Sau thịt lợn, tới lượt trứng gà kêu cứu

Thời gian qua, nhờ có sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương mà việc giải cứu thịt lợn đã có những dấu hiệu tốt làm yên lòng người chăn nuôi hơn khi giá lợn hơi cuối cùng đã nhích lên. Tuy nhiên, 'niềm vui ngắn chẳng tày gang' bởi mới đây tới lượt trứng gà lại rớt giá thê thảm và đang xếp hàng chờ cứu.

Ông Trịnh Đức Khoa, công ty TNHH Trịnh Đăng Khôi (Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, hiện tại công ty ông bán trứng gà với giá 1.200 đồng/quả (mức giá này là hòa vốn), nhưng thực tế nhiều cơ sở chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài.

Giải cứu thịt lợn, ế trứng gà

Nguyên nhân được ông Khoa chỉ ra là do chiến dịch giải cứu thịt lợn đã làm mức tiêu thụ trứng sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể theo ông Khoa, trứng gà chủ yếu tiêu thụ qua kênh chợ truyền thống và một phần bỏ mối cho các bếp ăn của công ty, xí nghiệp trên địa bàn thành phố. Trước đây, mỗi tuần xí nghiệp, công ty ăn ba, bốn bữa trứng nhưng hiện nay chỉ ăn một bữa và thay vào đó là thịt lợn.

Dẫn tới, “chính việc không có nhu cầu nên lượng trứng tồn đọng từ ngày này sang ngày khác đã đẩy các trang trại chăn nuôi vào tình trạng thua lỗ kéo dài kể từ khi chiến dịch giải cứu thịt lợn bắt đầu”, ông Khoa nói.

Khi được hỏi về việc tại sao không tiếp cận kênh siêu thị, ông Khoa cho biết, đa phần các hộ chăn nuôi vẫn sản xuất trên quy mô nhỏ lẻ, manh mún, trong khi để bán hàng trong siêu thị yêu cầu một quy trình sản xuất lớn, khép kín. Đồng thời, đa phần các siêu thị yêu cầu chiết khấu cao, kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt qua nhiều quy trình, dẫn tới thủ tục phức tạp khiến các hộ, cơ sở chăn nuôi không mặn mà. Do đó, theo ông Khoa, hiện nay, các hộ chăn nuôi trên địa bàn thường chọn hướng tự tìm cách tiêu thụ, mạnh ai nấy làm.

Trước đó, theo các chủ trang trại chăn nuôi gia cầm, giá trứng gà hiện nay dao động chỉ còn 900 – 1.000 đồng/quả, tính ra người nuôi gà đẻ trứng đang thua lỗ 500 – 600 đồng/quả. Cho nên, hầu hết các hộ chăn nuôi gia cầm đều cho biết, với nguồn cung dư thừa lớn như hiện nay, trong thời gian tới, nếu giá trứng không có chiều hướng nhích lên, buộc họ sẽ phải bán phá đàn do không thể cầm cự nuôi tiếp. Tuy nhiên, việc họ muốn bán cả đàn để cắt lỗ cũng không dễ dàng vì thương lái chỉ mua nhỏ giọt mỗi lần một vài trăm con.

Đáng chú ý, không riêng trứng gà, mới đây cá sấu cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Như báo chí đưa tin, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ nhiệm HTX cá sấu giống Nam Bộ (Hóc Môn, Tp.HCM), cho biết, giá cá sấu giống ba tháng nay hiện bán ra chỉ ở mức 250.000 – 300.000 đồng/con, không bằng một nửa của hai năm trước nhưng rất ít người mua.

Vì vậy, ông Thành cho rằng cần hỗ trợ người nuôi và nhà thu mua chế biến da cá sấu làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ hoặc xúc tiến mở rộng các thị trường đang nhập da cá sấu muối… Hay nói cách khác là cá sấu cũng cần giải cứu.

Trước tình hình này, câu hỏi đặt ra là giờ chúng ta có nên tiếp tục “giải cứu” trứng gà, cá sấu tương tự như cách đã làm với dưa hấu, hành tím, thanh long, chuối… và mới đây là lợn hơi hay không? Vì mới đây, trước tình trạng nhiều mặt hàng nông sản phải chờ “giải cứu”, tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt câu hỏi: “Chúng ta bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa”? Thủ tướng cho rằng cần xem xét cả thị trường tiêu thụ mà không chỉ tập trung vào sản xuất.

Cũng tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội bốn tháng đầu năm 2017, các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đều cho rằng từ đầu năm 2017 đến nay, Nhà nước đã tổ chức giải cứu nông sản mấy lần như vậy là quá nhiều.

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề xuất, đừng để người dân sản xuất xong phải giải cứu sản phẩm của họ. Việc giải cứu dưa hấu, thịt lợn vừa qua cho thấy chúng ta bị động.

Sau thịt lợn, tới trứng gà chờ “cứu”

Sau thịt lợn, tới trứng gà chờ “cứu”

Giải cứu bằng cách khác

Trên thực tế, việc giải cứu chỉ là giải pháp trước mắt, bởi nếu tiếp tục cứu, không biết sẽ còn những mặt hàng nông sản nào rơi vào tình cảnh tương tự như vậy. Thậm chí những mặt hàng như dưa hấu, thịt lợn đã được cứu rất nhiều lần.

