Sau Tết, thị trường có 'phát lộc đầu Xuân' cho nhà đầu tư?
Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào năm 2025 với nhiều kỳ vọng tăng trưởng sau Tết. Theo ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích tại VPBankS, nhóm ngân hàng sẽ dẫn dắt VN-Index, cùng với sự khởi sắc của thép, bán lẻ và thực phẩm - đồ uống.
Nhiều cơ hội mới sau Tết
Bước sang năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội tăng trưởng, đặc biệt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Theo ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích Ngành và cổ phiếu tại Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), lịch sử cho thấy thị trường thường có diễn biến tích cực sau Tết.
Trong 5 năm gần đây, có 3 năm VN-Index tăng điểm, trong đó hai năm ghi nhận mức tăng mạnh trên 4%. Đặc biệt, năm Canh Tý 2020 là một trường hợp ngoại lệ khi thị trường giảm sâu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo đánh giá của ông Dương, yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn này. Trước Tết, nhà đầu tư có xu hướng chuyển dòng tiền vào kênh tiền gửi để đảm bảo an toàn. Sau Tết, khi thông tin kết quả kinh doanh quý IV được công bố đầy đủ, thị trường thường đón nhận nhiều tín hiệu hỗ trợ. Bên cạnh đó, mùa đại hội cổ đông vào tháng 3 - 5 cũng tạo động lực thúc đẩy thanh khoản và kỳ vọng lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Mặc dù vậy, ông Dương đánh giá, thanh khoản trước và sau Tết thường thấp hơn so với các giai đoạn khác trong năm. Nếu thị trường giao dịch sôi động trước Tết, thanh khoản có thể suy giảm nhẹ sau đó. Tuy nhiên, xu hướng chung vẫn là sự khởi sắc khi các yếu tố nền tảng hỗ trợ thị trường dần rõ ràng hơn.
Bàn về chiến lược đầu tư, ông Đào Hồng Dương nhấn mạnh, sự kiên nhẫn chính là lợi thế lớn nhất. Khi thị trường có thanh khoản thấp, không rõ xu hướng, nhiều nhà đầu tư dễ rơi vào tâm lý chán nản. Tuy nhiên, thị trường luôn thuộc về những người biết chờ đợi thời điểm chín muồi.
“Thời điểm thích hợp để giải ngân có thể được xác định dựa trên phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật hoặc thậm chí là cảm nhận dòng tiền. Một nhà đầu tư đủ kiên nhẫn, theo dõi sát diễn biến thị trường, sẽ có cơ hội nhận được ‘quả ngọt’ khi thời điểm thuận lợi xuất hiện”, ông Dương nhận định.
Trước những thách thức từ nền kinh tế vĩ mô thế giới, Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định và tăng trưởng tích cực. GDP Việt Nam năm 2024 đạt mức tăng trưởng 7,1%, trong khi CPI kiểm soát ở mức 3,63%, thấp hơn nhiều so với ngưỡng kỳ vọng.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ tiếp tục là động lực chính của nền kinh tế. Đặc biệt, lĩnh vực du lịch ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ với 17,6 triệu lượt khách, gần bằng mức trước đại dịch. Ngoài ra, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2024 đạt gần 38 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 25 tỷ USD, đều tăng trưởng hai con số so với năm trước.
Ông Dương cho rằng, với các chỉ số vĩ mô ổn định và tăng trưởng tích cực, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có nền tảng tốt để phát triển trong thời gian tới.
Ngân hàng – Đầu tàu dẫn dắt VN-Index
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong năm 2024 là vai trò của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Theo đánh giá của VPBankS, ngành ngân hàng sẽ là động lực chính dẫn dắt VN-Index trong năm 2025. Dự báo lợi nhuận của ngành này có thể tăng hơn 17% vào năm 2025.
Lý do chính đến từ sự gia tăng mạnh của tăng trưởng tín dụng, dự kiến đạt 16 - 18% để hỗ trợ mục tiêu GDP hai con số trong năm 2025. Bên cạnh đó, áp lực giải ngân đầu tư công cũng giúp thúc đẩy lợi nhuận của các ngân hàng.
Bên cạnh ngân hàng, một số ngành khác cũng được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong năm nay. Ngành chứng khoán là một trong số đó, nhưng cần chọn lọc kỹ cổ phiếu do tính biến động cao. Ngành thép, bán lẻ, thực phẩm - đồ uống cũng có triển vọng tích cực nhờ nhu cầu tiêu dùng và đầu tư hồi phục.
Riêng với bất động sản dân cư, triển vọng ngắn hạn có thể chưa quá sáng sủa, nhưng các chuyên gia kỳ vọng sự bùng nổ mạnh hơn từ năm 2025 trở đi.