỉ dừng ở B1. Trường quy định hạn cuối để nộp giấy tờ làm thủ tục xét tốt nghiệp là ngày 05/5/2024, vì vậy, tôi đã không kịp ra trường đúng hạn.

Sau đó, tôi quyết định thi chứng chỉ khác là APTIS, tuy nhiên, kết quả cũng không đủ đáp ứng chuẩn đầu ra. Quá bế tắc và mong muốn được xét tốt nghiệp để kịp ra trường vào đợt 2, tôi đăng ký dự thi kỳ thi nội bộ do trường tổ chức, nhưng vẫn chưa đạt”, nữ sinh này chia sẻ.

Chứng chỉ tiếng Anh B2 VSTEP là trình độ tiếng Anh bậc 4 (trung cấp) theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam. Chứng chỉ tiếng Anh B2 VSTEP được cấp cho những người tham gia kỳ thi và phải đạt điểm từ 6.0 - 8.0/10.

Còn chứng chỉ APTIS là bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ được phát triển bởi Hội đồng Anh. Muốn đạt được chứng chỉ B2 APTIS đồng nghĩa với việc cần đáp ứng đủ tiêu chí về mức điểm từng phần trên tổng số 4 kỹ năng được Hội đồng Anh đề ra.

Theo nữ sinh Vũ Ngọc Linh, nguyên nhân khiến cô dù thi nhiều lần nhưng vẫn không đáp ứng được mức chuẩn đầu ra là do khoảng thời gian bị rỗng kiến thức.

"Mỗi loại chứng chỉ sẽ có cấu trúc bài thi và cách ôn luyện khác nhau, điều này cũng tạo ra khó khăn khi quyết định đổi sang ôn luyện một chứng chỉ khác. Nếu xét học lực, tôi có thể ra trường với tấm bằng giỏi, nhưng giờ đây, chỉ biết vừa ôn luyện, vừa đợi đến khi trường mở đợt thi chứng chỉ tiếng Anh mới để đăng ký”, Ngọc Linh phân trần.

Không xem nhẹ, coi tiếng Anh là “điều kiện cần” để tốt nghiệp

Trao đổi về tầm quan trọng của chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên năm cuối, Tiến sĩ Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quy định này nhằm đảm bảo sinh viên đạt được các năng lực cần thiết để tham gia vào thị trường lao động và học tập cao hơn sau khi tốt nghiệp.

“Việc đạt chuẩn đầu ra giúp sinh viên có khả năng sử dụng ngôn ngữ khác như tiếng Anh trong các tình huống giao tiếp quốc tế, tiếp cận tài liệu chuyên ngành hay thực hiện các nhiệm vụ công việc yêu cầu kỹ năng ngoại ngữ. Nhìn chung, mức điểm các trường quy định phù hợp với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế.

Đối với sinh viên, việc đạt chuẩn đầu ra không chỉ là một yêu cầu tốt nghiệp, mà còn là một công cụ quan trọng để nâng cao cơ hội nghề nghiệp và phát triển bản thân trong bối cảnh toàn cầu hóa”, Tiến sĩ Thái Doãn Thanh chia sẻ.

 Tiến sĩ Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Cũng theo thầy Thanh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên không thể tốt nghiệp đúng hạn hoặc “nợ” bằng do chưa đáp ứng chuẩn đầu ra ngoại ngữ.

Thứ nhất, một số sinh viên chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng ngay từ những năm đầu học tập. Điều này dẫn đến việc học tiếng Anh bị dồn lại cho giai đoạn cuối, gây áp lực lớn và khó đạt được kết quả mong muốn.

Thứ hai, chương trình giảng dạy tiếng Anh tại một số trường đại học có thể chưa đáp ứng được nhu cầu của sinh viên, bao gồm việc thiếu sự định hướng rõ ràng hay các phương pháp học tập phù hợp với trình độ đầu vào của từng em.

Ngoài ra, việc thiếu môi trường thực hành và ứng dụng tiếng Anh trong thực tế cũng là một yếu tố hạn chế khả năng phát triển kỹ năng ngoại ngữ. Các yếu tố khác ảnh hưởng bao gồm động lực học tập của sinh viên, sự khác biệt về năng lực cá nhân hay khó khăn trong việc tiếp cận các khóa học hỗ trợ bổ sung.

Có góc nhìn tương tự, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh nêu ra những nguyên nhân và cũng chính là những khó khăn mà các trường đại học, cao đẳng cần tìm hướng khắc phục, để cải thiện tỷ lệ sinh viên đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ đúng hạn.

Cụ thể, vị Hiệu trưởng cho biết: “Một số sinh viên xuất thân từ vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện học tiếng Anh còn nhiều hạn chế, nên việc đáp ứng yêu cầu sẽ gặp khó khăn. Chương trình đào tạo cùng phương pháp giảng dạy bậc đại học có phần khác so với cách dạy ở bậc phổ thông, khiến một số em khó hòa nhập và tiếp cận kiến thức mới, đặc biệt là thời gian cho việc trau dồi tiếng Anh với đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên chỉ tập trung học để thi lấy chứng chỉ vào năm cuối đại học, dẫn đến việc không đủ thời gian cũng như sự chuẩn bị kỹ càng. Một số sinh viên lại chỉ chú trọng vào việc đi làm thêm, không thể đầu tư đủ thời gian cho việc học ngoại ngữ nên không đáp ứng chuẩn”.

Thầy Quyền cũng chia sẻ thêm, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp muộn do chưa đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, trung bình là 3,54%. Tỷ lệ này được căn cứ vào số liệu sinh viên khóa 09 (hệ 4 năm) của trường khi xét tốt nghiệp đợt vừa qua.

