Sau sự ra đi của Từ Hy Viên, bác sĩ cảnh báo 7 nhóm người có nguy cơ mắc cúm cao
Không chỉ người lớn tuổi mà ngay cả những người trẻ cũng có thể gặp biến chứng nặng sau khi mắc cúm.
Vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nữ nghệ sĩ Từ Hy Viên đã có chuyến du lịch đến Nhật Bản và đột ngột qua đời sau khi bị viêm phổi, liên quan đến nhiễm cúm mùa.
Trước đây, mọi người thường nghĩ rằng nhóm có nguy cơ mắc cúm cao thường là người bị các bệnh mạn tính và người cao tuổi có sức đề kháng kém. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ cho biết, những người trẻ tuổi vẫn có thể nhiễm cúm và gặp các biến chứng nghiêm trọng, trong đó có 7 nhóm cần đặc biệt cẩn thận.
Theo Trung tâm Tin tức Thái Kinh Khiểm (Trung Quốc), đây là thời kỳ dịch cúm đang hoành hành. Người bị cúm thường có các triệu chứng như sốt, ho, đau đầu, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng... Một số ít bệnh nhân có thể phát triển các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim và thậm chí là các bệnh về thần kinh.
![Từ Hy Viên gặp biến chứng nặng sau khi nhiễm cúm, khiến cô đột ngột qua đời. Ảnh: Instagram](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_23_51429679/3e9db5bd8ff366ad3fe2.jpg)
Từ Hy Viên gặp biến chứng nặng sau khi nhiễm cúm, khiến cô đột ngột qua đời. Ảnh: Instagram
Đặc biệt, những người trẻ tuổi, thường nghĩ rằng cúm chỉ là cảm lạnh thông thường, vẫn có nguy cơ cao mắc các biến chứng nghiêm trọng sau khi nhiễm cúm. Bác sĩ Hoàng Hiên, công tác tại Khoa Y học Lồng ngực và Chăm sóc tích cực, thuộc Bệnh viện Từ Tế Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), đã chỉ ra 7 nhóm sau đây, dù trẻ tuổi hay lớn tuổi đều cần đặc biệt chú ý, có nguy cơ nhiễm cúm cao.
- Bị hen suyễn hoặc bệnh phổi mạn tính (như COPD, xơ nang)
- Béo phì (BMI > 30): Các nghiên cứu cho thấy những người béo phì có tỷ lệ mắc bệnh nặng cao hơn sau khi mắc cúm
- Đang bị bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch
- Dùng thuốc ức chế miễn dịch (như thuốc điều trị bệnh tự miễn)
- Phụ nữ mang thai có nguy cơ biến chứng do cúm cao hơn đáng kể
- Thức khuya, căng thẳng và thói quen sinh hoạt kém (miễn dịch suy yếu, dễ bị nặng hơn sau khi nhiễm trùng)
- Những người có tiền sử nhập viện do cúm.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Hoàng Hiên, nếu người bệnh gặp các triệu chứng chính bao gồm sốt cao dai dẳng, khó thở, đau ngực, tím tái chân tay và đau đầu dữ dội thì nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt vì đây có thể là dấu hiệu báo trước biến chứng của bệnh cúm.
Các thói quen vệ sinh như rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang, kết hợp với thói quen sinh hoạt tốt như làm việc và nghỉ ngơi đều đặn, chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục vừa phải, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng kéo dài và duy trì khả năng miễn dịch tối đa trong cuộc sống hằng ngày là những điều cần thiết để phòng ngừa nhiễm cúm.
"Phòng bệnh hơn chữa bệnh", bác sĩ Hoàng Hiên nhấn mạnh chủng virus cúm có thể biến đổi nhanh chóng, khác nhau mỗi năm. Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân nên tiêm vắc xin một lần mỗi năm để giảm nguy cơ nhiễm trùng và giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, phải nhập viện.