Nhiều người nhận xét, việc giải cứu thịt lợn vừa qua rất giống tình hình năm 2013. Khi đó, tình trạng thịt lợn thừa nhiều, người chăn nuôi lỗ nặng đã kéo dài đến nửa đầu năm 2013. Nhưng sang năm 2014, 2015 và mười tháng đầu năm 2016 giá thịt lợn lại đạt mức cao khiến người chăn nuôi hào hứng tăng đàn, dẫn tới nguồn cung dư thừa và tình trạng phải cứu như vừa qua.

Về vấn đề trứng gà rớt giá, theo các chuyên gia, đây là vấn đề cân bằng cung – cầu muôn thủa với khâu dự báo giữ vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, ở khâu này, Việt Nam đang làm chưa hiệu quả. Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, cho rằng Nhà nước cần phải đẩy mạnh thông tin về thị trường để nông dân, chủ trang trại chăn nuôi biết được.

“Tôi cho rằng chương trình khuyến nông, khuyến thương trong chăn nuôi tại sao không bỏ tiền, kinh phí nghiên cứu để thông tin dự báo thị trường cho người dân. Hiện nay, chuyên gia đi tìm còn khó huống hồ là nông dân. Đồng thời cần công khai cả nhập khẩu, để người nông dân biết và điều chỉnh sản xuất”, ông Khanh nói.

Cùng với đó, cần phải cắt giảm khâu trung gian ăn dày, cũng như kết nối với doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Thực tế cho thấy hệ thống phân phối nông sản đang tồn tại nhiều vấn đề. Khi lợn hơi giảm giá xuống còn khoảng 35.000 đồng/kg, người tiêu dùng vẫn phải mua 100.000 đồng/kg, khi trứng gà rớt giá 900 đồng/quả, người tiêu dùng vẫn mua 2.500 – 3.000 đồng/quả, dưa hấu 1.000 đồng/kg, người tiêu dùng phải mua 15.000 – 20.000 đồng/kg.

Đánh giá về nền nông nghiệp Việt Nam, ông Julien Brun, Tổng Giám đốc công ty CEL Consulting, công ty tư vấn chuỗi giá trị tại khu vực Đông Nam Á, nhận xét, chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp Việt Nam có quá nhiều bên trung gian, cụ thể là các thương lái. Thương lái là rào cản giữa nông dân và doanh nghiệp vì giá trị họ đem lại thấp nhưng thu lợi nhiều, trong khi người nông dân hoàn toàn ngược lại.

Đặc biệt, “hơn 90% nông dân coi thương lái là nguồn thông tin duy nhất về thị trường và là đối tượng thu mua nông sản duy nhất của họ”, ông Julien Brun cho biết.

Như câu chuyện lợn hơi vừa qua, để ổn định giá thịt lợn, các bộ, ngành đã phải làm việc với doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối, rà soát chi phí trong các khâu nhằm tiết giảm những chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ.

Bên cạnh đó, có một thực tế là hầu hết các mặt hàng nông sản hiện nay vẫn đang được sản xuất nhỏ lẻ và loay hoay tự tìm thị trường là chính. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, cần kết nối thông tin thị trường với nông dân, dự báo cho nông dân về nhu cầu nông sản của thị trường cũng như các yêu cầu về hình thức, chất lượng nông sản để tăng hiệu quả của nông nghiệp và tránh tình trạng cộng đồng phải chung tay giải cứu liên tiếp như vừa qua.

Đồng thời, để sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, chỉ có sản xuất kinh doanh theo kỷ luật chặt chẽ, sản xuất sạch, không chất cấm, tồn dư thuốc bảo quản. Tới khi đó, các mặt hàng nông sản mới rộng đường tiêu thụ không chỉ ở thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu chính ngạch.

Lê Thúy

PGs. Ts. Đinh Trọng Thịnh - Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính)

Nói đến giải cứu nông sản, đầu tiên phải nói về định hướng quy hoạch của các cơ quan quản lý phát triển ngành nghề chưa tốt. Đồng thời, chưa phát huy được vai trò giữa các nhà công nghệ với việc nông dân sản xuất và với các doanh nghiệp chế biến cũng như với thị trường. Có nhiều vấn đề từ việc quy hoạch sản xuất cái gì, như thế nào.

Ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT

Phải tổ chức liên kết với nhau, nếu là doanh nghiệp lớn thì không kể nhưng nếu là các hộ gia đình, họ phải vào tổ chức của họ, có thể là hiệp hội nhưng cũng có thể theo chủ trương rất mạnh mẽ mà chưa triển khai được nhiều là mô hình HTX, bước tới là Liên hiệp HTX, để họ có những tổ chức pháp nhân chính thức, bước ra thị trường một cách chững chạc, ngang ngửa về sức mạnh so với các doanh nghiệp trên thương trường trong nước cũng như quốc tế. Chỉ có bằng cách đó họ mới có thể ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm theo thương mại chính ngạch thay vì tiểu ngạch, dẫn tới thiệt hại.

Ts. Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam

Câu chuyện giải cứu nông sản ế phải có giải pháp tổng thể bắt đầu từ Nhà nước, phải thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu dự báo thị trường, quy hoạch đến sản xuất mới giải quyết được tình trạng thừa nông sản.

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/sau-thit-lon-toi-luot-trung-ga-keu-cuu-1025902.html