“Trong chương trình đào tạo các ngành của trường hiện nay, học phần tiếng Anh chính thức được đào tạo bao gồm tiếng Anh 1 và tiếng Anh 2, với tổng số 6 tín chỉ. Nhà trường, khoa/bộ môn, thầy cô cố vấn học tập luôn định hướng, khuyến khích sinh viên sắp xếp thời gian hợp lý trong suốt các năm học, để tham gia lớp ngoại ngữ tại các trung tâm đào tạo có uy tín, nhằm nâng cao năng lực và thi các chứng chỉ tương đương theo quy định”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền thông tin thêm.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: website trường.

Nên kiểm tra trình độ, xây dựng lộ trình dạy phù hợp từ năm nhất

Việc tỷ lệ sinh viên bị trễ hạn nhận bằng tốt nghiệp vì thiếu chứng chỉ tiếng Anh không chỉ tác động trực tiếp đến bản thân sinh viên, mà còn ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo của nhà trường.

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Đông - Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Học viện Chính sách và Phát triển nhìn nhận: “Việc sinh viên tốt nghiệp muộn do thiếu chứng chỉ tiếng Anh có thể gây ra áp lực tâm lý và ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp của các em. Về phía nhà trường, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc thống kê về tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn.

Để khắc phục tình trạng sinh viên “xem nhẹ” chứng chỉ ngoại ngữ, học và thi “chống đối”, các trường cần thiết kế bài kiểm tra thực tiễn, khuyến khích sinh viên sử dụng ngoại ngữ trong các tình huống giao tiếp thực tế, thay vì chỉ tập trung vào ngữ pháp hay lý thuyết.

Đồng thời, việc tạo ra môi trường học tập phong phú thông qua các hoạt động ngoại khóa hoặc giao lưu quốc tế, sẽ giúp sinh viên nhận thức rõ hơn giá trị thực sự của ngoại ngữ.

Ngoài ra, tư vấn và định hướng nghề nghiệp cũng rất quan trọng. Sinh viên cần hiểu rằng, ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng không chỉ là yêu cầu để tốt nghiệp mà còn là yếu tố góp phần tạo nên thành công trong sự nghiệp. Khi nhận thức được lợi ích lâu dài của việc thành thạo ngoại ngữ, sinh viên sẽ chủ động học tập thay vì chỉ coi đó là một thủ tục tốt nghiệp”.

 Một tiết học của sinh viên Học viện Chính sách và Phát triển. Ảnh: NVCC.

Một tiết học của sinh viên Học viện Chính sách và Phát triển. Ảnh: NVCC.

Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ đúng lộ trình, Tiến sĩ Nguyễn Thị Đông nêu ra 4 phương hướng cụ thể: “Thứ nhất, cần cá nhân hóa lộ trình học tập. Mỗi sinh viên có nền tảng ngoại ngữ khác nhau, nên các trường cần kiểm tra trình độ ngay từ năm nhất, để xây dựng lộ trình học tập phù hợp. Nhóm sinh viên có năng lực tốt sẽ theo các lớp nâng cao, trong khi những em cần hỗ trợ sẽ tham gia các khóa bổ trợ để cải thiện từ “gốc”.

Thứ hai, tăng cường môi trường thực hành. Ngoại ngữ là kỹ năng phải rèn luyện thường xuyên, việc xây dựng các câu lạc bộ tiếng Anh, giao lưu quốc tế và các dự án nhóm sẽ giúp sinh viên sử dụng ngoại ngữ một cách tự nhiên và tự tin hơn.

Thứ ba, áp dụng công nghệ vào giảng dạy. Công nghệ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ học ngoại ngữ. Các trường đại học nên khuyến khích sinh viên sử dụng các ứng dụng hỗ trợ cùng các nền tảng giao tiếp với người bản xứ, giúp việc học trở nên linh hoạt và hấp dẫn hơn.

Thứ tư, tăng cường hỗ trợ từ giảng viên. Giảng viên là yếu tố then chốt trong việc truyền cảm hứng học tập. Điều cần làm là tổ chức các buổi tập huấn hoặc hội thảo cho giảng viên về phương pháp giảng dạy hiện đại, đồng thời, khuyến khích thầy cô hỗ trợ sinh viên thông qua các buổi tư vấn hay lớp học bổ trợ”.

Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền cũng cho rằng, muốn cải thiện tình trạng trên, cần sự chủ động của cả các trường đại học, cao đẳng lẫn sinh viên.

“Bản thân mỗi sinh viên phải nỗ lực tự học, chủ động trong việc học tập cũng như tìm kiếm những sự tư vấn, hỗ trợ. Các em nên cân đối thời gian để đăng ký ôn luyện và thi chứng chỉ tiếng Anh nếu muốn xét tốt nghiệp đúng hạn.

Về phía nhà trường, cần chú trọng hơn vai trò của cố vấn học tập, lựa chọn và tập huấn các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ giảng viên trước khi thực hiện công tác giảng dạy; định kì hằng năm nên tổ chức tập huấn hoặc hội thảo nhắc lại. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, cố vấn học tập và giảng viên bộ môn, nhằm giải quyết từng trường hợp cụ thể nếu sinh viên gặp khó khăn trong việc đăng ký học tiếng Anh, để xét chuẩn đầu ra hay các điều kiện tốt nghiệp khác.

Trong các trường hợp cần thiết, nhà trường cùng Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học nên chủ động phối hợp, tạo điều kiện cho sinh viên cuối khóa có thể phân bổ thời gian tham gia học ngoại ngữ và thi chứng chỉ để đạt điều kiện chuẩn đầu ra theo quy định”, thầy Quyền đề cập.

Nguyễn Lệ

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dh-chi-ra-nguyen-nhan-nhieu-sv-tre-han-tot-nghiep-vi-chung-chi-ngoai-ngu-post246215.gd