Sau 'rạn nứt' AUKUS, Pháp hòa giải căng thẳng ngoại giao với Mỹ, quan hệ với Anh và Australia vẫn 'nguội lạnh'
Ngày 22/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi Mỹ và Anh tham gia thỏa thuận quốc phòng mới với Australia, khiến Pháp mất đi thỏa thuận tàu ngầm trị giá 66 tỷ USD. Cuộc điện đàm này được cho là bước đầu tiên nhằm hàn gắn mối quan hệ bị rạn nứt giữa hai quốc gia.
Pháp, Mỹ nỗ lực khôi phục niềm tin
Nhà Trắng đã mô tả cuộc trò chuyện giữa hai nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ ngày 22/9 là "thân thiện", và Tổng thống Macron đã đồng ý cử Đại sứ Philippe Etienne trở lại Washington D.C. vào tuần tới.
Ông Biden và ông Macron đã đồng ý gặp nhau ở châu Âu vào tháng tới, rất có thể là bên lề cuộc gặp Thượng đỉnh G20 ở Italy. Các trợ lý của Nhà Trắng cho biết, nhiều khả năng hai nhà lãnh đạo sẽ gặp riêng để nhấn mạnh quyết tâm hàn gắn quan hệ.
Thỏa thuận an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh, Australia, còn gọi là thỏa thuận AUKUS, được đàm phán trong bí mật đã khiến cho Pháp chỉ trích đồng minh lâu đời nhất của Paris là “dối trá” và “hai lòng” và cho thấy nền tảng của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bị lung lay.
Mặc dù Mỹ vẫn chưa chính thức xin lỗi Pháp, song một tuyên bố chung được đưa ra cho biết “hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng, tình hình có lẽ sẽ tốt hơn nếu như trước đó có các cuộc tham vấn cởi mở giữa các đồng minh về các vấn đề có lợi ích chiến lược đối với Pháp và các đối tác châu Âu".
Tuyên bố nêu rõ: “Tổng thống Biden đã thông báo về các cam kết đang được thực hiện theo hướng này” và hai nước đã “quyết định mở lại quá trình tham vấn sâu nhằm tạo điều kiện bảo đảm lòng tin và đề xuất các biện pháp cụ thể hướng tới các mục tiêu chung”.
Tuyên bố chung cũng đề cập các dự án quốc phòng chung của châu Âu. Từ ngữ trong tuyên bố chung hầu như được rút ra phần lớn từ các tuyên bố trước đây của NATO.
Tuy nhiên, văn bản trên nói rằng, một “một nền quốc phòng châu Âu mạnh mẽ và có năng lực hơn” sẽ “bổ sung cho NATO”. Phía Pháp tin rằng, điều cần thiết là châu Âu cần thống nhất xây dựng hệ thống phòng thủ của riêng mình. Trong khi đó, Mỹ đang có xu hướng khuyến khích châu Âu tăng chi tiêu cho quốc phòng trong NATO.
Trước đó, tuyên bố từ Điện Élyseé nhấn mạnh, Tổng thống Macron mong đợi “những lời giải thích rõ ràng về quyết định của Mỹ trong việc giữ một đồng minh không tham gia trao đổi thiết lập hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Tuyên bố này cho thấy sự tức giận của Tổng thống Pháp về những hành động mà Paris coi là “phản bội” của Washington, và cho rằng Mỹ nên nhận thức đầy đủ “sự cần thiết của việc củng cố chủ quyền của châu Âu, cũng như tầm quan trọng của sự tham gia ngày càng tích cực của châu Âu trong quốc phòng và an ninh”.
Về phần mình, các quan chức Mỹ khẳng định, Tổng thống Biden không tìm cách lừa dối người Pháp, mà thay vào đó đang dựa vào Australia để đưa tin cho ông Macron.
Quan hệ với Anh và Australia vẫn lạnh nhạt
Nếu quan hệ Pháp-Mỹ dường như đang được hàn gắn, thì không có dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ sự cải thiện nào trong mối quan hệ bị tổn hại của Pháp với Anh.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cáo buộc Anh rằng, nước này “thường xuyên theo chủ nghĩa cơ hội” và là "bánh xe thứ năm" trong thương vụ tàu ngầm. Quan hệ Pháp-Anh vẫn chưa hồi phục kể từ khi London rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
Thủ tướng Anh Boris Johnson trả lời truyền thông rằng: “Tôi chỉ nghĩ rằng, đã đến lúc một số người bạn thân thiết nhất của London nên 'prenez un grip' tất cả những điều này và 'donnez-moi un break’”.
Ông đã chèn hai cụm tiếng Pháp vào nhằm kêu gọi Paris “kiềm chế” và “ngừng tức giận”.
Về mối quan hệ Pháp-Australia, có vẻ như Paris vẫn chưa nguôi giận với Canberra, bởi Thủ tướng Scott Morrison đã cố gắng điện đàm với Tổng thống Macron trong suất một tuần qua, nhưng không thành công.
Cho đến nay, vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra về việc quay trở lại Canberra của Đại sứ Pháp tại Australia.
Cốt lõi của Thỏa thuận AUKUS là kế hoạch đóng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, được trang bị vũ khí thông thường, được vận hành bởi hải quân Australia.
Động thái này được cho là nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Các tàu ngầm này sẽ có tần suất hoạt động lớn hơn nhiều so với các tàu diesel điện mà Pháp đang lên kế hoạch chế tạo theo một thỏa thuận với Australia vào năm 2019.