Sau sáp nhập tỉnh, thành: Cần đồng bộ ngữ liệu trong SGK để tránh 'lỗi nhịp'

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ kéo theo việc điều chỉnh ngữ liệu sách giáo khoa ở một số môn học do không còn tương ứng với địa giới hành chính mới.

.t2 { background-color: #ffffff; } .t1 { text-align: justify; }

Trong bối cảnh sáp nhập tỉnh, thành, tên hành chính của nhiều địa phương trên cả nước hiện nay sẽ thay đổi hoặc không còn. Điều này cũng khiến ngành giáo dục cũng có những ảnh hưởng nhất định, đặc biệt là ngữ liệu sách giáo khoa phổ thông. Nếu không kịp thời thay đổi, điều chỉnh sẽ dẫn tới những bất cập trong công tác dạy và học.

Một số môn học bị ảnh hưởng sau sáp nhập tỉnh, thành phố

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, việc sáp nhập địa giới hành chính trong thời gian tới dẫn tới một số thay đổi đến các môn học khoa học xã hội.

Theo thầy Phú, môn Địa lý và nội dung giáo dục địa phương là những môn học chịu ảnh hưởng đáng kể khi sáp nhập tỉnh, thành. Bởi quá trình sáp nhập dẫn tới nội dung về địa lý tự nhiên và kinh tế vùng miền có sự biến đổi đáng kể.

Ví như trường hợp sáp nhập giữa các tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây, tỉnh Bình Dương không giáp biển, nên nội dung giáo dục địa phương không đề cập đến biển tại địa phương. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, học sinh sẽ tiếp cận những kiến thức mới về biển khi thành phố mới sẽ bao gồm biển Vũng Tàu, biển Cần Giờ.

Ngoài ra, học sinh cũng cần nắm bắt thêm thông tin về núi đồi, cảng biển, khu công nghệ cao,... những yếu tố trước đây không thuộc phạm vi địa lý các em được học. Sự thay đổi này kéo theo sự biến đổi về kinh tế vùng, đòi hỏi sách giáo khoa Địa lý và nội dung giáo dục địa phương cần được cập nhật, tránh tình trạng học sinh nhầm lẫn, thiếu hụt kiến thức thực tế. Do đó, việc biên soạn lại sách giáo khoa Địa lý là cần thiết, cần phải bổ sung và điều chỉnh nội dung để phản ánh chính xác những thay đổi này, giúp học sinh nắm bắt kiến thức thực tế, không bị gián đoạn trong quá trình học tập.

Bên cạnh đó, môn Lịch sử cũng có những thay đổi sau sáp nhập. Bởi lịch sử ở mỗi miền có tên gọi khác nhau, nhưng sau sáp nhập tên gọi có sự thay đổi địa danh gắn với danh nhân, nhân vật và sự kiện lịch sử. Do đó, nếu không được cập nhật kịp thời, học sinh sẽ khó nhận diện và dễ nhầm lẫn kiến thức của quá khứ và hiện tại.

 Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC

Đồng ý kiến với quan điểm trên, thầy Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) cũng cho rằng, ngữ liệu sách giáo khoa của một số môn học sẽ chịu nhiều ảnh hưởng sau khi thực hiện sáp nhập tỉnh thành.

Đối với môn Địa lý, sự thay đổi về địa giới hành chính sẽ kéo theo những biến đổi trong cấu trúc vùng kinh tế - xã hội. Nếu chương trình học và sách giáo khoa không được cập nhật kịp thời, cả giáo viên và học sinh sẽ gặp không ít trở ngại khi đối diện với tên gọi tỉnh, thành phố cũ hoặc các số liệu đã không còn phù hợp với thực tế

Minh họa rõ hơn cho những thay đổi này, thầy Hà Văn Hải phân tích sâu hơn về môn Lịch sử. Chẳng hạn như quân đội nhà Tây Sơn có nguồn gốc từ ấp Tây Sơn thuộc tỉnh Bình Định ngày nay. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025, dự kiến hợp nhất tỉnh Bình Định với tỉnh Gia Lai lấy tên Gia Lai. Việc sử dụng các địa danh lịch sử cũ nếu không chú thích, giải thích rõ có thể gây ra sự nhầm lẫn và khó khăn cho học sinh trong việc đối chiếu và xác định tính chính xác của thông tin so với tên gọi hành chính mới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc nắm vững kiến thức lịch sử mà còn có thể tạo ra những hiểu lầm không đáng có.

Cũng theo thầy Hải, ngoài Lịch sử và Địa lý, nội dung giáo dục địa phương cũng bị ảnh hưởng khi sáp nhập tỉnh thành. Bởi nội dung giáo dục địa phương vốn là sự tích hợp kiến thức từ nhiều phân môn khác nhau, với tài liệu được biên soạn đặc thù bởi các sở giáo dục và đào tạo, tập trung vào những vấn đề mang đậm dấu ấn riêng của từng địa phương. Khi tiến hành sáp nhập từ hai hoặc thậm chí ba tỉnh thành một đơn vị hành chính mới, điều này đồng nghĩa với việc tỉnh, thành mới này sẽ thừa hưởng từ hai đến ba bộ sách giáo khoa về nội dung giáo dục địa phương. Do đó, tính thống nhất và phù hợp cho toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh, thành mới, đòi hỏi một quá trình rà soát, điều chỉnh và xây dựng lại nội dung giáo dục địa phương một cách toàn diện và đồng bộ.

