Say nắng, mất nước... trong những ngày nắng nóng

Lao động ngoài trời trong thời gian dài, không bù nước, ra vào môi trường điều hòa liên tục... khiến nhiều người dân đổ bệnh, phải nhập viện cấp cứu trong những ngày nắng nóng kéo dài vừa qua.

Bác sĩ chuyên khoa I Lương Minh Tuyến, Phó Trưởng Khoa Thận Lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám cho các bệnh nhân bị rối loạn điện giải, suy thận cấp do nắng nóng.

Bác sĩ chuyên khoa I Lương Minh Tuyến, Phó Trưởng Khoa Thận Lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám cho các bệnh nhân bị rối loạn điện giải, suy thận cấp do nắng nóng.

Đổ bệnh vì nắng nóng

Thời tiết ở miền bắc những ngày gần đây khiến nhiều người phàn nàn khó chịu, mệt mỏi do đêm mưa, ngày nắng gắt.

Chị H.L.A (Cầu Giấy, Hà Nội) ho không dứt điểm suốt một tháng qua. Sau cơn cúm A, chị A. bị viêm thanh quản, viêm tiểu phế quản, mất tiếng, ho ngày đêm không dứt. Đi khám tại một cơ sở y tế, chị đã được kê kháng sinh và uống nhiều thuốc ho bổ trợ, nhưng tình trạng ho của chị vẫn chưa được cải thiện. “Vào cơn ho, tôi ho tới tím tái mặt mày, cảm giác như muốn vỡ lồng ngực. Nhiều khi ở chỗ đám đông cũng rất xấu hổ”, chị A. nói.

Khoa Thận Lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy vừa tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân bị rối loạn điện giải, suy thận cấp do cơ thể mất nước nhiều khi lao động ngoài trời nhiều giờ mà không bù đủ nước.

Bệnh nhân L.V.T (46 tuổi, trú tại huyện Bắc Yên, Sơn La) làm nghề xây dựng, lao động thời gian dài ngoài trời nắng nóng. Bệnh nhân được đưa tới cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng co rút các cơ toàn thân, đặc biệt vùng bắp chân, huyết áp tăng.

Trường hợp khác, bệnh nhân Đ.V.T (64 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) làm nghề đi biển, nhập viện với biểu hiện triệu chứng tê bì chân tay, chuột rút liên tục, đau cơ.

Hai trường hợp bệnh nhân trên đều có kết quả xét nghiệm máu cô đặc, tăng men gan, suy thận cấp. Các bệnh nhân được bác sĩ Khoa Thận Lọc máu chỉ định truyền dịch, bù nước và điện giải. Sau ba ngày điều trị tích cực, chức năng thận của các bệnh nhân đã ổn định, sức khỏe hồi phục tốt.

Bác sĩ chuyên khoa I Lương Minh Tuyến, Phó Trưởng Khoa Thận Lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, trong thời tiết nắng nóng, người bệnh có thể bị mất nước, rối loạn điện giải với biểu hiện triệu chứng như nhức đầu, mệt mỏi, lả người, ù tai, hoa mắt, tụt huyết áp, buồn nôn, tim đập nhanh và mạnh, chuột rút, tay chân co quắp, co giật… Nguy hiểm hơn là biến chứng suy thận cấp, sốc nhiệt, hôn mê và có thể tử vong.

Bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.

Những trường hợp bệnh nhân nhập viện do nắng nóng ở mức độ nhẹ có thể được điều trị tại khoa thường, bù nước và điện giải, tránh suy thận cấp. Bệnh nhân nặng bị sốc nhiệt có thể phải lọc máu, điều trị hồi sức tích cực.

Nắng nóng làm gia tăng ca mắc đột quỵ. Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, trung bình một ngày Trung tâm Đột quỵ tiếp nhận 50-60 ca đột quỵ nặng và phức tạp. Đáng lưu ý, đột quỵ ở người trẻ (từ 45 tuổi trở xuống) có xu hướng tăng hơn trong vài năm gần đây, chiếm khoảng 15% trên tổng số ca mà Trung tâm tiếp nhận.

Phòng bệnh mùa nắng nóng

Bác sĩ Đặng Hoàng Điệp, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, những ngày nắng nóng gay gắt, người dân có nhiều nguy cơ bị say nắng, say nóng, mất nước. Việc uống nước đá, ra vào phòng điều hòa cũng làm tăng nguy cơ bị viêm đường hô hấp.

Bị say nắng, say nóng không chỉ khiến chúng ta mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... mà say nắng say nóng còn có khả năng dẫn đến đột quỵ. Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong.

Say nóng thường gặp về buổi chiều có nhiều tia hồng ngoại, kết hợp với làm việc ở những nơi nhiệt độ, độ ẩm cao, thông gió kém. Trong khi đó, say nắng thường vào thời điểm giữa trưa trời nắng nóng gay gắt, và có nhiều tia tử ngoại, kết hợp với làm việc dưới trời nắng nóng, độ ẩm cao, không khí lưu thông kém.

