Sẽ bổ sung quy định xử phạt hành vi buôn bán hàng giả?
Bộ Công Thương vừa đề xuất quy định xử phạt mới đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cơ sở kinh doanh.
Bộ Công Thương cho biết: Thực hiện Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã xây dựng và hoàn thiện dự thảo tờ trình, dự thảo nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 (gọi tắt là Nghị định số 98) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31-1-2022.
Theo Ban soạn thảo, dự thảo nghị định này được xây dựng nhằm sửa đổi, bổ sung hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, thể hiện đường lối, chính sách xử lý nghiêm minh, triệt để đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; góp phần ổn định thị trường, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
Theo Bộ Công Thương, trong hơn 3 năm triển khai thi hành, Nghị định số 98 sửa đổi đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại, tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan, lực lượng chức năng. Từ đó, góp phần kiềm chế tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng một cách có hiệu quả.
Tuy nhiên, tổng kết 3 năm thi hành Nghị định số 98 cũng cho thấy vẫn tồn tại một số vấn đề hạn chế, bất cập trong áp dụng pháp luật như: Sự chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật cùng điều chỉnh một hành vi vi phạm hành chính dẫn đến không thống nhất trong việc áp dụng; một số quy định chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu không thống nhất...
Do đó, việc bổ sung một số điều của Nghị định số 98 sửa đổi là rất cần thiết nhằm xử lý triệt để các hành vi vi phạm, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng.
ANH NGỌC
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.