Cần linh hoạt, chủ động cập nhật kiến thức

Cũng theo thầy Hà Văn Hải, lãnh đạo trường học, giáo viên cần có sự chủ động cập nhật những thông tin liên quan đến thay đổi này để đảm bảo hiệu quả giảng dạy và học tập.

Đặc biệt, trong việc ra đề kiểm tra, giáo viên cần lưu ý đến các đơn vị hành chính đã thay đổi, để từ đó ra đề theo hướng mở. Cùng với đó, đối với nội dung có từ trước trong sách giáo khoa và các nội dung đã được cập nhật hoặc điều chỉnh giữa thông tin cũ và mới, giáo viên cần ghi chú rõ ràng và chi tiết để học sinh dễ theo dõi và hiểu bài hơn.

 Thầy Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Ảnh website nhà trường.

Thầy Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Ảnh website nhà trường.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng nên khuyến khích học sinh chủ động ghi chú thích lại các thông tin mới. Đồng thời, khuyến khích học sinh chủ động tìm hiểu sâu sắc về quá trình, ý nghĩa của các sự kiện và địa danh lịch sử gắn liền với những thay đổi khi sáp nhập.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho cũng cho biết, nhà trường cũng cập nhật và phổ biến thông tin về việc sáp nhập tỉnh thành trong các cuộc họp hàng tuần, hàng tháng với cán bộ, giáo viên nhà trường để đảm bảo thông tin được tuyên truyền rộng rãi tới cả tập thể cán bộ, giáo viên lẫn phụ huynh, học sinh nhà trường.

Trong khi đó, thầy Đỗ Thành Thiện - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thạnh (quận Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ) cho rằng, nếu chưa có sách giáo khoa mới trong năm học tới, ngành giáo dục cần tổ chức tập huấn cho giáo viên để kịp thời nắm bắt kiến thức và phương pháp giảng dạy phù hợp.

Theo thầy Thiện, việc khuyến khích cho học sinh chủ động cập nhật kiến thức mới là điều cần thiết. Tuy nhiên, sáp nhập tỉnh, thành là một vấn đề mới, do đó, để học sinh được tiếp cận nguồn thông tin, nội dung chính thống, cần có định hướng, hướng dẫn từ các thầy cô giáo.

Đồng thời, các trường học, đặc biệt là giáo viên cần cập nhật những nội dung qua các văn bản của Chính phủ, các Bộ, ngành để đưa vào trong nội dung giảng dạy phù hợp và cung cấp thông tin chính xác cho học sinh.

 Thầy Đỗ Thành Thiện - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thạnh (quận Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ). Ảnh:NVCC

Thầy Đỗ Thành Thiện - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Thạnh (quận Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ). Ảnh:NVCC

Ngoài ra, thầy Thiện cũng bày tỏ mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm cập nhật và thay đổi nội dung sách giáo khoa phù hợp với thực tế địa phương, có phần phụ lục hoặc chú thích rõ ràng về lịch sử địa phương theo tình hình mới.

Đồng thời, các cấp quản lý giáo dục cũng cần đưa ra những hướng dẫn cụ thể về phương pháp giảng dạy cho giáo viên và các trường học, nhằm đảm bảo rằng quá trình dạy và học không bị xáo trộn hay ảnh hưởng. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự phối hợp đồng bộ từ các cấp sẽ giúp cả giáo viên và học sinh dễ dàng thích ứng với những thay đổi, đảm bảo chất lượng giáo dục trong bối cảnh thay đổi tới đây.

 Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng, trước khi sáp nhập, tốc độ học tập và trình độ giữa các địa phương có thể có sự khác biệt nhất định. Do đó, khi tiến hành sáp nhập, việc đổi mới phương pháp giảng dạy và cách thức tổ chức giáo dục là vô cùng quan trọng. Bởi mục tiêu hướng sự phát triển của giáo dục là đảm bảo năng lực của học sinh và trình độ của đội ngũ giáo viên ở các khu vực được sáp nhập có thể đạt được sự tương đồng, đồng bộ và thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục.

“Khi sáp nhập tỉnh, thành, một trong những trách nhiệm quan trọng của những người làm công tác quản lý giáo dục là chú trọng tới đảm bảo cân bằng trong việc nâng cao trình độ học tập, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, khả năng thích ứng và các giá trị công dân toàn cầu đối với các khu vực được sáp nhập. Do đó, sau khi sáp nhập, cần có những giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh phát triển các kỹ năng này ở các địa phương mới, đảm bảo rằng trình độ và năng lực của học sinh trên toàn vùng được nâng cao và đạt sự tương đồng”, thầy Phú bày tỏ.

Trung Thành

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sau-sap-nhap-tinh-thanh-can-dong-bo-ngu-lieu-trong-sgk-de-tranh-loi-nhip-post251192.gd