Các dấu hiệu nhẹ ban đầu: nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da, có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.

Các biểu hiện nặng hơn nếu không được xử trí kịp thời: tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh bao gồm thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê. Khi thân nhiệt tăng quá cao còn gây rối loạn điện giải nặng, rối loạn thăng bằng nội môi, có thể xuất huyết (xuất huyết kết mạc, đái ra máu, ỉa ra máu) do rối loạn đông máu nặng, nặng hơn nữa là suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Điệp cho biết, những yếu tố thuận lợi dễ bị say nắng say nóng gồm: Trẻ em hoặc người già vì khả năng điều nhiệt, thích nghi kém với nắng nóng; sự thiếu thích nghi với khí hậu nắng nóng; tập luyện và làm việc trong môi trường nắng nóng; mặc quần áo không phù hợp (quá dày, bó sát, không thấm nước, hấp thụ nhiệt…).

Người dân lao động trong môi trường nắng nóng, mất nước nhưng không uống đầy đủ nước, hoặc môi trường quá nóng làm mất nước nhanh chóng cũng dễ bị say nắng, nóng.

Do đó, bác sĩ Điệp khuyến cáo người dân, khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng, cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.

Uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể uống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh xa nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.

Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10-15 phút.

Luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi lao động, làm việc dưới trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm...

Tạo không gian thoáng mát trong môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò... rất có ý nghĩa trong việc phòng chống bị say nắng, say nóng.

Khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.

Vào mùa nắng nóng, chúng ta cần uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như: rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua..., mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thoát mồ hôi.

Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy, trong thời tiết nắng nóng dù chỉ để trong thời gian ngắn, do nhiệt độ trong xe hơi có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút.

Các bước sơ cứu khi say nắng. (Ảnh: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)

Các bước sơ cứu khi say nắng. (Ảnh: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)

Một điều cần nhấn mạnh là khoảng thời gian 1 giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng được gọi là “thời điểm vàng” để cấp cứu. Do đó, khi cấp cứu say nắng, say nóng phải hết sức chú ý đến việc cấp cứu ban đầu tại hiện trường.

Vì vậy khi gặp người bị say nắng, say nóng, chúng ta phải thực hiện ngay các bước như sau: Đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí (chỗ bóng râm, lên xe mát hay nhà mát, …) đồng thời gọi hỗ trợ, đặc biệt gọi cấp cứu hỗ trợ; khai thông đường thở, hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực nếu người bệnh hôn mê, không bắt được mạch; áp dụng ngay lập tức các biện pháp làm mát để hạ nhiệt độ của cơ thể; đo nhiệt độ cơ thể (nếu có nhiệt kế);

Cần cởi bỏ quần áo và áp nước ấm lên người bệnh nhân sau đó dùng quạt để tăng quá trình bốc hơi (bệnh nhân nên nằm nghiêng hoặc được đỡ ở tư thế tay chống gối để bề mặt da có thể hứng được nhiều gió càng tốt; đắp khăn lạnh, hoặc áp gói nước đá vào nách, bẹn, cổ.

Cố gắng cho người bệnh uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải nếu bệnh nhân tỉnh táo, có thể uống được; chuyển bệnh nhân bằng xe điều hòa hoặc phải mở cửa sổ, quá trình vận chuyển tiếp tục làm mát nhiệt độ bệnh nhân.

Người dân nên hạn chế đi ra ngoài trong khoảng thời gian nhiệt độ tăng cao từ 10 giờ đến 17 giờ; người lao động hoặc di chuyển ngoài trời phải cần trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, các biện pháp chống nắng nóng.

Cung cấp đủ nước cho cơ thể hằng ngày, hằng giờ để bù lượng nước mất đi. Đặc biệt những trường hợp làm việc ngoài trời có thể phải bù 3-4 lít nước và nên bổ sung thêm điện giải, tránh biến chứng suy thận cấp do mất nước.

Tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả hoặc uống nước ép trái cây để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Nếu sử dụng điều hòa nên để nhiệt độ từ 28-29 độ và hạn chế thay đổi môi trường đột ngột từ trong nhà điều hòa ra ngoài trời nắng nóng hoặc ngược lại.

Trường hợp phát hiện người bị say nắng, cần đưa người bệnh ra khỏi môi trường nắng, đặt nằm ở nơi thoáng mát có bóng râm càng sớm càng tốt, nới lỏng quần áo, chườm mát bằng nước lạnh, bổ sung nước uống hoặc nước oresol... và chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để tránh nguy cơ, biến chứng nặng do mất nước, mất điện giải.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/say-nang-mat-nuoc-trong-nhung-ngay-nang-nong-post815041.html